Người di cư dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 hơn

17-12-2020 20:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18 tháng 12 là Ngày Quốc tế Người Di cư. Theo đó, Chủ đề Ngày Quốc tế Người di cư năm nay là “Reimagining Migration”, dịch là “Đình hình lại Bức tranh di cư toàn cầu”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

 

Ngày Quốc tế Người di cư được tổ chức vào ngày 18 tháng 12 hằng năm nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước sở tại và của quê hương họ.

Bảo vệ toàn diện và hiệu quả quyền cơ bản của người di cư

Hưởng ứng cùng toàn thể các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình (GOPFP), Bộ Y tế tổ chức Lễ Mít tinh Ngày Quốc tế Người Di cư với chủ đề “Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch COVID-19” để lắng nghe tiếng nói,  những câu chuyện ý nghĩa, những trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình của họ trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Sự kiện đồng thời là dịp để kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, các bên có liên quan và người di cư cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư.

Theo đánh giá, sự lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 hơn những người không di cư vì các yếu tố cá nhân, môi trường xã hội. Người di cư không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn hết, người di cư cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như người dân của các nước sở tại. Tuy nhiên, rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Tại lễ mít tình này, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, những bất lợi của chính những người trong cuộc khi dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ mít tinh

Chia sẻ tại lễ mít tinh, Bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng những đóng góp của người di cư đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 “chúng ta phụ thuộc vào người di cư nhiều hơn chúng ta tưởng. Chính người di cư là lực lượng lao động thiết yếu ở mỗi quốc gia. Ở quê hương tôi, những người di cư, trong đó có rất nhiều người đến từ Việt Nam, đã làm ra nhu yếu phẩm, xây những ngôi nhà chúng tôi ở, và sản xuất, vận chuyển thực phẩm để chúng tôi có được bữa cơm bên gia đình. Cũng những lao động ấy chăm sóc khi chúng tôi ốm, ngay cả khi nhiễm COVID-19, và chăm sóc những đứa trẻ, người già trong gia đình chúng ta”.

50% lao động Việt Nam ra nước ngoài là lao động phổ thông

Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 cho thấy số lượt người Việt Nam di cư quốc tế là khoảng hơn 10 triệu lượt người.

Chia sẻ thông tin tại Lễ mít tinh  ngày Quốc tế người di cư diễn ra sáng nay tại Hà Nội, bà Phan Hương Giang, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết, số lượng công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài lao động trong 10 năm qua là khoảng trên 10 triệu người, trong đó chủ yếu là công dân di cư sang nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Cũng theo bà Giang, trong 10 năm qua số lượng di cư theo hình thức du học cũng bắt đầu nổi lên với khoảng 130 nghìn học sinh du học, đáng nói là trong số này có đến 90%  là du học tự túc còn lại 10% là du học theo diện học bổng và hợp tác. Bên cạnh đó, bà Giang cũng lưu ý, một loại hình di cư được nhắc đến trong những năm gần đây là theo hình thức kết hôn và nhận con nuôi.

Các đại biểu chia sẻ thông tin về người di cư và ảnh hưởng của COVID-19 với người di cư

Hiện có khoảng 300 nghìn người kết hôn, trong đó phần lớn phụ nự kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế. Đất nước được kết hôn nhiều nhất  là Hàn Quốc và Đài Loan. Bên cạnh di cư hợp pháp thì cũg đã phát hiện di cư trái phép. Các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 400 vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp, hàng trăm vụ vượt biên trái phép…

Cũng tại buổi lễ, đại diện  Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội cũng cho hay, trong bối cảnh việc làm trong nước khó khăn, người lao động muốn tìm kiếm việc ở nước ngoài nên nhu cầu ra nước ngoài kiếm việc làm cũng tăng cao. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100 nghìn lao động ra nước ngoài.

Tuy nhiên, hình thức ra nước ngoài làm việc vẫn chiếm 80% thông qua các công ty dịch vụ được cấp phép. Cũng theo vị đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, có đến 50% lao động ra nước ngoài là lao động phổ thông. Chất lượng nguồn lao động ra nước ngoài ở nước ta còn rất thấp.

Chỉ khoảng 20% lao động có thể di cư tự do mà không cần qua các công ty dịch vụ vì họ đạt được các kỹ năng lao động ở nước ngoài.  Mặt khác, lao động  di cư ở VN vẫn chủ yếu là ở Châu Á các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Nhưng cũng có tín hiệu vui là tỷ lệ lao động Việt Nam đến thị trường khó tính như Nhật Bản đã tăng qua các năm. Trong thời gian tới, lao động Việt Nam sẽ vươn tới các nước Châu Âu như Đức, Rumani, Ba Lan…


H.Nguyên
Ý kiến của bạn