Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

02-03-2017 19:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vậy mà mới đó đã kỷ niệm 70 năm “Tây Tiến” (2-1947/2-2017). Tôi về Lạc Sơn (Hòa Bình), nghiêng mình bên tượng đài ký ức cùng những gương mặt chiến sĩ Thủ đô ngày ấy.

Vậy mà mới đó đã kỷ niệm 70 năm “Tây Tiến” (2-1947/2-2017). Tôi về Lạc Sơn (Hòa Bình), nghiêng mình bên tượng đài ký ức cùng những gương mặt chiến sĩ Thủ đô ngày ấy. Những người đã nằm xuống nơi đây vì Tổ quốc. Con đường hành quân của binh đoàn giờ đã được đặt tên để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ mặt trận phía Tây chặn đứng quân thù, làm hậu thuẫn cho chiến dịch Ðiện Biên đi tới chiến thắng chấn động địa cầu. Tôi đi trong miên man nỗi nhớ khôn nguôi…

Binh đoàn Tây Tiến

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại nước ta, từ Bắc Lào tràn sang đánh chiếm tỉnh Lai Châu, đóng quân tại Điện Biên Phủ. Vừa ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, chúng trở mặt tiến công Sơn La, rồi cho quân nhảy dù xuống Mộc Châu... Trung đoàn Tây Tiến được thành lập ngày 27/2/1947, tại Mai Châu, Hòa Bình, với nhiệm vụ chiến đấu chặn đứng bước tiến của chúng, bảo vệ miền Tây chiến lược. Ngay mới khi thành lập, Trung đoàn Tây Tiến đã tiến công trực diện với giặc Pháp, tiêu diệt chúng ở Chiềng Cồng, rồi vượt qua Mường Lát tiến sang Sầm Nứa. Có đơn vị được phân công ở lại đánh thẳng lên Đà Bắc, rồi bao vây chúng ở Phương Lâm, Cao Phong, Kỳ Sơn... phá tan âm mưu đè bẹp cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta. Lực lượng Trung đoàn Tây Tiến có sự đóng góp tích cực của hàng trăm chiến sĩ thuộc những tiểu đoàn Thủ đô đã từng tham gia chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội, thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch (19/12/1946). Đặc biệt, trong số đó không ít chiến sĩ thuộc tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ Thủ đô đã thể hiện bản lĩnh anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, dân tộc. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nơi rừng thiêng nước độc, các chiến sĩ Thủ đô đã thực hiện đúng khẩu hiệu đã khắc ghi trong trái tim “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Họa sĩ Quang Thọ (trái) và nhạc sĩ Như Trang.

Họa sĩ Quang Thọ (trái) và nhạc sĩ Như Trang.

Nhưng các chiến sĩ Tây Tiến đã gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc chiến, họ phải đối diện với gian khổ, bệnh tật cùng nước độc, sốt rét và ghẻ lở. Không ít chiến sĩ phải cạo tóc, đầu trọc lốc xông pha trong trận mạc làm khiếp vía giặc Pháp. Nhiều chiến sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu khốc liệt để lại nỗi xúc động sâu sắc cho đồng đội và người dân địa phương. Gương chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến là bản tráng ca hào hùng của quân đội ta. Đứng bên thềm ký ức, tôi nghe những cái tên như lên tiếng gọi về, cùng những tiếng cười trẻ trung làm sống dậy một thời oai hùng trong trận đánh. Những nén trầm hương của những người chiến sĩ binh đoàn giờ đây đã bạc trắng mái đầu như tấm lòng thương nhớ gửi trao. Tôi cùng họ trở lại chiến trường xưa để cùng hát lại những tráng ca một thuở hành quân lên Tây Bắc. Lại nhớ, trong số lớp văn nghệ sĩ ở tuổi hai mươi ngày đó, sự có mặt của họa sĩ Quang Thọ, nhạc sĩ Doãn Quang Khải, nhà thơ Quang Dũng và nhạc sĩ Như Trang... trở thành hiện tượng đặc biệt. Họ vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút vẽ, sáng tác âm nhạc và làm thơ. Họ là nhân chứng sống và cũng là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật. Người trong cuộc bao giờ cũng thấu hiểu sâu sắc và có được sự bảy tỏ chân thực nhất.

“Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Tác phẩm được viết ngay trên chiến hào là bài hát Tiếng cồng quân y của đại đội trưởng Nguyễn Như Trang. Anh bị thương vào chân trong trận công đồn Mường Bi. Nguyễn Như Trang là một thanh niên tài hoa, đàn hay vẽ giỏi. Như Trang trước đó đã chỉ huy đại đội cảnh vệ Khu II Hà Nội và được kết nạp Đảng ngay tại chiến hào Thủ đô, năm 1946. Bị thương, anh nằm điều trị cùng với nhiều chiến sĩ bị sốt rét ác tính tại trạm quân y đóng ở xóm Châu Trang, xã Thượng Cốc, Lạc Sơn. Hình ảnh những chiến sĩ hy sinh phải bó chiếu đi chôn đã làm xúc động tâm hồn người nghệ sĩ, chiến sĩ Như Trang. Mỗi lần có người phải ra đi, người dân ở địa phương đã đánh cồng báo tin và chia buồn theo tục lệ người Mường. Cảm xúc lắng đọng trong giây phút chia ly, Như Trang đã sáng tác bài hát Tiếng cồng quân y với lời ca làm rung động lòng người: “Cồng rung tiếng lá run run. Tiếng cồng vang núi đá âm u, rền xa. Cồng đưa một đồng chí qua đời tới nơi ngàn thu. Chàng chưa muốn chết, lúc nước non chưa yên. Tiếng thở dài của những chiến sĩ luyến tiếc hiên ngang...”. Cuối cùng, chính chiến sĩ, nhạc sĩ Như Trang cũng bị hy sinh trong một trận đánh ở ngay tại Hòa Bình vào tháng 11/1948, mới ở độ tuổi 20.

Cùng với bài hát của Nguyễn Như Trang là hàng trăm ký họa của họa sĩ Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1929), người ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Từ những ký họa trực diện của cuộc chiến dữ dội trên con đường Tây Tiến, sau này họa sĩ Quang Thọ đã có tác phẩm Nuôi giấu thương binh với nỗi suy tư sâu sắc. Bởi cũng vào thời điểm chiến đấu và bị sốt rét như mọi người, họa sĩ Quang Thọ đã chứng kiến thời kỳ khó khăn gian khổ nhất của đoàn quân Tây Tiến. Thiếu mọi thứ, lương thực, thuốc thang, súng đạn. Bên cạnh đó là sốt rét, hắc lào ghẻ lở… Có chiến sĩ đói quá lả người ngất đi, nhưng đã được một người Mường mới sinh con vắt sữa cho uống, nên mới tỉnh lại. Sự việc cảm động đó đã được họa sĩ Quang Thọ chứng kiến, sau này thể hiện lại thành tác phẩm gây tiếng vang lớn trong giới hội họa. Còn nhiều ký họa khác ở chiến trường Tây Tiến đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho Quang Thọ. Sau khi được đào tạo trở thành một họa sĩ nổi tiếng, Quang Thọ đã có hàng trăm tác phẩm ngợi ca chiến thắng của quân đội ta trên mọi mặt trận. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và mất năm 2002, thọ 73 tuổi.

Riêng nhạc sĩ Doãn Quang Khải lại là một trường hợp khá độc đáo. Ông sinh năm 1928, cũng là người ở Quốc Oai, Sơn Tây cũ. Chính chiến trường Tây Tiến đã tạo cơ duyên cho Quang Khải đến với âm nhạc. Chủ yếu là do tự học sau những trận đánh và trong đêm tối. Ông thường mang cuốn sách giao khoa âm nhạc theo mình để tranh thủ nghiền ngẫm. Đây là cuốn sách được một người bạn chép bằng tay đưa cho. Cứ thế ông trau dồi kiến thức cho mình. Sinh thời nhạc sĩ tâm sự, bài hát Vì nhân dân quên mình được viết năm 1951, sau một năm rời Trung đoàn Tây Tiến, nhưng cảm xúc được dồn tụ từ những ngày đêm sống và chiến đấu ở cánh rừng Mai Châu và tại chân dãy núi Trường Sơn.

