Người điều hoà, cân bằng cảm xúc

25-05-2023 15:14 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Với bác sĩ Trần Thị Tuyết – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, lẽ sống cuộc đời của chị chính là tình yêu. Trước hết đó là tình yêu gia đình, yêu nghề và yêu thương người bệnh, coi người bệnh như người thân trong gia đình.

Người điều hoà, cân bằng cảm xúc - Ảnh 1.

Yêu nghề, yêu người, bác sĩ Tuyết (người đứng bên phải) luôn ân cần, động viên, chia sẻ với người bệnh.

Yêu nghề và yêu bệnh nhân

Chính vì yêu gia đình mà năm 2006, bác sĩ Tuyết chấp nhận rời bỏ công việc ổn định, có thu nhập khá tại Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh ChươngNghệ An để đoàn tụ với chồng. Thời điểm này, chồng chị là bác sĩ Phan Bá Thu  đang công tác tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh 4.

Về đoàn tụ cùng chồng, nhưng công việc của chị lại chông chênh khi các bệnh viện, đơn vị chăm sóc sức khỏe sinh sản đều đã đủ bác sĩ chuyên ngành này. Được sự tư vấn của các cán bộ Sở Y tế Nghệ An, chị xin về làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An- một bệnh viện chuyên ngành đặc thù luôn thiếu y bác sĩ. Dù trái ngành được đào tạo, nhưng bác sĩ Tuyết chấp nhận dấn thân vào thử thách ở một chuyên ngành mới.

Về ở đơn vị công tác mới, ấn tượng đầu tiên của bác sĩ Trần Thị Tuyết là những bệnh nhân. Tuyệt đại bộ phận bệnh nhân bị tâm thần đều là những người có gia cảnh rất nghèo khổ. Họ rất đáng thương khi mất hết khả năng hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy. Đây là căn bệnh mãn tính, lâu dài…

Tiếp xúc với các bệnh nhân này, bác sĩ Tuyết rất thương họ. Chị muốn được chăm sóc, điều trị, giúp đỡ các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân này. Chính vì vậy, khi vừa 'chân ướt chân ráo' về bệnh viện, dẫu đang "bụng mang dạ chửa" nhưng chị kiên quyết xin đi học ngay định hướng chuyên khoa tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương để được sớm bắt tay vào việc.

Bệnh nhân tâm thần rất đáng thương khi  hầu hết họ đều mất hết nhận thức, cảm xúc, tư duy nên cần có sự chăm sóc, yêu thương của các y bác sĩ như người thân trong gia đình.

Về công tác tại Khoa Bán cấp tính Nam (sau này là Khoa Tâm thần Nam) – nơi có những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, có nhiều hành vi nguy hiểm, bác sĩ Tuyết luôn cố gắng điều hoà, cân bằng cảm xúc cho bệnh nhân, đem lại hiệu quả trong điều trị.

Với suy nghĩ cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân hồi phục, bác sĩ Tuyết đã cố gắng học tập, tích lũy kiến thức chuyên môn, kỹ thuật điều trị, kinh nghiệm từ những cán bộ đi trước… Chị luôn tự nhủ, muốn giúp được bệnh nhân thì mình phải giỏi chuyên môn. Muốn giỏi thì phải không ngừng học tập, tích lũy từng ngày, 'kiến tha lâu đầy tổ'.

Chính tình yêu nghề, yêu bệnh nhân đó đã khiến bác sĩ Trần Thị Tuyết nhanh chóng trưởng thành, khẳng định được năng lực, trình độ chuyên môn và được tập thể bệnh viện ghi nhận. Sau 4 năm về công tác tại đơn vị mới, chị đã được bổ nhiệm làm trưởng khoa; đến năm 2016, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp và đến năm 2019 thì được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện.

Người điều hoà, cân bằng cảm xúc - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết (người ngồi bên trái) trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp

Hành nghề y, chưa bao giờ bác sĩ Trần Thị Tuyết lấy sự thăng tiến làm động lực phấn đấu. Mục tiêu của chị chỉ đơn giản là cố gắng học tập, làm việc để phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Vậy nên, chị không bao giờ tự hài lòng với bản thân. Việc học tập của chị chưa bao giờ dừng lại. Hiện tại, bác sĩ Tuyết đang theo học Bác sĩ chuyên khoa 2.

Cùng với việc tích cực tham gia học tập, bác sĩ Tuyết cũng dày công để nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ về mọi mặt, nhằm bảo đảm thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả. Trong nhiều năm liền, bác sĩ Trần Thị Tuyết là chủ để tài nghiên cứu khoa học, tiêu biểu các công trình như: "Đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân rối loạn tâm thần liên quan tới tố tụng điều trị tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An"; " Một số nhận xét về lâm sàng bệnh nhân có hành vi nguy hiểm điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An"; "Một số nhận xét yếu tố liên quan của bệnh trầm cảm vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An".

Khoẻ để dựng xây những mái nhà

Làm việc tại một môi trường đặc thù, căng thẳng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên chú cao như ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, ít nhiều các cán bộ y tế ở đây đều bị bệnh nghề nghiệp tác động ở mức độ nhất định – đó là sự rối loạn cảm xúc. Để làm tốt công việc của mình, các cán bộ y tế phải tìm cách tự cân bằng cảm xúc để trở lại cuộc sống thường nhật sau mỗi giờ trực về nhà, hoặc ngược lại. Người giỏi thì việc cân đối trở về trạng thái bình thường nhanh, nhưng cũng có người bị sự tác động này kéo dài.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết động viên người nhà có con mắc bệnh tâm thần, chị luôn chia sẻ, yêu thương người bệnh như người thân

Là một bác sĩ trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, hơn ai hết, bác sĩ Trần Thị Tuyết hiểu rõ sự khó khăn này. Vậy nên, năm 2012, khi được giao trách nhiệm là ủy viên ban chấp hành công đoàn, trưởng ban nữ công của bệnh viện, bác sĩ Tuyết ngoài bám sát chương trình hoạt động công đoàn còn tích cực tham mưu cho công đoàn bệnh viện, ban giám đốc bệnh viện liên tục tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao; tổ chức các hội diễn, giải thi đấu thể thao như kéo co, bóng chuyền, cầu lông trong nội bộ đơn vị vào các ngày lễ; động viên các cán bộ y bác sĩ tham gia.

Bác sĩ Tuyết chia sẻ: Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã tạo nên một không khí mới. Khi hết giờ làm việc, cán bộ công nhân viên, người lao động của bệnh viện đều tham gia, qua đó họ giải tỏa được áp lực, stress nếu có, cũng như giúp cân bằng được cảm xúc nhanh hơn… Khi có một giải thể thao, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người, nhiều đội tham gia; bản thân người tham gia phải tập luyện thường xuyên, liên tục trong nhiều ngày, nhiều tháng. Từ đây, phong trào ngày càng được đi lên. Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chính là liệu pháp dành cho cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện.

Ngoài điều trị theo phác đồ, các thầy thuốc ở bệnh viện Tâm thần Nghệ An còn chăm sóc về thể chất, tinh thần cho người bệnh để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2017 đến nay, bác sĩ Trần Thị Tuyết được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Trên vị trí mới, chị tiếp tục tham mưu cho Ban giám đốc tăng cường liệu pháp này. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Công đoàn ngành và của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, chị Tuyết đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác, đặc biệt là làm tốt phong trào xây dựng bệnh viện "Xanh – Sạch – Đẹp".

Bác sĩ Trần Thị Tuyết khiêm tốn cho biết: So với 5 năm trước, bây giờ không gian bệnh viện đã có nhiều đổi mới, sạch sẽ, tươi mới và khang trang hơn. Xây dựng không gian bệnh viện xanh – sạch – đẹp đem lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân; cũng làm cho cán bộ y tế thoải mái trong làm việc, giảm bớt sự căng thẳng và mệt mỏi… Thực ra làm được như vậy, ngoài sự đầu tư của bệnh viện còn có sự đóng góp rất lớn về mặt kinh phí, công sức của các đoàn viên. Mình là Chủ tịch Công đoàn thì vai trò vận động, động viên là chính.

Với sự năng nổ, nhiệt huyết của Chủ tịch Công đoàn Trần Thị Tuyết, các phong trào, hoạt động của Công đoàn Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đều đạt hiệu quả cao. Điển hình như trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các đoàn viên của bệnh viện luôn đi đầu trong việc ủng hộ phòng chống dịch; tham gia tăng viện cho Miền Nam; lấy mẫu cộng đồng tại Thành phố Vinh bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát… Rất nhiều người đã được các cấp ngành khen thưởng, biểu dương.

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các đoàn viên của bệnh viện luôn đi đầu trong việc ủng hộ phòng chống dịch; tham gia tăng viện cho miền Nam;

Gần 30 năm công tác trong ngành y tế, chưa bao giờ bác sĩ Trần Thị Tuyết hết yêu nghề, yêu người, yêu mái nhà Bệnh viện Tâm thần và mái ấm riêng tư của mình. Chị Tuyết tâm tình: Bây giờ mình chỉ mong muốn khỏe mạnh để làm tốt vai trò người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình; để làm tốt nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ xây dựng mạng lưới chăm sóc và quản lý bệnh nhân tâm thần ở tuyến cơ sở; làm tốt nhiệm vụ người Chủ tịch Công đoàn trong đơn vị….

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nghệ An Trần Thị Hà cho hay: Bác sĩ Tuyết là một cán bộ công đoàn mẫu mực, cực kỳ tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Bản thân bác sĩ Tuyết đã luôn làm tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đoàn viên công đoàn bệnh viện.

Người điều hoà, cân bằng cảm xúc - Ảnh 7.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết (người đứng thứ 2 bên phải) là một đảng viên xuất sắc, chiến sĩ thi đua, gương sáng y đức nhận được nhiều bằng khen, giấy khen.

Bác sĩ Tuyết là một đảng viên xuất sắc, chiến sĩ thi đua, gương sáng y đức, từng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Công đoàn ngành, Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Thêu hoa, dệt gấm” để hồi sinh những mảnh đời“Thêu hoa, dệt gấm” để hồi sinh những mảnh đời

SKĐS - “Ranh giới giữa sống – chết rất mong manh, nếu không phối hợp thống nhất, nhịp nhàng của kíp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ vì mất máu quá nhiều”- bác sĩ Võ Thái Trung chia sẻ.

Từ Thành - Thanh Sơn
Ý kiến của bạn