Nhan nhản những video "rác"
Là một người yêu thích nền tảng Tiktok, Thành Hiếu (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, mỗi ngày anh thường dành khoảng 30 phút - 1 tiếng để lên Tiktok giải trí, thế nhưng cứ xem khoảng 5-7 video thì lại lướt thấy 1 video có nội dung tiêu cực.
"Dạo một vòng Tiktok, không khó để bắt gặp những video có nội dung ảnh hưởng xấu đến nhận thức người xem như trào lưu đi xe máy bốc đầu, tạo dáng đăng lên mạng xã hội, những video gợi dục, nhảy múa khoe thân...", Thành Hiếu chia sẻ.
Cũng theo Thành Hiếu, khác với Facebook và Youtube, người dùng cần phải nhập từ khoá nội dung cần tìm kiếm kết quả cần tìm kiếm mới trả về, tuy nhiên trên Tiktok, những video này sẽ tự động hiển thị, tự tìm đến người dùng. Từ đó những trào lưu độc hại, nội dung nhảm nhí, tiêu cực cũng dễ dàng tiếp cận người xem.
Lý giải về việc thường xuyên bắt gặp những video tiêu cực, Hoàng Phương (người có hơn 2.500 người theo dõi trên nền tảng Tiktok) cho rằng, khi nắm bắt được thuật toán của Tiktok, nhiều Tiktoker đã bất chấp làm những "content bẩn" để tăng tương tác, bán hàng và nổi tiếng. Điển hình một số "mẹo nhỏ" để video lên xu hướng là sử dụng những bài hát thịnh hành, từ khoá được nhiều người tìm kiếm để lồng ghép những video quảng cáo web bài bạc, web đen, tiếp cận dễ dàng đến khán giả.
Ngoài ra, không khó để bắt gặp trên Tiktok những video clip có nội dung 18+, nhảy nhót dưới ánh đèn, tạo những tư thế gợi dục. Những video phản cảm như thế này tạo sự khó chịu cho người xem, đồng thời ảnh hưởng đến những người dùng ở độ tuổi vị thành niên vì đây là giai đoạn phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Là phụ huynh có con học lớp 6 và rất mê Tiktok, chị Nguyễn Hường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu được lo lắng. Khi vào Tiktok gặp phải những video có nội dung độc hại, bản thân chị thấy rất khó chịu. Theo chị Hường, đã có lần con gái chị mặc áo lộ eo, quần ngắn, học nhảy theo một clip trên Tiktok, từ đó chị đã xoá ứng dụng trên điện thoại, cấm con gái xem Tiktok.
Việc tiếp cận "content bẩn" đã khiến nhiều người, trong đó có cả trẻ em học và làm theo, đăng tải lên Tiktok để câu view, thể hiện "bản lĩnh" trên mạng xã hội. Do đó nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng xã hội dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục vào cuộc xác minh các clip, xử lý nhiều thanh, thiếu niên, học sinh trong độ tuổi từ 14 đến 20 vi phạm luật giao thông như lạng lách, đánh võng, bốc đầu, tạo những tư thế khó rồi đăng tải lên Tiktok.
Điển hình, ngày 3/11, Công an TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vừa tiến hành xử lý hành chính đối với 3 thanh thiếu niên có hành vi bốc đầu xe, lạng lách đánh võng trên đường phố sau khi nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân về tài khoản Tiktok mang tên “Thinplus” với hơn 17.600 lượt theo dõi chuyên đăng tải video vi phạm luật giao thông.
Tiktok sẽ xóa tài khoản của trẻ dưới 13 tuổi
Tại buổi họp báo của Bộ TT&TT chiều 6/11, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, Tiktok Singarpore đã gửi một văn bản cam kết thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là cam kết bảo vệ trẻ em trên môi trường Tiktok.
Trong đó, Tiktok sẽ thực hiện những nội dung về bảo vệ trẻ em như hạn chế thời gian truy cập với người dưới 18 tuổi, xóa tài khoản của trẻ dưới 13 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua Tiktok.
Trong tháng 10, Tiktok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm. Trong đó, xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ.
Không phủ nhận Tiktok đã đem đến sân chơi giải trí cho hàng triệu người dùng, tuy nhiên những nội dung độc hại đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, tư duy của nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ.
Để bài trừ những video có nội dung bẩn, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh, ngăn chặn thông tin, video độc hại một cách phù hợp. Người dùng TikTok cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình, nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội.