Hà Nội

Người đẹp khiếm thị Vô địch Thế giới đường chạy 1.500m

06-01-2018 08:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Joanna Mazur, thiếu nữ Ba Lan 27 tuổi ở Szczucin, thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Malopolskie, không may bị mù lòa từ nhỏ.

Tuy nhiên, Joanna không đầu hàng số phận. Ngoài công việc chuyên viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng, thể thao là sở thích lớn của người đẹp khiếm thị. Sau Olympic Rio 2106 trình làng trở về tay trắng, Joanna Mazur đã đoạt Huy chương Vàng (HCV) cự ly 1.500m, tại giải Vô địch Điền kinh Thế giới, Người khuyết tật, London (7/2017).

Đứng trên đường chạy, tôi có cảm giác bản thân y hệt tất cả VĐV hoàn toàn khỏe mạnh khác. Tôi cũng có những ước mơ của mình và khao khát thực hiện chúng - thiếu nữ khiếm thị bộc bạch. Bất chấp những khiếm khuyết của bản thân, Joanna luôn nỗ lực phấn đấu tối đa có thể, để làm một công dân có ích. Sau trường phổ thông trung học, chị đã tốt nghiệp đại học, chuyên ngành vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Hiện Joanna là chuyên viên kỹ thuật tại Trung tâm Phục hồi chức năng có uy tín ở thành phố Krakow.

Vài năm gần đây chị quyết định hâm lại cuộc sống với sở thích ấp ủ từ thời trung học cơ sở, tức thể thao. Joanna đam mê bộ môn điền kinh (chạy). Để tránh va vấp, bất kể mùa đông tuyết rơi ngập đường, mùa hè trời bất chợt đổ mưa - đều đặn hàng ngày, đã hơn 3 năm, cứ 4 giờ sáng chị lần ra sân bóng không một bóng người để tập chạy. Chị chạy một mạch đến quãng 5-6 giờ. Đến nay Joanna chọn đường chạy có cự ly đa số người hoàn toàn khỏe mạnh không có cơ may bám đuổi.

Joanna (bên phải) cùng “người dẫn đường” Michal trên đường chạy giành Huy chương Vàng cự ly 1.500 m giải Vô địch Điền kinh Thế giới, Người khiếm thị, London tháng 7/2017.

Joanna (bên phải) cùng “người dẫn đường” Michal trên đường chạy giành Huy chương Vàng cự ly 1.500 m giải Vô địch Điền kinh Thế giới, Người khiếm thị, London tháng 7/2017.

Tuổi thơ tăm tối

Tuổi ấu thơ Joanna đã trải qua những năm tháng hết sức nặng nề, tưởng chừng không thể vượt qua. Những sự cố với thị lực bắt đầu xuất hiện, năm bé Joanna 7 tuổi. “Khi ấy tôi đang học lớp 1 tiểu học. Và thay vì ghi chép bài trên lớp theo bảng chữ cái Latinh, tôi mô tả vụng về bằng hình vẽ. Tôi gặp khó khăn với việc đọc sách, bởi tôi không nhìn rõ mặt chữ, hoặc đơn giản, nhận nhầm chữ này với chữ khác” - Joanna nhớ lại.

Bố mẹ lo lắng mang con gái đến bệnh viện mắt. Các bác sĩ tiến hành hàng loạt xét nghiệm. Cuối cùng họ khẳng định, bé Joanna bị khuyết tật thị lực hiếm gặp, thậm chí vẫn chưa có tên trong y văn thế giới. Bác sĩ trực tiếp thăm khám không che giấu nỗi buồn tiết lộ với bố mẹ Joanna sự thật: “Cháu sẽ bị mất thị lực từ từ, cho đến lúc mù hẳn”.

“Khi ấy tôi còn bé và hoàn toàn không hiểu, chuyện gì xảy ra với mình” - nhà vô địch đường chạy 1.500m nói thêm.

Khi Joanna bắt đầu bước vào trung học cơ sở, thị lực ngày càng suy giảm. “Khi ấy tôi rất thích học, nhưng mỗi khi mở trang sách, tôi chỉ nhìn thấy một mảng màu xám xịt. Tôi cũng không thể nhìn thấy những gì thầy, cô giáo viết trên bảng”.

“Từng ấy nỗi khổ dường như vẫn còn quá ít, các bạn học cùng lớp còn thích thú trêu chọc, miệt thị tôi vì lý do khuyết tật thị lực của mình” - Joanna đượm buồn nhắc lại ký ức.

Năm thứ hai trung học cơ sở, cạn kiệt nghị lực, bé gái tật nguyền tự nói với mình: “Mọi việc đã quá đủ!”. Tan trường, Joanna trở về nhà đẫm nước mắt và thưa với bố mẹ, sẽ không bao giờ quay lại lớp học. Số phận tình cờ xếp đặt, buổi tối cùng ngày hôm đó, sau chương trình thời sự, kênh truyền hình quốc gia phát phóng sự nói về trường học đặc biệt dành cho những học sinh cận mù lòa và mù lòa mới mở ở thành phố Krakow.

Trang mới cuộc đời

Ngay tờ mờ sáng hôm sau mẹ dẫn con gái lên xe lửa, tìm đến trường và giải quyết mọi thủ tục, để Joanna được nhập học. “Vào thời điểm đó, tôi tự tin cho rằng, thị lực của mình vẫn chưa thật sự bi đát. Tôi được thầy cô trường mới phát cho bộ sách giáo khoa đặc biệt, co chữ to tới mức tôi có thể đọc được. Điều quan trọng nhất, cuối cùng tôi có cảm giác, như một học sinh bình thường” - Joanna kể tiếp.

