Hà Nội

Người đi tìm văn hóa dân tộc làm động lực

27-07-2013 15:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lần đầu mới gặp, chả ai nghĩ người đàn ông có dáng thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng cùng với nụ cười nhiều khi bẽn lẽn trước mặt là ông Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban tổ chức TW, nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng.

Lần đầu mới gặp, chả ai nghĩ người đàn ông có dáng thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng cùng với nụ cười nhiều khi bẽn lẽn trước mặt là ông Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban tổ chức TW, nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng. Quen biết rồi càng thấy lạ hơn khi vị quan chức hàng ngày cứ túi bụi muôn chuyện của một thành phố lớn hoặc “chuyện nhân sự” khi ra Hà Nội lại là người  đàn hát rất hay và say nghệ thuật dân gian truyền thống đến thế. Ông là tiến sĩ Trần Văn Minh.

Lâu rồi, ấy là lần đầu đến Sở Kế hoạch đầu tư TP. Đà Nẵng tìm ông Giám đốc có việc, đúng hôm Sở đang vào dịp kỷ niệm ngày thành phố được giải phóng. Giám đốc bận, tưởng phải sốt ruột chờ nhưng tôi bị hút bởi anh quần đùi người nhỏ thó đang thi võ và khí công trên sân với đồng nghiệp. Anh em vỗ tay, lại bắt “anh nhỏ thó” này hát và tự đánh đàn. Bụng bảo dạ rằng khi gặp Giám đốc phải khen tay nhân viên này một câu, nào ngờ đấy lại chính là Giám đốc Trần Văn Minh. Đó là kỷ niệm đầu tiên về ông.

Người đi tìm văn hóa dân tộc làm động lực 1Tiến sĩ Trần Văn Minh và Giáo sư Hoàng Chương.

Đà Nẵng lạ thật. Quan cứ lẫn với lính. Đến ông Bí thư mà cũng có lúc quần đùi áo số, xỏ giầy ra sân cỏ, sút bóng thực sự trong vị trí trung phong thì đúng là “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, chả trách báo chí cứ hô lên là “thành phố đáng sống!”. Năm tháng cứ trôi, ông Giám đốc Kế hoạch đầu tư thành ông Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch TP, tất nhiên là bận bù đầu, tần suất văn nghệ, thể thao cứ giảm dần vì công việc quản lý vĩ mô. Thế nhưng hễ cứ hở ra lúc nào là ông lại lặng lẽ đàn hát và nghe dân ca như bị... ghiền! Mà cũng có thể đấy là cách giải lao, cách xả stress của ông chăng. Thôi thì đấy là sở thích của mỗi người, chả bàn. Cái đáng bàn là ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch TP. Trần Văn Minh đã mời GS. Vũ Khiêu, GS. Trần Văn Khê và tôi tới Đà Nẵng thăm thú. Không có hội thảo, họp hành, chỉ quanh bữa cơm thân mật kéo dài tại nhà hàng bên bờ sông Hàn lộng gió,  ông Chủ tịch kiệm lời chỉ nghe, ít nói và có nói chăng cũng chỉ xoay quanh chuyện về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng như mong các vị khách hiến kế cho ông về phát triển văn hóa và du lịch TP. Đà Nẵng.

Xem ra bữa cơm đãi khách có ích hơn những hội nghị, hội thảo hoành tráng mà kém chất lượng nội dung bởi tiết kiệm được khối tiền ngân sách mà người nói ở vị trí thân tình cứ ngắn gọn, súc tích rút ruột mình ra thay vì những tham luận dài dòng ngổn ngang câu chữ. Chủ tịch Trần Văn Minh là thế. Ông không những nghe và suy ngẫm, còn tranh thủ mời các giáo sư đi thăm và nói chuyện ở một số cơ quan, trường học trong TP. Đà Nẵng. Khách đến chơi không chỉ du ngoạn thấy nhàm mà “gia chủ” cũng lợi đơn lợi kép. Nghe anh em  báo cáo về hiệu quả của “khách đến chơi nhà” những là cán bộ, thầy giáo và sinh viên phấn khởi thế nào khi các GS, nhà khoa học đến giao lưu, Chủ tịch Trần Văn Minh chỉ mủm mỉm: “Thành phố miền Trung muốn phát triển thế nào mà không biết về văn hóa, truyền thống, lịch sử nước nhà và kinh nghiệm thế giới thì cũng đành chịu!”. Là thế ư, chứ không phải vì “hoàn cảnh địa lý”,  vì “kinh phí hạn hẹp”  hay  “lực lượng mỏng” như đây đó vẫn tự an ủi mình chăng?

Đà Nẵng có Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng là đặc sản văn hóa cả nước nhưng không chỉ yên tâm mà tự hào. UBND thành phố chẳng xông xênh kinh phí gì nhưng cũng rất chịu chi tiền mời những nghệ sĩ hát xẩm, quan họ từ Hà Nội vào để hát cho cán bộ, nhân dân nghe. Bận thì thôi chứ rảnh chút là ông Minh thể nào cũng tới và chăm chú hỏi thêm về mấy ngón đàn, dăm làn điệu dân ca miền Bắc. Tôi dám chắc rằng các đoàn nghệ thuật phía Bắc mỗi lần “du Nam” đều không thể không ghé qua Đà Nẵng để tranh thủ biểu diễn vài buổi. Đơn giản vì công chúng ở đây “máu” nghệ thuật lắm, khán giả cứ đông nghìn nghịt. Thì ra công dân ở vùng miền nào cũng đều là con dân nước Việt, tự hào về di sản chung của cha ông Việt để lại và niềm yêu ấy, nỗi tự hào ấy là động lực để Đà Nẵng đi lên chăng?

