Hoàng Dương
" 47 tuổi rồi, phải hiến thận ngay kẻo không kịp" .
Ấy là mong muốn của người đàn ông vật lộn cả một thời trai trẻ cho thứ đơn giản nhất là miếng cơm manh áo, cho cuộc chạy đua vượt qua số phận nghèo khó. Thấm đẫm cái nghèo nên biết thương cảm với người khó và phải chăng vì thế mà trong anh luôn hiện lên một thứ "ánh sáng" đậm chất con người - khát vọng được sống, sống một cách hạnh phúc và san sẻ một phần hạnh phúc đó cho những người bất hạnh khác.
Anh là Dương Văn Quyết |
Anh là Dương Văn Quyết - người muốn tình nguyện hiến một quả thận - thứ quý giá có thể hiến được trong cái "kho báu" duy nhất của anh là sức khỏe - dành cho người đang cơn bạo bệnh để cuộc sống có thêm một người, một gia đình hạnh phúc.
Nhận được thư của bạn đọc nhờ “Quỹ Vòng tay nhân ái” của báo SKĐS mách giùm làm thế nào để có thể hiến thận cứu sống một ai đó, nhóm PV Ban bạn đọc ngay hôm sau lên đường, theo địa chỉ tìm tới gia đình anh Dương Văn Quyết ở thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Người đàn ông 47 tuổi, cao, gầy, khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt sáng linh hoạt nói ngay: Mất điện, hỏng xe đã khổ, ốm đau khổ hơn nhiều, nhất là cần nội tạng con người thay thế và hình như chỉ người thân mới hiến thận cho nhau. Tôi thấy mình còn khoẻ... Anh Quyết "hút" ngay chúng tôi từ phút đầu bằng sự nhiệt tình và chân thành và cả sự... tò mò. Đúng là y học rất cần nội tạng nhưng nội tạng đâu phải là linh kiện xe máy và một người bình thường "đang yên đang lành" sao lại nghĩ đến chuyện hiến thận. Và cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra như giữa những người thân thiết từ lâu...
Là con thứ trong một gia đình nhà nông nghèo có đến 8 người con, ngay từ năm mới 12 tuổi, anh Quyết đã phải bỏ học để đi chợ kiếm tiền để dành cơ hội cho các anh chị khác. Thời bao cấp, anh theo mấy người dân quê lặn lội lên tận Hà Nội buôn bán mắm muối kiếm tiền phụ cha mẹ. Với vốn liếng một vài đồng, công việc thời đó là mua tem phiếu, rồi xếp hàng cả buổi liền chỉ để chờ mua vài lít nước mắm, dăm cân gạo, muối về tận Bắc Giang bán lại, lãi được vài hào mỗi chuyến. Chi phí cho những chuyến đi như vậy là một... nồi sắn luộc. Bữa anh ăn sắn thay cơm, phần còn lại dùng để đổi cho người Hà Nội lấy bánh mỳ. Bữa anh lại ăn bánh mỳ, còn thừa đem ra chợ Bắc Qua - nơi tập trung đông dân “cửu vạn” - bán lại giá rẻ hơn chút ít. Tất cả lại đem mua mắm muối đem về quê bán.
Bờ hồ Hoàn Kiếm, Bách hoá tổng hợp, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, Bắc Qua... là những nơi anh đã mài mòn chân. Sáng ở Bắc Giang, tối đã lang thang Hà Nội. Có hôm hết xe, mình anh xoay xở với 30kg muối gánh bộ từ thủ đô về quê. Tất cả vốn liếng nằm ở đó nên dù đường xa, gánh nặng thì cứ phải lầm lũi mà đi, mỏi vai bên phải thì chuyển bên trái, đi đến đứt cả dép cao su, phồng rộp chân, bợt vai và ê ẩm cả người, từ tối đến tờ mờ sáng hôm sau cho tới khi về đến bến phà quê nhà. Anh bảo mình chẳng giỏi giang gì, chẳng qua chỉ là vì tiết kiệm được chút tiền và có được ít lãi mà bao miệng ăn trong gia đình đang mòn mỏi chờ đợi.
Bức thư Anh Dương Văn Quyết gửi tòa soạn Báo Sức khỏe&Đời sống |
Cũng may ông trời phú cho anh một sức khoẻ dẻo dai, vất vả cực nhọc vậy nhưng anh chẳng bao giờ ốm đau bệnh tật, chưa bao giờ phải sờ tới viên thuốc. Tuy vậy cái việc lấy công làm lãi đầy mồ hôi nước mắt ấy chỉ giúp anh và gia đình qua được những ngày khó khăn một cách chật vật.
Ngày trẻ mới chỉ ngấm cái gian khổ về vật chất, chứ lớn lên anh Quyết còn phải chịu thêm những nỗi đau về tinh thần như thể trò đùa số phận chỉ rình rập để đánh gục con người này. Năm 21 tuổi anh lấy vợ, cô gái thôn bên được cha mẹ anh dạm hỏi, hai người đến với nhau đơn giản và nhanh chóng chỉ bằng vài mâm cơm, chén rượu nhạt. Có với nhau một đứa con gái rồi anh lên đường đi bộ đội đóng mãi tận Hạ Lan - Cao Bằng. Ngày anh trở về không phải ngày đoàn tụ ấm cúng mà là kỷ niệm đáng quên nhất trong đời. Cô vợ bỗng phát bệnh thần kinh bế đứa con đi... cho đâu mất rồi bỏ nhà đi biệt tăm luôn, họ hàng cũng chẳng tìm được nữa. Mất vợ, mất con, anh có lúc tưởng cũng sắp "hóa điên" nốt. Những ngày lang thang khắp vùng kiếm kế sinh nhai, anh tình cờ gặp lại cô gái cùng quê quen trong những lần đi chợ ở Hà Nội trước kia. Hoàn cảnh chị cũng oái oăm chẳng kém: bị viêm ruột thừa cấp, mổ nhiễm trùng, gia đình nghèo khó đành khiêng chị để ở bãi tha ma chờ... chết. Một người qua đường bắt gặp đã đưa chị tới bệnh viện huyện mổ lại và chị được cứu sống từ đó. Anh Quyết gặp lại người xưa, hai con người, hai tâm hồn rách rưới, đau khổ gặp nhau và nguyện đem những chỗ "lành lặn" còn lại để bù đắp cho nhau những gì mất mát kia. Dù trước đó bác sĩ đã cảnh báo nhiều khả năng chị không thể có con vì sức khoẻ quá kém, nhưng anh Quyết tự nhủ: "Thì mình vẫn đang không có con, thậm chí đã có rồi còn chẳng giữ được. Vậy còn gì để ngại nữa?". Thế là hai người về ở với nhau, cỗ cưới là một mâm cơm với một cái... thủ lợn. Ấy vậy mà cái lễ cưới chắp vá mới lại cho anh chị được nhiều niềm vui, hai đứa con một trai một gái lần lượt ra đời dưới mái nhà lợp lá dứa. Khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn trong cái gia đình chưa có ai biết mặt mũi của manh quần áo mới bao giờ này. Vợ ở nhà cày mấy sào ruộng, chồng đi làm phụ hồ ở Hà Nội. Niềm an ủi duy nhất là hai đứa con dần khôn lớn, anh chị cố hết sức để các con được học hành. Nhưng vì chúng thương bố mẹ quá, thương đến nỗi khi thi vào cấp 3, người anh phải huỷ thi vì mổ ruột thừa, cô em gái thi đỗ cũng nói dối thi trượt để đỡ tốn kém tiền và có lý do ở nhà đi làm giúp gia đình. Sự thật này, mới đây anh chị được biết, nhưng nó vẫn như một vết thương lòng nữa cho đôi vợ chồng vốn đã phải tơi tả vì cuộc sống này. Giờ con trai anh đã là lính trinh sát trung đoàn đóng ở Lạng Giang - Lạng Sơn, con gái đi làm thợ may, chúng đã trưởng thành cả mà anh vẫn cảm thấy day dứt trăn trở có lẽ mình đã chưa làm tròn được chức phận của đấng sinh thành, vẫn để cho con bị thiệt thòi nhiều quá.
Nghèo và cơ cực, lại quá thấm nỗi khổ của bệnh tật khi người vợ đầu bị bệnh ôm con bỏ đi, người vợ sau cũng mắc bệnh thập tử nhất sinh, may có bác sĩ cứu thoát khỏi tử thần trong gang tấc nên anh có sự đồng cảm đặc biệt với người nghèo bị bệnh chăng. Đặc biệt là với những người đang bị bệnh về thận và phải chạy thận nhân tạo. Đó quả là một căn bệnh khiến người ta sống dở chết dở và phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Sau khi trình bày nguyện vọng của mình, anh đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW tiếp đãi ân cần. Các bác sĩ cho biết, nếu đủ điều kiện cấy ghép, hiến tặng Bệnh viện Nhi hoan nghênh và hoàn toàn đủ khả năng tiến hành phẫu thuật, và sức khoẻ người hiến thận không bị ảnh hưởng.
Những lời động viên và tư vấn của các bác sĩ đã càng làm anh có thêm tin tưởng vào việc làm tốt đẹp; đầy tính nhân văn của mình. Nghĩ là làm, anh bàn riêng với vợ, với các con. Tất nhiên lúc đầu bị gàn quyết liệt vì chả ai đang yên đang lành, đang khoẻ mạnh lại muốn... nằm trên bàn mổ huống lại cắt đi một quả thận dành cho người chẳng máu mủ ruột già! Như nước thấm dần, anh cứ rỉ rả với vợ với con với tâm niệm mộc mạc rằng: Muốn hiến một phần thân thể để giúp ai đó đang gặp bất hạnh. Rằng, trước kia mẹ nó cũng đã thoát lưỡi hái tử thần nhờ một người qua đường dang tay giúp đỡ. Rằng, cả nhà cũng phải biết tin vào giáo lý nhà Phật, làm việc thiện rồi sẽ có người trợ giúp cho mình và những người yêu thương khi gặp khốn khó. Thế là cả nhà... vui vẻ cả!
Chia tay anh Quyết, tôi lại thấy đôi mắt anh ánh lên niềm vui. Niềm vui của một con người lạc quan, có niềm tin mạnh mẽ và tấm lòng nhân ái. Cuộc sống chẳng thể thiếu những tấm lòng như vậy và phải chăng đấy mới thực là hạnh phúc, là ý nghĩa thực của cuộc sống này...