Người em trong cặp song sinh dính liền Việt Đức chưa thể sang Nhật nhận chức giáo sư

01-04-2017 15:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Căn bệnh khiến Nguyễn Đức - người em trong cặp song sinh dính liền được phẫu thuật tách rời thành công năm 1988 được mời về ĐH Nhật làm giáo sư thỉnh giảng nhưng chưa thể sang Nhật nhận chức vì anh đã phải nhập viện cách đây 2 tuần do nhiễm trùng thận. Các bác sĩ hiện chưa thể tiên lượng điều gì về sức khỏe của anh.

Trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Quốc tế Hiroshima (Nhật Bản) là vinh dự lớn lao với Nguyễn Đức (36 tuổi), người em trong cặp song sinh dính liền được phẫu thuật tách rời thành công năm 1988.

Anh Đức bày tỏ niềm vui sướng: "Tôi mới nhận được tin vui này vào chiều hôm qua từ một người bạn ở bên Nhật. Đã sang Nhật 45 lần với các mục đích khác nhau như giao lưu, tham quan, trị bệnh, diễn thuyết cho học sinh các cấp học, bác sĩ, người dân trong thành phố... nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ được phong chức giáo sư. Là người Việt nhưng mình lại đón nhận một chức danh cao quý ở một đất nước khác, nghĩa là mình đã làm một điều tự hào cho đất nước mình".

Niềm vui luôn song hành cùng nỗi buồn. Với anh Đức, điều khiến anh lo lắng nhất lúc này chính là căn bệnh nhiễm trùng thận mới phát hiện. Cách đây 2 tuần, anh phải nhập viện Bình Dân để điều trị và đặt một cái ống thông tiểu (dẫn nước tiểu đi ra trực tiếp từ thận).

Anh Nguyễn Đức trở thành giáo sư tại trường đại học Nhật Bản.

"Hiện tại, tôi chưa thể nói chính xác thời điểm mình sẽ bay sang Nhật để nhận chức giáo sư thỉnh giảng vì điều kiện sức khỏe. Phía nhà trường cũng nắm được tình hình hiện tại của tôi. Họ bày tỏ sự cảm thông và động viên tôi tích cực chữa bệnh vì sức khỏe là điều quan trọng nhất lúc này", anh Đức trải lòng.

Trở thành giáo sư cao quý nhưng không quên mình là ai

Nói về cuộc đời mình, người đàn ông chỉ có một chân, vóc dáng nhỏ xíu và thể trạng yếu ớt chọn từ "quá may mắn". Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, anh Đức luôn nhận được sự bao bọc và tình thương yêu của các cô chú ở làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, nạn nhân của chất độc màu da cam.

Năm tháng tận tụy với công việc hành chính ở làng Hòa Bình khiến anh Đức nhận ra cuộc sống vốn không công bằng. Có những gia đình ở vùng sâu, vùng xa nuôi cùng lúc 2,3 đứa con khuyết tật vô cùng cực khổ. Có hài nhi vừa sinh ra đời đã mang trong người những mầm bệnh, khuyết tật nặng nề bị cha mẹ chối bỏ. Cùng là người khuyết tật, anh cảm thấy bất lực và đau xót tột độ.

"Mình hãy nhìn lại mình xem?", anh Đức đã tự vấn bản thân hàng trăm lần như thế trước khi tìm ra con đường riêng của mình - trở thành một nhà diễn thuyết.

Mỗi năm vài lần, anh Đức được mời sang Nhật để nói chuyện với hàng ngàn bạn trẻ, người dân, và công chức đang sống ở đất nước này. Điều người đàn ông có trình độ văn hóa 9/12 muốn nói đơn giản thôi, nhưng nó ẩn chứa những giá trị nhân văn sâu sắc mà không phải ai cũng có thể bật ra nếu không phải là người cùng cảnh ngộ.

"Hãy đến với người khuyết tật để chia sẻ với họ những nỗi buồn, dang tay giúp đỡ họ chứ không phải tỏ thái độ là e dè hay né tránh như đang đối xử với một kẻ mang trong mình bệnh truyền nhiễm", anh Đức tha thiết nói.

Bằng khen ghi nhận những đóng góp của Đức cho xã hội được anh treo ở vị trí trang trọng trong nhà.

Suốt 10 năm nay, anh Đức, người được tách rời thành công trong ca song sinh dính liền, nuôi sống cả gia đình bằng chính khối óc và cái duyên ngầm của mình. Những ngày không làm công việc hành chính ở làng Hòa Bình, anh đi diễn thuyết, nói chuyện với bạn trẻ để vừa thấy mình được hòa nhập với cộng đồng trẻ vừa kiếm thêm thu nhập.