Hôm đoàn nghệ thuật của chúng tôi bay từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để nối chuyến sang Nhật dự Festival quốc tế nghệ thuật dân gian năm 2009, vô tình gặp TS. Trần Văn Minh ở sân bay  Tân Sơn Nhất, ông hỏi thăm từng nghệ sĩ và tha thiết mời cả đoàn sau khi biểu diễn ở Nhật về sẽ vào biểu diễn ở Đà Nẵng. Chả phải lời giao đãi mà là lời mời thật tình bởi khi đoàn về, ông vẫn còn gọi điện nhắc. Trọng lời nói như đinh đóng cột của ông Chủ tịch TP, cuối năm đó, tôi lại dẫn đoàn nghệ thuật này đến Đà Nẵng trong sự đón tiếp hết sức trọng thị của những người làm văn hóa ở đây. Anh em nghệ sĩ vốn biết tiếng ông Minh mê nghệ thuật truyền thống nhưng không thể ngờ cái tình của ông dành cho nghệ sĩ lại chỉn chu đến thế. Đi biểu diễn khắp nơi, thấy Chủ tịch tỉnh, thành ngồi xem chăm chú từ đầu đến cuối đã là hiếm bởi các vị còn bộn bề những trăn trở lo toan của một tỉnh, một thành phố. Thế nhưng ông Chủ tịch Đà Nẵng không chỉ thu xếp cái bộn bề đang chất nặng trong ông để  tranh thủ đến xem (chứ không phải đến dự). Ông còn lên sân khấu phát biểu chào mừng các nghệ sĩ từ Thủ đô Hà Nội tới và khi xem diễn đã nồng nhiệt vỗ tay như một khán giả bình thường, sau buổi diễn còn đến tận khách sạn đoàn nghỉ để hỏi thăm và chúc mừng. Tình người là thế nên nghệ sĩ như thăng hoa hơn đến nỗi kế hoạch bị vỡ, sau buổi diễn tại Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh với khán giả ngồi chật kín khán phòng, đoàn lại về Điện Bàn - quê hương của những danh nhân Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Bình... biểu diễn cho hàng ngàn người xem. 

Người đi tìm văn hóa dân tộc làm động lực 2Tiến sĩ Trần Văn Minh bên cây đàn Panjo.

Ở Đà Nẵng là thế mà ra đến nước ngoài, tình yêu nghệ thuật truyền thống trong ông cũng lay được trái tim bè bạn. Lần sang làm việc ở TP. Osaka (Nhật Bản), ông đến thăm một gia đình trí thức Nhật. Thấy chủ nhà có một cây đàn Panjo truyền thống của Nhật, Chủ tịch Trần Văn Minh say sưa ngắm cây đàn như một vật quý, rồi xin phép thử chơi mấy bài dân ca Việt. Ông chủ nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy một quan chức mà chơi đàn như nghệ sĩ, bèn tặng cho ông. Ông từ chối thì gia chủ cứ nắm lấy tay ông mà rằng: “Tặng quà người biết giá trị và sử dụng thì đó là niềm vui của người tặng. Mà đàn cổ của tôi chở được cả dân ca hai nước thì đấy là hồng phúc của hai nước chúng ta...”.

Cây đàn của người trí thức Nhật từ bấy đến giờ vẫn được treo ở một vị trí trang trọng trong nhà ông Minh, thỉnh thoảng chủ nhân lại cầm đàn dạo mấy khúc, vừa để giải trí vừa để nhớ người bạn Nhật tốt bụng. Và dường như cây đàn Panjo Nhật đặt cạnh chiếc đàn cò của nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa tặng giữa những nhạc cụ như trống đồng Đông Sơn, trống da trâu cổ của dân tộc Tây Nguyên cùng với dàn cồng chiêng đủ loại như một minh chứng rằng trái tim con người, bản sắc riêng biệt mỗi quốc gia vẫn có thể tìm thấy sự hòa đồng trong âm thanh chung của khát vọng hòa bình và hữu nghị.

Mới đây, nhân trên đường đi chấm thi tuồng và dân ca kịch toàn quốc tại TP. Tam Kỳ, tôi ghé qua Đà Nẵng thăm TS. Trần Văn Minh đúng hôm ông vừa từ Hà Nội về thăm nhà trong ngày nghỉ. Chẳng quan cách, ông Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cựu Chủ tịch thành phố vẫn chân chất như xưa, cầm đàn ghita đệm cho tôi hát một câu hò Quảng:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu hồng đào chưa nhấm đã say

Anh về đừng ngủ gác tay

Hỏi nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng ni...

Tôi nhìn ông đàn cứ nghĩ người học đàn ghi-ta qua mạng như ông sao có thể đàn ngọt đến thế, lại còn sáng tác được mấy ca khúc mang đậm chất dân gian xứ Quảng với tràn trề tình yêu quê hương đất nước. Ông bận nhiều việc, hết ra Bắc vào Nam, lên cao nguyên, xuống đồng bằng, ra miền duyên hải, tưởng không thể có thời gian nghĩ đến nghệ thuật truyền thống nhưng tình yêu văn hóa dân tộc ấy cũng là một danh mục “bận” trong ông. Phàm điều gì bận trong mỗi người đều là quan trọng cả và cái “bận” ấy cũng là thái độ trân trọng và biết ơn di sản cha ông trong một nhà lãnh đạo cấp Trung ương. Cái “bận” ấy là bệ phóng của sự phát triển khi biết lấy văn hóa truyền thống của dân tộc làm động lực... Cái “bận” ấy  là điểm tựa để ông và mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn, là sợi dây thân thiện gần gũi hơn nối với đồng chí, với nhân dân của mình... 

GS. Hoàng Chương



Ý kiến của bạn