Từ kỳ tích đầu tiên trong cứu sống những bé sinh non là bé nặng 453 gram được lập vào năm 2010, đến nay Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã nuôi sống thành công hàng trăm trẻ sinh cực non với cân nặng chỉ từ 400 – 600 gr.
Người "thuyền trưởng" trong cuộc đua đưa các em bé sinh non bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay cha mẹ đó chính là tiến sĩ – bác sĩ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh.
Để có một cuộc hẹn với bác sĩ Lê Minh Trác thực sự là không dễ dàng, bởi lúc nào ông cũng tất bật với công việc của một "ông bố có con mọn". Hàng ngày Trung tâm nơi ông điều hành phải chăm sóc, theo dõi hàng trăm bé sơ sinh, trong đó có những trẻ sinh non chỉ nặng vài trăm gram, cả cơ thể chỉ bằng chai nước loại nhỏ với bao nhiêu dây rợ, máy móc xung quanh và mỗi bữa ăn được tính theo… giọt sữa.
Kể về cơ duyên gắn bó với các em bé sinh non, bác sĩ Trác cho biết năm 2003, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú ngành nhi khoa và đang ở vai trò giảng viên bộ môn Nhi tại Đại học Y Hà Nội, ông về làm việc tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh.
Thuở ấy Trung tâm còn mới và mới có rất ít thiết bị y tế, nhưng niềm đam mê nghề nghiệp khi cứu sống được các bé sinh non dù vô cùng khó khăn, vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui đã thôi thúc bác sĩ Trác để ông quyết định chuyển về công tác ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nhờ những thiết bị sơ khai ban đầu của Trung tâm, những năm ấy đã có những bé sơ sinh sinh non từ trên dưới 1 kg được cứu sống, đó là điều rất khó so với trước. Dần dà với kinh nghiệm nghề nghiệp, bác sĩ Trác và đồng nghiệp đã cứu được những em bé dưới 500 gr, có gia đình sinh đôi 2 bé cùng cực non tháng và nhẹ cân, có gia đình hiếm muộn nhưng bé sinh non tháng và nặng chưa đầy 500 gr được trở về với vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Nhưng nuôi dưỡng thành công 1 bé sinh non nhẹ cân là công việc không dễ dàng nếu không nói là khó khăn bận rộn khủng khiếp. Những ngày đầu ít thiết bị, các y bác sĩ phải thay nhau bóng bóng trợ thở cho các bé, không phút nào ngơi nghỉ.
Thử tưởng tượng em bé chỉ bé như chiếc chai đựng nước, đùi bé chỉ bằng ngón tay út thì việc ăn uống cho bé hết sức kỳ công. Với những bé cực nhẹ cân, những ngày đầu các bác sĩ sử dụng bơm tiêm điện bơm sữa, cứ 1ml sữa phải truyền theo hình thức nhỏ giọt trong ba giờ, mỗi ngày mỗi bé ăn 8ml.
Lượng sữa tăng lên dần, nếu chăm sóc tốt trọng lượng các bé quay trở lại bằng lúc sinh vào 18 ngày cộng hoặc trừ hai ngày kể từ khi sinh. Rồi dần dà các bé ăn được bằng đường miệng, rồi phải theo dõi để các chỉ số về thính lực, thị lực, tình trạng của phổi... đều như trẻ bình thường..
Theo bác sĩ Trác, trẻ sinh non ngày càng nhiều. Mỗi năm, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh tiếp nhận và điều trị hàng nghìn em bé mới sinh. Trong đó, đa số là trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non tháng.
Nhiều trường hợp có cân nặng dưới 1.500 gram, tuổi thai dưới 30 tuần. Có những trẻ chỉ nặng 400gram, 500gram đến 600 gram. Ngay khi các bé sơ sinh non nhẹ cân ra đời phải có ngay 1 bác sĩ đi kèm, trẻ phải được giữ ấm, chống nhiễm trùng, trong đó khâu chống nhiễm trùng là khâu then chốt trong quá trình điều trị.
Kể về ký ức ca sinh non nhẹ cân gây ấn tượng mạnh cho ông, bác sĩ Trác cho biết đó là một bé sinh non chỉ nặng 400 gram. Đây là em bé nhẹ cân nhất tại Việt Nam được cứu sống "Từ đứa trẻ sinh non chỉ nặng 400 gram lọt thỏm trong lòng bàn tay, sau hơn 3 tháng cháu bé được chăm sóc đã hồi sinh kỳ diệu.
Sau khi sinh ra con, người mẹ quê ở Nghệ An đã về nhà ngay lập tức vì không nghĩ là con mình còn hy vọng sống. Đến khi bệnh viện thông báo người mẹ đến để ấp da kề da và cho con tập bú, tập ăn. Được gặp con mà không nghĩ con còn sống người mẹ này oà khóc, xúc động nghẹn ngào.
"Thời điểm em bé được sinh ra là trong thời kỳ đỉnh cao của COVID-19, mẹ và gia đình bé không thể từ Nghệ An ra Hà Nội nên suốt thời gian bé nằm viện đều các nhân viên y tế chăm sóc tỉ mỉ từ. Vượt qua mọi khó khăn, em bé đã tăng cân, phát triển tốt. Đến khi bé lên được 1.800 gram, chúng tôi đã trao con về với gia đình. Khi cháu bé bước sang sinh nhật một tuổi cũng đã quay lại bệnh viện để gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ"- bác sĩ Trác kể lại.
Bác sĩ Trác cho biết, việc chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng các bé sinh non, nhẹ cân vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải theo dõi từng phút, từng giờ trong các điều kiện ngặt nghèo về vệ sinh và y tế. Tại khu hồi sức, mỗi điều dưỡng sẽ phụ trách chăm sóc khoảng 20-25 bé. Tại khu hồi sức tích cực, một cô chăm 9-10 trẻ. Trong khi ở nước ngoài phải có 1-2 điều dưỡng chăm 1 bé. Đồng thời, ở nước ngoài họ cũng có người đặt nội khí quản riêng, làm ven riêng, phục hồi chức năng riêng… nhưng tại Việt Nam các điều dưỡng gần như phải đảm đương hết các công việc này.
Trong 10 năm qua (từ 2011-2023), tỉ lệ trẻ sinh non dưới 1.000 gram được cứu sống đã tăng từ 18 lên trên 40%. Đặc biệt là kỳ tích nuôi sống bé gái sinh non vào năm 2021, quê ở Nghệ An, nặng 400 gram và tháng 10-2022, điều trị thành công cặp song sinh, sinh non ở tuần 25 và nặng chỉ 500 gram/bé. Chào đời khi còn quá non tháng, lọt thỏm trong 2 bàn tay người lớn nhưng các bé đều sống sót, một phần nhờ vào sự chăm sóc tận tình của các y - bác sĩ.
Tháng 7-2023 Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã công bố nuôi dưỡng thành công trẻ sinh cực non tháng (25 tuần tuổi thai) chỉ nặng 600 gram, kèm nhiều bệnh lý. Thành công này nhờ sự tận tuỵ của các y bác ở trung tâm trong đó có vai trò quan trọng của bác sĩ Trác. Đó là bé Nguyễn Trần Bình Kh., được sinh ra ở tuần 25.
Sau khi chào đời trẻ bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm. Bệnh nhi phải đặt nội khí quản, thở máy, bơm surfactant. Khi trẻ chào đời chỉ bé như chai lavie nên việc lấy trẻ ra khỏi bụng mẹ rất khó. Đây là trường hợp bé non tháng được điều trị dài ngày nhất (gần 5 tháng) tại bệnh viện, với 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu.
Sau gần 5 tháng điều trị, bé được ra viện với cân nặng 2,2kg.
"Với cháu bé này có những giai đoạn sức khỏe của cháu diễn biến nghiêm trọng, chúng tôi gần như vô vọng. Đây là ca bệnh có thời gian điều trị dài nhất tại bệnh viện và là ca bệnh đầu tiên mổ hẹp ruột sau viêm ruột hoại tử, cũng là ca bệnh đặc biệt khó khăn về tiếp nhận dinh dưỡng và kiểm soát hô hấp"- bác sĩ Trác chia sẻ.
Trước đó. vào đầu năm 2023, Trung tâm đã nuôi dưỡng thành công cặp song sinh chào đời khi mới ở tuần thai thứ 25. Theo bác sĩ Lê Minh Trác, giữa tháng 5-2022, một sản phụ ở Hà Nội đang theo dõi COVID-19 mang thai ở tuần thứ 25 trở dạ. 2 bé song sinh (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng mỗi bé 500gram. Thời điểm đó, gia đình không hy vọng nhiều vào sự sống của các con và đành phó mặc cho các y bác sĩ chăm sóc hằng ngày. Thậm chí với bác các y bác sĩ cũng có những lúc "tưởng các cháu không qua nổi".
Có giai đoạn, bụng bé chướng căng, thâm đen lại, hầu như không ăn được gì, ăn vào lại nôn trớ. Các bác sĩ, điều dưỡng kiên trì nhỏ từng giọt sữa cho các cháu, kết hợp massage thường xuyên để hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa và thần kinh. Sau gần 3,5 tháng chăm sóc và nuôi dưỡng, ngày trở về với gia đình, 2 bé đã ổn định sức khoẻ, một bé nặng 3,6 kg, một bé nặng 3,1 kg, đã tự thở khí trời, tự ăn sữa…
Tùy thuộc vào cân nặng và tình trạng bệnh, phương pháp điều trị và thời gian chăm sóc tại bệnh viện cũng khác nhau. Bác sĩ Trác cho hay thông thường, trẻ sinh cực kỳ non tháng phải nằm bệnh viện 3-5 tháng và việc chăm sóc các "thiên thần tí hon" là muôn vàn thách thức. Có khi nhân viên y tế chỉ cần nghe tiếng tít tít, bíp bíp, ting ting, ro ro…, là sẽ phân biệt được đâu là tín hiệu cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi…
Các y bác sĩ phải tập trung cao độ để ứng phó nguy cơ có thể xảy ra hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da, viêm ruột hoại tử… Đây là những cấp cứu tối quan trọng bởi nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ sơ sinh chỉ ngưng thở 15-25 giây, không có ôxy lên não là sẽ tử vong.
Nói về bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh cực kỳ non tháng, tiến sĩ- bác sĩ Lê Minh Trác, cho biết việc chăm sóc các bé đòi hỏi cả sự tận tụy, chu đáo và yêu cầu các kỹ thuật cao. Đó là việc áp dụng thành công chiến lược chống suy hô hấp, ổn định thân nhiệt, chống nhiễm trùng, massage và cho ăn sớm...
Theo bác sĩ Trác, những em bé sinh non, nhẹ cân toàn bộ tay, chân trẻ chỉ bé bằng ngón tay út của người lớn nên mạch máu cực kỳ nhỏ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch vô cùng gian truân. Có những bé trong 1-2 tuần đầu chỉ ăn được 5 giọt sữa (tương đương 0,5 ml).
Đều đặn, cứ 1,5 giờ trẻ lại được ăn một lần và số lần ăn của một trẻ sinh non trong ngày lên tới 15-16 lần. "Với bé sinh non nặng 400 g, khi mới sinh được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, em bé chỉ ăn 1,5-2 ml/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5 ml sữa/bữa, với tần suất ăn 16 bữa/ngày, nhỏ sữa từng giọt vào miệng. Sau hơn 3 tháng trẻ đã tự bú, ăn sữa đạt 200 ml/ngày, vận động tốt" – bác sĩ Trác chia sẻ.
Để chăm sóc các bé, Trung tâm phải áp dụng hàng loạt kỹ thuật nhằm hạn chế nguy cơ: Hồi sức tốt sơ sinh ngay từ phòng đẻ và chống suy hô hấp; thở máy, bơm surfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở. Các bé được nuôi trong lồng ấp để giữ ấm và cách ly môi trường.
Cùng với dinh dưỡng sớm, áp dụng Kangaroo và kỹ thuật vô trùng thì việc massage sớm cũng cực kỳ quan trọng. Massage sớm tác động vào thần kinh giúp trẻ phát triển hệ thống thần kinh, lưu thông máu huyết, tránh trì trệ và hỗ trợ hệ thống đường tiêu hóa phát triển. Thần kinh phát triển giúp hệ hô hấp phát triển ổn định, tránh các cơn ngừng thở, tím tái, có phản xạ bú mẹ. Dầu massage ngấm qua da như một phần dinh dưỡng, khi massage vi khuẩn có lợi ở da phát triển tốt tránh viêm loét cho trẻ. "Khi được massage, trẻ đều thể hiện sự dễ chịu, trẻ biết cười tự phát, có cảm xúc rất rõ khi gần người thân và được chăm sóc" – bác sĩ Trác kể.
Tùy thuộc vào cân nặng và tình trạng bệnh, phương pháp điều trị và thời gian chăm sóc tại bệnh viện cũng khác nhau. Thông thường, trẻ sinh cực kỳ non tháng phải nằm bệnh viện 3-5 tháng. Bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất phức tạp, lại thường diễn tiến nhanh, trở nặng cũng nhanh. Thế nên, quá trình theo dõi, điều trị và chăm sóc bé của các y bác sĩ luôn vất vả hơn bình thường.
Tất cả các phòng ở Trung tâm được thực hiện chống nhiễm trùng nhiều tầng, vì đây là vấn đề then chốt của điều trị cho các bé sơ sinh non tháng nhẹ cân. Trước khi vào làm nhiệm vụ, các nhân viên đều phải tuân thủ yêu cầu vô trùng tuyệt đối, từ sử dụng quần áo tiệt trùng đến sát trùng rửa tay. Không chỉ dụng cụ, trang thiết bị y tế được sát trùng thường xuyên, mà các phòng điều trị cũng phải được sát trùng 4-6 tuần/lần, cùng hệ thống máy tiệt khuẩn không khí các phòng.
Theo bác sĩ Trác, phải xa mẹ từ khi mới sinh, đôi khi em bé sinh non sẽ thiếu sự gắn kết với mẹ trong những ngày đầu đời. Mặt khác, xa con, lo cho con cũng khiến các mẹ dễ rơi vào trầm cảm. Do đó, cần xây dựng sự gắn kết mẹ - con từ lúc ở bệnh viện. Thay vì cách ly hoàn toàn, bệnh viện chú trọng tạo điều kiện cho mẹ tiếp xúc với con sớm. Các bác sĩ cũng tư vấn tâm lý, sắp xếp cho mẹ vào thăm con thường xuyên, trò chuyện, tương tác với bé.
Người mẹ cũng được hướng dẫn cách chăm sóc da kề da cho con trong phòng nuôi đặc biệt để bé được truyền hơi ấm từ mẹ. Mẹ hít thở kích thích em bé thở theo, hỗ trợ hô hấp, giúp bé ổn định nhịp tim, giảm các cơn ngừng thở, tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn, đồng thời hỗ trợ tích cực cho sự phát triển não bộ của bé…