Yếu tố gây ra chứng chán ăn ở người cao tuổi
Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng chán ăn ở người cao tuổi, trong đó thường gặp là do quá trình lão hóa một số cơ quan ảnh hưởng tới khả năng ăn uống, tiêu hóa, hấp thu. Người cao tuổi thường có tình trạng răng yếu và dễ rụng làm giảm khả năng nhai thức ăn; khả năng nuốt kém khiến việc ăn uống dễ bị nghẹn, sặc.
Thay đổi vị giác, giảm bài tiết nước bọt, các men tiêu hóa, cơ đường tiêu hóa giảm hoạt động gây ra hiện tượng ăn uống nhanh no, đầy bụng, khó tiêu, táo bón... ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Tình trạng mắc bệnh mạn tính, mắc nhiều bệnh lý và các phương pháp điều trị cũng có thể làm gia tăng cảm giác chán ăn ở người cao tuổi.
Các yếu tố về tâm lý như trầm cảm, sang chấn tâm lý, mất mát cuối đời có thể khiến người cao tuổi không còn quan tâm đến ăn uống, làm giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí dẫn đến việc từ chối ăn.

Chán ăn có thể diễn ra trong thời gian ngắn, thành từng đợt, nhưng cũng có thể kéo dài.
Người cao tuổi phải làm gì để cải thiện chứng chán ăn?
Khi người cao tuổi chán ăn, cần được khám bệnh để tìm nguyên nhân. Trên cơ sở đó, sẽ có hướng khắc phục. Khi phát hiện được nguyên nhân, nếu cần điều trị thì nên tuân theo đơn và tư vấn của bác sĩ điều trị.
Một số thay đổi trong bữa ăn và đồ ăn nhẹ hàng ngày có thể giúp kích thích cảm giác thèm ăn, hoặc ít nhất là hỗ trợ bổ sung đủ năng lượng, kể cả khi người cao tuổi không cảm thấy đói. Một số gợi ý có thể thử:
- Thêm các loại rau thơm tươi hoặc nước cốt chanh giúp bữa ăn có vị ngon hơn mà không cần thêm muối. Nếu không có cảm giác thèm ăn đủ cho 3 bữa chính, hãy ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày.
- Môi trường quanh bạn cũng quan trọng như bữa ăn được dọn ra. Điều này đặc biệt đúng với những người bị suy giảm nhận thức. Hãy giảm thiểu xao nhãng bằng cách tắt TV và điện thoại di động. Chỉ nên cung cấp 1 hoặc 2 món ăn cùng lúc để tránh cảm giác choáng ngợp, theo khuyến nghị của Hiệp hội Alzheimer (Alzheimer’s Association – Mỹ).
- Bổ sung thêm calo và protein vào thức ăn giúp hấp thụ đủ chất dinh dưỡng trong một lượng thức ăn nhỏ hơn.
- Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, không nên ăn quá no, không ăn nhiều mỡ động vật, không nên ăn các loại da (gà, vịt). Nên ăn nhiều rau xanh, không hoặc hạn chế ăn thịt đỏ (trâu, bò), nên ăn thịt trắng (thịt nạc lợn, gà). Mỗi tuần nên ăn 2–3 lần cá thay cho ăn thịt.
Một điều vô cùng quan trọng là bất kỳ người cao tuổi nào khi chán ăn cũng cần có sự động viên, chăm sóc tận tình và chế biến thức ăn hợp khẩu vị của họ (nên hỏi ý kiến về thực đơn của người cao tuổi và làm theo, thì người cao tuổi vui vẻ ăn ngon hơn rất nhiều).
Để ăn uống ngon miệng, tránh chán ăn, nên vận động cơ thể với mọi hình thức phù hợp nhất. Đối với người tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn thì nên có người hỗ trợ (gia đình, người giúp việc, nhà vật lý liệu pháp) để họ có cơ hội vận động tay chân, thân thể, ngay cả trí não (đọc báo, kể chuyện cho họ nghe).
Nếu loại thuốc mới hay liệu trình điều trị ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, hãy cho bác sĩ biết để điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc cho phù hợp.
Sau khi sử dụng các biện pháp trên mà vẫn không cải thiện được lượng ăn uống hàng ngày, người cao tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ lão khoa, chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra giải pháp phù hợp.