Người đâu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam

21-07-2012 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mỹ thuật thế giới đã từng chứng kiến sự ra đời của biết bao xu hướng, trường phái nghệ thuật gắn liền với quá trình sáng tạo không mệt mỏi của thế hệ các họa sĩ mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử nhân loại, mãi mãi được tôn vinh.

(SKDS) - Mỹ thuật thế giới đã từng chứng kiến sự ra đời của biết bao xu hướng, trường phái nghệ thuật gắn liền với quá trình sáng tạo không mệt mỏi của thế hệ các họa sĩ mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử nhân loại, mãi mãi được tôn vinh. Nhưng nhắc đến mỹ thuật Việt Nam, người đầu tiên mà nhân loại nhắc đến là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - người đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của tranh lụa Việt Nam hiện đại.

Bản lĩnh văn hóa

Nguyễn Phan Chánh là người học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa I (1925 - 1930) cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ... - những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Trong những năm đó, trào lưu hâm mộ chất liệu sơn dầu và bút pháp mảng miếng của phương Tây đang ở hồi cực thịnh, khó ai có đủ bản lĩnh để thoát khỏi nó, ngoài Nguyễn Phan Chánh. Ông là người có khả năng vận dụng thủ pháp tạo hình phương Tây bên cạnh khả năng tiết chế cảm xúc (rất phương Đông) cho xu thế hội họa của mình. Hay nói cách khác, ông tạo ra một phong cách hội họa bác học tân thời nhưng có gốc rễ là nguồn mạch văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tranh lụa của ông (chất liệu cùng phong cách biểu cảm) đã tạo một bước đột phá trong việc tìm lối đi cho con đường cách tân nền hội họa Việt Nam, đã làm cho họa sĩ - Hiệu trưởng Victor Tardieu, người có con mắt phát hiện sự độc đáo của nghệ thuật bản địa vô cùng trân trọng.
 
 Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Tardieu ngay lập tức đưa nghệ thuật tranh lụa vào giảng dạy tại nhà trường. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã nhận định rằng Nguyễn Phan Chánh cũng như Nguyễn Gia Trí, một người tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam, một người tạo ra dòng tranh sơn mài Việt không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có thể loại mỹ thuật tương tự (tranh lụa Trung Hoa - Nhật Bản, sơn mài Nhật Bản...).

Khác với tranh sơn dầu hay sơn mài, bột màu... nghệ sĩ có thể mặc sức thả bút theo dòng xúc cảm đang tuôn trào, nghệ sĩ khi vẽ tranh lụa phải biết cô đúc và tiết chế cảm xúc, cảm hứng sáng tạo thường diễn ra chậm (đậm tinh thần phương Đông). Chất liệu lụa và màu cũng góp phần không nhỏ để bày tỏ, biểu đạt cảm xúc đó. Sự đặc biệt này đã đắc dụng thể hiện thế giới tâm hồn của người Á Đông.

Bức tranh đầu tiên Chơi ô ăn quan (63x85cm) dường như đã trở thành một trong những mẫu mực của hội họa Việt Nam hiện đại. Trên nền lụa, Nguyễn Phan Chánh diễn tả 4 em bé đang chơi ô ăn quan được chia làm 2 nhóm. Cái thế đăng đối lệch (bên 3 nhân vật, bên 1) ông tạo ra khiến cho bức tranh trở nên sinh động. Cả ba nhân vật đều hướng mắt nhìn theo bàn tay chia ô của nhân vật thứ tư, gây cảm giác gắn kết tình cảm các nhân vật trong một hành động hiện lên rõ nét. Gam màu nâu, hình họa chắc trên nền ánh sáng mềm, bức tranh như một câu chuyện về tuổi thơ người Việt, chỉ người Việt mới có. Tạo ra một đăng đối lệch, Nguyễn Phan Chánh đã cao tay để tạo ra sự hài hòa của bố cục và cái tài hoa mang hương vị Nguyễn Phan Chánh còn biểu hiện ở nét duyên dáng của các khuôn mặt thiếu nữ, phục trang Á Đông.

Những điều kể trên còn được thể hiện  trong suốt quá trình sáng tác của Nguyễn Phan Chánh qua các tác phẩm như: Rửa rau cầu ao, Bữa cơm trưa, Bé cho chim ăn, Trăng lu, Trăng tỏ...

Lưu danh tên tuổi

Năm 1931, 4 tác phẩm tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh được họa sĩ Victor Tardieu đem đi triển lãm ở Paris. Nghe nói, ngay lập tức, tài nghệ của Nguyễn Phan Chánh đã khiến những người am tường nghệ thuật ở “kinh đô ánh sáng” phải kinh ngạc. Từ những tác phẩm này, người Pháp phải thay đổi cái nhìn đầy kỳ thị về nghệ thuật tạo hình của Việt Nam.

Trên tranh của Nguyễn Phan Chánh còn có những chữ tượng hình, triện son như một phần của bố cục không thể thiếu. Tuy nhiên, người nhà kể rằng, ông là người giỏi chữ Hán, một loại chữ giàu chất thơ họa và mang chỉ dấu của tâm hồn Á Đông nên ông thích dùng. Các bài thơ, đôi khi là ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự, phút thơ lòng của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Đây cũng là một trong những điều mà “họ nhà nhái” kiêng kỵ không dám bén mảng. Mặc dù có khi tác giả Nguyễn Phan Chánh lúc sáng tác không hề nghĩ tới. Bức Chơi ô ăn quan cũng có một bài thơ chữ Hán, có người đã dịch như sau: “Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn/ Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa/ Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía/ Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...”.

 Chơi ô ăn quan- Một tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Sinh thời, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã để lại cho đời khoảng 170 tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó có đến 1/3 số ấy được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Phan Chánh là họa sĩ có số lượng tác phẩm được lưu giữ lớn nhất tại đây). Nhưng bức Chơi ô ăn quan thì dường như lại không có mặt (có người nói, bức tranh gốc Chơi ô ăn quan nằm trong bộ sưu tập của gia đình Đức Minh).

Nhân dịp Nguyễn Phan Chánh tròn 80 tuổi vào năm 1972, nhà thơ Tố Hữu đã có thơ tặng như sau: “Tám mươi mà vẫn xuân xanh/ Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời/ Trăm năm đẹp mãi tình người/ Trăng lu trăng tỏ càng tươi bút thần/ Phải chăng lòng sạch bụi trần/ Mát trong làn nước, trắng ngần làn da/ Mừng ông chén rượu gọi là…” (bài Mừng thọ Nguyễn Phan Chánh). Chi tiết thơ chắc chắn được gợi từ các bức Tắm sớm, Sau giờ trực chiến, Trăng lu, Trăng tỏ mà Nguyễn Phan Chánh vẽ sau này, song “Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời” ít nhiều gợi tới bứcChơi ô ăn quan.

Nguyễn Phan Chánh từng là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964  - 1970) khóa III. Ông sinh 21/7/1892, mất 22/11/1984. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

  Trần Thị Trường


Ý kiến của bạn