Trong một phát biểu mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh “Chừng nào còn chiến tranh và xung đột, khi đó vẫn còn người tị nạn. Vào Ngày Tị nạn Thế giới, tôi xin nhắc các bạn nhớ những điều này. Chúng ta cần phải đoàn kết, có tình thương và hành động”. Ngày Tị nạn Thế giới 20/6 năm nay đã chứng kiến những con số buồn kỷ lục. Số liệu mới nhất của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho thấy đã có tới 68,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2017, tương đương với dân số Thái Lan. Những người tị nạn để chạy trốn xung đột và chiến tranh lên tới 25,4 triệu người, tăng gần 3 triệu người so với năm 2016. UNHCR cũng chỉ rõ khoảng 70% số người tị nạn là từ 10 quốc gia đang xảy ra chiến tranh và xung đột như Syria, Afghanistan, Nam Sudan... Tính đến cuối năm ngoái, cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Syria đã buộc hơn 6,3 triệu người dân quốc gia Trung Đông này phải lánh nạn ra nước ngoài, chiếm gần 1/3 tổng số người tị nạn toàn cầu.
Khủng hoảng nhập cư khiến chính trường Đức lao đao.
Số người tị nạn tăng kỷ lục cũng đang làm nóng các chính trường EU và Mỹ. Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump, được biết đến là người có chính sách nhập cư rất cứng rắn, đã áp dụng hàng loạt biện pháp, từ xây bức tường biên giới với Mexico, đến cấm người từ hàng loạt quốc gia Hồi giáo nhập cảnh. Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã áp dụng chính sách nhập cư không khoan nhượng, khiến hơn 2.000 trẻ em Mexico nhập cư bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới. Chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump cũng đã khiến nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc với nhiều cuộc biểu tình bùng phát. Trong khi đó, các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng người di cư và mâu thuẫn tại châu Âu hiện nay. Ước tính, kể từ năm 2015 đến nay, hơn một triệu người di cư đã vượt Địa Trung Hải để đến Italia và Hy Lạp.
Vụ con tàu Pháp đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải bị Italia và Malta từ chối tiếp nhận hôm 9/6 là một ví dụ mới nhất cho thấy điều đó. Trên con tàu này có 123 trẻ em không có người thân đi cùng và 7 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cả Malta và Italia đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, làm bùng phát mâu thuẫn giữa Italia và Pháp khi Tổng thống Pháp Macron cáo buộc Italia “vô trách nhiệm”. Đáp lại chỉ trích gay gắt này, Bộ Ngoại giao Italia đã triệu Đại sứ Pháp tại Italia tới để phản đối. Các nhà lãnh đạo EU đã phải gọi tình hình hiện nay là “khẩn cấp”. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Đức Ang-giê-la Méc-ken đã tái khẳng định sự cần thiết phải có một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho vấn đề người di cư. Dự kiến chính sách chung về tiếp nhận người di cư sẽ trở thành chủ đề “nóng” tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào ngày 28-29/6 tới.
Chính sách nhập cư cũng khiến nội bộ liên minh cầm quyền tại Đức, nền kinh tế đầu tàu EU, bất hòa và điều này đang đe dọa phá vỡ đại liên minh bao gồm liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Những phần tử có tư tưởng quá khích, cực đoan cũng trà trộn vào dòng người di cư này để gây bất ổn an ninh cho nước tiếp nhận. Điển hình là vụ người tị nạn tấn công tình dục phụ nữ trong đêm Giao thừa đón Năm mới 2016 tại Đức hay các vụ tấn công khủng bố có yếu tố người tị nạn gây nhiều thương vong tại châu Âu trong những năm qua. Tất cả những điều này có thể cho thấy nguy cơ về một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Bản thân EU cũng đang trong tình trạng “trống đánh xuôi, khèn thổi ngược” trong nội bộ về chính sách đối với người tị nạn. Ngay cả việc EU thành lập Quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ euro cho châu Phi để hỗ trợ “lục địa đen”, cũng chưa đủ để ngăn dòng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Chính phủ Italia từng nhiều lần tuyên bố nước này sẽ không còn là “trại tị nạn của châu Âu” và kêu gọi phân phối bắt buộc người tị nạn tới Italia cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, hình thức trên bị các quốc gia EU như: Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Séc từ chối. Các quốc gia này đang áp dụng nhiều biện pháp để tiếp tục chặn biên giới ngoài EU và ngăn chặn sự xâm nhập của người tị nạn hoặc người di cư. Điều này đi ngược lại với những nguyên tắc chung của EU trong việc giải quyết khủng hoảng di cư.
Câu hỏi đặt ra hiện nay, liệu những bất đồng sâu sắc vốn đã chia rẽ các thành viên EU trong vấn đề di cư có thể được hóa giải dứt điểm hay không? Câu trả lời có thể sẽ phải đợi tới ngày 28-29 tháng 6 này khi Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc.