Thời gian gần đây, tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định, đi dưới lòng đường diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại những tuyến đường có nút giao, ngã tư... qua đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, tại một số tuyến đường có lượng người tham gia giao thông lớn ở Hà Nội như đường Phạm Hùng, đường Xuân Thuỷ, đường Cầu Giấy... rất nhiều người "vô tư" đi bộ sang đường sai quy định.
Điển hình, sáng ngày 15/11, tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đây là điểm giao thông phức tạp, lưu lượng xe cộ lớn, gần khu vực bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên nhiều người dân vẫn đi bộ sang đường không đúng nơi quy định gây cản trở giao thông.
Tại đoạn đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), rất nhiều người, chủ yếu là sinh viên đi bộ băng ngang qua đường, mặc dù gần đó là cầu vượt dành cho người đi bộ.
Theo luật sư Mai Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, do nhiều người nghĩ việc sang đường không đúng quy định sẽ không bị xử phạt, và từ trước tới nay việc xử phạt người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định không nhiều nên người tham gia giao thông chưa ý thức việc chấp hành theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ hay sang đường không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 100.000 đồng bao gồm không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9. Đồng thời không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông hay mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông cũng bị xử phạt.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu không phải người phục vụ việc quản lý, bảo trì cao tốc mà người đi bộ đi vào đường cao tốc thì sẽ có mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 200.000 đồng.
"Việc xử phạt người đi bộ đã có trong luật quy định từ lâu, việc người dân tự ý sang đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó người dân nên chấp hành tốt luật giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và người tham gia giao thông", luật sư Mai Anh Tuấn cho biết.