Chính trong ngôi trường mới, Joanna “kém thị lực”, cận mù lòa có cơ hội kết thân với những bạn học khiếm thị lớn tuổi hơn hoạt động thể thao. Bé gái giàu nghị lực quyết tâm phấn đấu theo tấm gương của họ. “Tôi dành cả tháng chăm chỉ rèn kỹ năng định hướng không gian. Nhiều ngày bạn ký túc xá phải mang hộ tôi suất ăn về phòng vì tôi mải tập chạy quên bữa. Kết thúc môn học “nhập môn” quan trọng này của tôi là hàng chục vết bầm tím, sưng tấy trên người, bởi tôi không nhìn thấy rào chắn, hoặc bậc tam cấp ở sân tập. Bất chấp tất cả, tôi cắn răng, gắng chịu đau cho đến ngày tôi có thể bắt đầu chạy gần như người sáng mắt” - Joanna cười tươi, nhớ lại.

Chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của học trò, thầy dạy môn thể dục của trường sắm vai huấn luyện viên (HLV) mang nữ sinh cận mù lòa tham dự các giải điền kinh học sinh trung học toàn quốc, nơi Joanna lần lượt giành chiến thắng trên đường chạy, ở những cự ly 100, 200 và 400 mét.

Mù hẳn và ngôi Vô địch Thế giới

Từ năm 2013, chuyên viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng Joanna đã mù hoàn toàn. Chị không nhìn thấy gì. Trên đường đua chị thường chạy nhầm vị trí, thậm chí vấp ngã vào VĐV khác. Cuối cùng hội đồng bác sĩ quyết định xếp Joanna vào nhóm VĐV T11, tức VĐV khiếm thị chạy có người dẫn đường.

Và Joanna gặp khó khăn tiếp theo: không thể tìm đối tác dẫn đường thích hợp. Tại trung tâm chị làm việc có vài ứng viên nhiệt tình, song tất cả không đáp ứng yêu cầu, đơn giản vì lý do: họ chạy yếu và chậm hơn Joanna.

Mãi đến tháng 11/2015, Joanna mới may mắn chọn được bạn chạy - người dẫn đường ưng ý. Anh là Michal Stawicki 33 tuổi, cựu VĐV điền kinh và 3 môn phối hợp, thành viên tích cực một tổ chức từ thiện. Hai người chạy cùng nối với nhau bằng đoạn dây dài khoảng 1 mét, buộc vào tay. Mặc dù nhiệm vụ của “người dẫn đường” là thực hiện chức năng “đôi mắt” của VĐV khiếm thị (vẫn bị bịt kín mắt bằng dải băng đen), song theo luật, Michal bắt buộc phải chạy sau Joanna tối thiểu 1-2 bước chân.

Dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của thầy Lech Salamonowicz, HLV đã có thâm niên ngót chục năm huấn luyện các VĐV điền kinh người khuyết tật, đến nay, sau 18 tháng luyện tập, cặp đôi Joanna - Michal đã kịp gom một vài thành tích đáng tự hào. Tại giải Vô địch Điền kinh châu Âu, Người khuyết tật 2016, cặp đôi cùng nhau đoạt Huy chương Vàng cự ly 200m và Huy chương Bạc cự ly 100m. Từ giải Paralympic đầu tiên trong sự nghiệp. Rio 2016 họ trở về với vị trí thứ 7, cự ly 400m. Giải Vô địch Điền kinh Thế giới, Người khuyết tật London 2017 là dịp so tài lần thứ 3 của cặp đôi.

Huy chương Vàng giải Vô địch Thế giới cự ly 1.500m dành cho người khiếm thị đến nay là thành tích lớn nhất của cặp đôi. Thêm một lần “đôi mắt” của Joanna, Michal chứng tỏ, anh có trí tuệ chiến thuật hoàn hảo. Cặp đôi Ba Lan thực hiện đường chạy của mình hết sức hiệu quả. Họ không e ngại ưu thế dẫn đầu thậm chí đến vài chục mét của 2 cặp đôi Trung Quốc và Columbia. Suốt thời gian so tài, Michal và Joanna tay trong tay duy trì dòng máu lạnh và từng bước sau bước trước, từng mét sau mét trước, xóa dần toàn bộ khoảng cách. Trước khi bước vào vòng chạy cuối, cặp đôi Ba Lan còn xếp ở vị trí thứ 4. Nhưng ngay khi nhập cuộc họ đã lần lượt vượt qua cặp đôi Cộng hòa  Nam Phi và Trung Quốc, và 10 mét trước đích - vượt cặp đôi Columbia. Cán đích đầu tiên với thời 4:50,95 phút, Joanna đã cải thiện thành tích của chị hơn 10 giây so với kỷ lục cũ.

Với tấm Huy chương Vàng lần này kèm ngôi Vô địch Thế giới cự ly 1.500m dành cho nhóm đối tượng của mình, Joanna Mazur vui mừng sau khi hiện thực hóa giấc mơ lớn của mình. Chị chân thành chia sẻ: Khi đặt chân vào sân vận động, không nhìn thấy đám đông người hâm mộ, nhưng tôi nghe rõ âm thanh của họ. Lập tức tôi tự hình dung, mọi người đang nhiệt tình cổ vũ cho tôi và thịnh tình của người hâm mộ đã tiếp sức, giúp tôi cán đích với thành tích mỹ mãn.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn