Người dược sĩ mê văn chương trên phố núi

02-01-2016 18:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nói đến dược sĩ Chu Bá Nam chắc chắn không xa lạ với nhiều người từng công tác trong ngành y tế ở độ tuổi thuộc diện những người xưa nay hiếm.

Nói đến dược sĩ Chu Bá Nam chắc chắn không xa lạ với nhiều người từng công tác trong ngành y tế ở độ tuổi thuộc diện những người xưa nay hiếm. Tuy nhiên nói đến một Chu Bá Nam nhà văn và nhà thơ chắc chắn vẫn có không ít người phải ngỡ ngàng, nhất là khi nhắc đến Giải nhất cho tiểu thuyết “Ngoài phòng thí nghiệm” trong cuộc thi văn chương từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, cách nay gần nửa thế kỷ do Bộ Y tế và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Gặp ông “vua bạc hà” Chu Bá Nam

Tôi đáp xuống sân bay Liên Khương, Lâm Đồng cách thành phố Đà Lạt chừng hơn 30 phút xe chạy, vào một chiều mưa tầm tã. Ngồi trên taxi về Đà Lạt, bỗng dưng trong tôi vang lên giọng hát của ca sĩ Chế Linh trong bài “Thành phố buồn”, tôi lấy máy gọi ngay cho nhà văn Chu Bá Nam hẹn ngay mai sẽ gặp nhau.

Dược sĩ, nhà văn Chu Bá Nam sinh ra ở Việt Yên, Bắc Giang, và là em trai ruột của nhà văn Đỗ Chu (Chu Bá Bình) từng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt IV, năm 2012.

Nhà văn Chu Bá Nam.

Chu Bá Nam vốn học Đại học Dược, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công lên Tây Bắc để tìm kiếm và phát triển nguồn dược liệu, chủ yếu là cây bạc hà để chiết xuất tinh dầu phục vụ cho ngành y tế. Ông đã có mặt ở hầu khắp núi rừng Tây Bắc Tổ quốc. Sau đấy Chu Bá Nam được cử sang Bulgary nghiên cứu sinh tiến sĩ. Về nước, ông tham gia hướng dẫn sinh viên ngành Dược ở Trường đại học Dược Hà Nội, rồi vào Đà Lạt, Lâm Đồng công tác ở Bệnh viện Đông y cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, rồi làm Trưởng khoa Dược của Bệnh viện chuyên Nghiên cứu và Chiết suất các loại tinh dầu, chủ yếu là tinh dầu bạc hà. Cây bạc hà cùng với những chai lọ gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, chẳng thế mà ông được mệnh danh là “Vua bạc hà”.

Ngay khi còn đang công tác, dược sĩ Chu Bá Nam có một thú vui không giống ai là thích sưu tầm chai lọ. Ông từng tâm sự “Cả đời làm việc ở phòng thí nghiệm, tiếp xúc với chai lọ, tôi có những kỷ niệm buồn vui với chúng. Mỗi khi nhìn ngắm chúng, tôi cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, thanh thản và thấy vơi đi những âu lo đời thường, và tôi thấy dường như chai lọ cũng có hồn nên nảy ra ý định thu gom lại... Hơn nữa, chai lọ bằng thủy tinh có hình dáng rất đẹp nên tôi thích thu gom chúng lại”.

Hiện ông đã có bộ sưu tập hơn 1.000 chai lọ khác nhau. Nhưng ông chỉ thu gom những chai lọ thủy tinh trong suốt, trong đấy có những chai rất quý hiếm như EIFFEL TOWER XQ do nhà văn Phạm Văn Biển tặng. Sở dĩ có được bộ sưu tập chai lọ đầy đặn như vậy, vì theo ông: “Nghề nào cũng cần có sự kiên trì và lòng đam mê thì mới thấy được những ý nghĩa đích thực của nó. Nhiều khi, ta phải chăm sóc, để ý tới thú vui hơn cả sức khỏe của mình”. Thậm chí ông còn kể với nhiều người bạn quan tâm đến bộ sưu tập chai lọ của ông: “Có những đêm nằm nghe chuột quậy trong đống chai lọ, mình nín thở, với tay bật điện sáng rồi yên lặng để cho chuột tự chạy ra, chứ không dám làm “kinh động” chúng, sẽ đổ vỡ chai lọ mất”.

Và những trang văn thấm đẫm tình người

Tôi biết nhà văn Chu Bá Nam từ hồi đầu những năm 2000, khi ông vừa ra tập truyện ngắn “Chốn sương mù” do Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa dân tộc ấn hành. Năm 2001, tác phẩm này được tái bản và tôi đã viết bài về tập truyện này của ông trên một vài tờ báo. Đây là cuốn sách thứ hai của ông sau tiểu thuyết “Ngoài phòng thí nghiệm” đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác: “Hình ảnh người cán bộ y tế trong chiến tranh” do Bộ Y tế và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1972- 1974. Năm 2005 ông cho ra đời tiếp tập truyện ngắn “Khúc nhạc chiều” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Là một dược sĩ công tác tại Đà Lạt nên văn chương với Chu Bá Nam không phải là công việc chính, thế nhưng nó lại là một cái gì đó đau đáu từ trong sâu thẳm trái tim, khiến ông phải cầm bút. Có lẽ cái tạng người Kinh Bắc đò đưa dường như đã gặp được không khí mộng mơ ở nơi thành phố mù sương này nên trong ông luôn khát khao tìm đến những xúc cảm mới lạ qua những trang văn và những vần thơ.

Tập truyện ngắn gần đây nhất của Chu Bá Nam có tên “Phép màu” do NXB Văn học ấn hành năm 2013, gồm 25 truyện. Tuy nhiên, ngoài tập truyện này ra ông vẫn còn tiếp tục viết, viết đều và viết khỏe, in rải rác trên các báo trung ương và địa phương. Truyện ngắn “Phép màu” trong tập truyện cùng tên là một câu chuyện nhân sinh khá lạ và hấp dẫn. Nhân vật chính của truyện là một con khỉ độc cao lớn hơn mức bình thường, hiện là vật nuôi của Phân viện Cứu hộ động vật hoang dã, do ni cô của một ngôi chùa biếu tặng, nhưng khi xổng chuồng thì hắn tỏ ra hết sức hung dữ, đã gây ra không biết bao tai họa cho người dân quanh vùng. Ngay cả Tư Thú là sếp sòng của một hội săn từng được mệnh danh là Võ Tòng đả gấu, người chưa biết nếm mùi thất bại trước bất kỳ loại thú hoang dã nào cũng đành bó tay hay thầy dạy võ karate của Câu lạc bộ Thiếu niên thành phố cũng đều không thể nào quy phục được nó.

Bỗng dưng: “Con khỉ phóng qua đầu đám đông, ôm chầm lấy vạt áo dài nâu của một người vừa đến. Đó là một ni cô. Con vật hung dữ bỗng như một đứa trẻ bíu lấy vạt áo cà sa cầu cứu sự che chở. Võ sư xông vào toan giằng nó ra thì ni cô chắp hai tay: “Mô phật!”. Nét mặt từ bi, bàn tay mềm mại trong màu áo nâu sồng khiến sự hung hăng của võ sư trở nên lố bịch. Võ sư chùng người, những nếp nhăn tức giận khắc trên mặt giãn dần... Và thật bất ngờ, con khỉ buông vạt áo cà sa, chắp hai tay vái võ sư như tế sống, rồi chống hai tay, đầu dập đất. Võ sư hẳn tiếc một cú đá. Nhưng lúc này mà làm điều đó là tự sỉ nhục. Còn gì là thượng võ, còn gì là fair play nữa. Thua một cách nghĩa hiệp lại là một chiến thắng khác. Rất mừng, võ sư đã kiềm chế được. Tiếng chuông chùa lặn hẳn, tay phải ni cô cầm tay võ sư, tay trái nắm lấy bàn tay con khỉ, vụt giơ lên quá đầu trong tiếng vỗ tay reo hò. Tiếng chuông chùa như tiếng cồng nổi lên chấm dứt trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ mà cả hai đều thắng.

Nhà thơ nghiệp dư Thi Nhân trong truyện ngắn cùng tên đã tự huyễn hoặc mình bởi cái giải nhất bình chọn trên mạng xã hội để rồi trút lấy hậu quả khôn lường. Đôi vợ chồng trẻ trong truyện “Hoa cho ai” chỉ vì sự hiểu nhầm đáng tiếc mà suýt nữa gia đình tan vỡ. Còn cụ Sinh trong “Bài học dành cho người lớn” có vẻ lúc nào cũng được lũ trẻ con trong làng kính trọng, nhưng chỉ vì tật nghiện thuốc lá và nói tục mà cụ phải nhận lấy bài học đắt giá,...

Nhìn chung những truyện ngắn của Chu Bá Nam đều mang đậm hơi thở của cuộc sống thực với bao lo toan vất vả và những chịu đựng âm thầm của những người lao động, cùng những triết lý nhân sinh thâm hậu. Đấy có thể là những công nhân trong xưởng chế biến nhựa thông để làm ra chất colophan dùng sản xuất thuốc súng trên mảnh đất quanh năm sương mù nơi cao nguyên trung phần Đà Lạt trước đây, cũng có thể là anh xe ôm, hay một ni cô, người lao công, anh công chức, võ sư, người thợ săn, một người làm thơ,...

Các nhân vật trong truyện ngắn của Chu Bá Nam rất đa dạng về nghề nghiệp, điển hình về tính cách, nhưng cũng rất độ lượng và nhân hậu. Với giọng văn và ngôn ngữ trong sáng cùng lối kể chuyện dung dị trên bối cảnh thiên nhiên Đà Lạt mộng mơ, nên thơ và cũng là xứ sở của nhiều thiền viện, chùa chiền, vùng đất giàu chất Phật, nên đọc truyện của ông tôi có cảm tưởng như tâm hồn mình như được gột rửa, tẩy trần.


Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến của bạn