Bản nhạc đã thể hiện sự hào sảng về hình ảnh người chiến sĩ sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu. Lời ca chân thành và thiêng liêng với ý tưởng cao cả: “Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh… Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra… Vì đất nước thân yêu mà hy sinh…”. Ngay lập tức, bài hát được trao giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Sáng tác trong quân đội và đã trở thành Quân ca của lực lượng vũ trang từ đó. Hàng ngày, nó còn được vang lên trên nhạc hiệu Đài Phát thanh và Truyền hình quân đội cho đến nay. Nhạc sĩ Quang Khải mất năm 2007. Bài hát gắn bó với tên tuổi ông suốt 66 năm qua. Ắt hẳn nó sẽ sống mãi với thời gian. Bài ca hiện đúng với chí khí ngoan cường của những chiến sĩ Binh đoàn Tây Tiến, sống trong muôn vàn gian khó nhưng cuộc hành quân của họ luôn luôn vững mạnh, ào ạt tiến về phía trước cho đến ngày chiến thắng.Tác phẩm Nuôi giấu thương binh của Quang Thọ.

Tác phẩm Nuôi giấu thương binh của Quang Thọ.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”

Cùng với bài hát Vì nhân dân quên mình của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (1921-1988) cũng trở thành bản tráng ca được khắc ghi vào lịch sử của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Bài thơ gây sự xúc động mạnh mẽ cho người đọc với những hình ảnh bi hùng của binh đoàn Tây Tiến. Hàng triệu người vẫn còn nhớ đến những câu thơ đặc sắc, thể hiện khí phách hiên ngang của người chiến sĩ: “Tây Tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy. Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Sinh thời nhà thơ Quang Dũng thường nhớ lại lần được gặp Bác Hồ ở học đường bổ túc quân sự trên Sơn Tây trước khi lên đường Tây Tiến. Bác đã trò chuyện với học sinh gây dấu ấn mạnh mẽ trước ngày lâm trận. Khi đó nhà thơ Quang Dũng là phóng viên của tờ báo Chiến đấu.

Sau tốt nghiệp lớp học quân sự, nhà thơ Quang Dũng làm đại đội trưởng, biên chế vào Trung đoàn Tây Tiến. Những đêm hành quân lên biên giới đầy gian nan đã được ghi lại trong những câu thơ: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời. Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Hay còn đó những hình ảnh: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét. Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói. Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Những câu thơ mang âm hưởng mênh mang của núi rừng đồng thời cũng thể hiện khí phách ngang tàng của người anh hùng nơi chiến địa: “Tây Tiến binh đoàn không mọc tóc. Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Những trang miêu tả người anh hùng Tarax Bunba của văn hào Nga Gô-Gôn mà ông mang theo bên mình đã khích lệ cảm hứng trong tâm hồn khi vào trận. Mạch thơ Quang Dũng mỗi lúc một hào sảng với cái chết: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Bi tráng và mạnh mẽ làm sao. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng cùng với những tác phẩm nghệ thuật khác đã tạo nên hào khí lãng mạn anh hùng của một thời văn nghệ sĩ đã gắn bó với Tây Tiến. Đó là những dấu ấn đáng ghi nhận trong lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Có thể nói, tác phẩm Tây Tiến là một tượng đài trong nền thi ca cách mạng nước ta. Những câu thơ đã được khắc lên đá, sống mãi với thời gian và được ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc cũng như hàng triệu chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.


Bài và ảnh: Duy Anh
Ý kiến của bạn