Nghe anh tâm sự về mọi mặt cuộc sống, trong một phút giây ngắn ngủi nào đó, chúng tôi quên mất người đàn ông đang ngồi trước mặt mình là một người khuyết tật. Nghị lực trong định nghĩa của anh Đức không dừng lại ở việc một cá nhân vượt qua được khiếm khuyết để sống có ích cho xã hội, mà nó còn là hành động giúp đỡ những người khuyết tật khác đang ở phía sau mình.

"Mình may mắn thì mình phải biết lắng nghe và giúp đỡ lại các em. Đừng bao giờ mặc định rằng sống là phải lao về phía trước, hướng về tương lai mà quên không nhìn lại quá khứ. Nếu như suốt ngày anh chỉ biết sống cho mình, đi đến tương lai và kiếm tiền lo cho gia đình thì cuộc sống của anh không có ý nghĩa!", anh Đức không ủng hộ lối sống ích kỷ.

Tự tin mình có thể truyền cảm hứng sống cho bạn trẻ Nhật

Nhiều năm gắn bó với công việc diễn thuyết tại Việt Nam và trên đất Nhật cho anh Đức sự tự tin khi nói trước đám đông và khả năng truyền cảm hứng cho mọi người. Ở khía cạnh cá nhân, anh Đức cũng góp nhặt và bồi đắp cho mình thêm nhiều vốn sống mới trong những lần nhận được câu hỏi hóc búa của khán giả.

Những bài diễn thuyết của anh Đức trước đây và ngay cả khi anh trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc tế Hiroshima (Nhật Bản) không được trích dẫn hay sao chép từ sách vở nào.

Anh Đức tin tưởng rằng mình sẽ trở thành một giáo sư thỉnh giảng tốt tại Nhật. So về mặt bằng cấp, người đàn ông Việt nhỏ bé có thể chưa chạm đến chuẩn chung nhưng nếu nói về mặt kinh nghiệm thì anh hoàn toàn tự tin có thể truyền cảm hứng sống cho các sinh viên Nhật.

Là người khuyết tật nhưng anh Đức là lao động chính, chăm lo đầy đủ cho vợ con.

"Tôi hay trau dồi nhận thức của mình bằng cách đọc những cuốn sách nói về kỹ năng sống, sách nói về góc nhìn chính trị- xã hội hiện đại, kết hợp xem tin tức hàng ngày và đặc biệt là giao lưu với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Nắm bắt thông tin trong những gặp gỡ, giao lưu với bạn bè sau những buổi diễn thuyết là thế mạnh của tôi. Lúc ấy, tôi tự động soạn một bài nói chuyện trong đầu mình để chuẩn bị cho buổi nói chuyện sau.

Nhiều người hỏi tôi tại sao anh 36 tuổi rồi mà anh vẫn chơi với những đứa trẻ tuổi teen, vẫn có phong cách nhí nhảnh trên Facebook. Tôi giải thích cho họ hiểu rằng nhí nhảnh không phải là bản tính của tôi mà đó là sự khôn ngoan trong cuộc sống. Mình phải hòa nhập với cộng đồng thì mới biết được các bạn ở tầng lớp trẻ và thế hệ đi trước khác nhau như thế nào.

Từ so sánh đó, tôi rút ra được những bài học để khi giảng dạy các đối tượng trẻ, họ nghe mình nói có cảm hứng hơn. Thông qua đó, họ cũng hiểu mình đã rành tâm lý của giới trẻ, chứ không dạy theo kiểu con vẹt. Muốn truyền cảm hứng cho người khác, trước hết, bạn phải đi tìm cảm hứng cho chính mình!", anh Đức chia sẻ.

Anh Đức vẫn luôn nhớ về anh trai mình, Nguyễn Việt, người đã hy sinh mạng sống để trao cho em cơ hội được trở thành một người như hôm nay.

Để có được vinh dự trở thành giáo sư tại trường ĐH Nhật, anh Đức không quên cảm ơn nhiều người đã đồng hành và gắn bó với mình trong suốt những năm tháng qua. Và có một người vĩ đại chúng ta không thể không nhắc đến với đầy sự biết ơn và ngưỡng mộ, đó chính là người anh sinh đôi Nguyễn Việt. Anh Việt đã nhường cho em trai các bộ phận trên cơ thể như đôi chân, quả thận... để em được sống đến ngày hôm nay.

"Đối với tôi đó là một người anh dũng cảm, phi thường và đáng kính trọng. Cả cuộc đời này tôi tôn thờ anh mình. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về anh rất nhiều, thương và hy vọng rằng ở thế giới bên kia, anh luôn phù hộ cho mình sức khỏe để làm được những điều mình mong muốn, kỳ vọng", anh Đức xúc động nói.


Ý kiến của bạn