Hà Nội

Người đầu tiên khám phá Sơn Đoòng cùng hơn 500 hang động

16-05-2015 09:30 | Tin nóng y tế
google news

Hơn 20 năm, Howard Limbert cùng các cộng sự đã đặt chân lên nhiều vùng đất Việt Nam, khám phá hơn 500 hang động ở Quảng Bình và các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Howard Limbert (57 tuổi, quốc tịch Anh) là người đầu tiên khám phá đầy đủ Sơn Đoòng và hang Én cùng khoảng 200 hang động lớn nhỏ ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Vị chuyên gia hang động này là nhân tố chủ chốt góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình truyền hình trực tiếp về hang động lớn nhất thế giới hôm 13/5.

Hai ngày sau khi những hình ảnh về Sơn Đoòng được truyền tải đến với khán giả Mỹ qua Good Morning America - ABC, ông Howard Limbert có những chia sẻ cùng Zing.vn.

Howard Limbert

Howard đến Việt Nam từ năm 1990 cùng với 10 người thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Chuyến đi đầu tiên của nhóm đến Phong Nha để khám phá những bí ẩn bên trong kỳ quan này. Sức hút từ kỳ quan đệ nhất động đã níu chân vợ chồng Howard Limbert ở lại Việt Nam.

Howard chia sẻ, ông ấn tượng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người tham gia vào buổi ghi hình của đài ABC. "Ông Đam đã tham gia băng rừng, vượt suối cùng mọi người để vào hang Én khi đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay. Tôi đã có chút bất ngờ và ngạc nhiên về điều đó".

Đặc biệt, cuộc nói chuyện kéo dài suốt 2 giờ đồng hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung tâm du lịch Phong Nha đã gợi mở nhiều ý tưởng, khơi dậy sở thích khám phá của Howard. Chuyên gia hang động người Anh nhớ lại, trong cuộc nói chuyện năm 1992, Đại tướng không chỉ giúp ông muốn khám phá nhiều hơn ở Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn chỉ dẫn về cách làm và vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của địa phương.

Nhớ lời Đại tướng, Howard đã tích cực đóng góp vào việc hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, để Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003.

Howard Limbert (áo vàng) và Deb Limbert (áo sọc) trong lần gặp và nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 1994, vị chuyên gia về hang động 57 tuổi cùng cộng sự là những người đầu tiên khám phá hang Én, chinh phục hệ thống hang động còn lẩn khuất trên các dãy núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây cũng là hang động liên quan đặc biệt với Sơn Đoòng xuất phát từ nghi vấn do chính vợ chồng Howard đặt ra.

Sau khi tìm được hang Én, Howard khám phá hang Khe Ri, hang sông dài nhất thế giới, vào năm 1997. Vợ chồng ông nhất quán quan điểm "chắc chắn có sự tồn tại của một hang động lớn hơn" liên quan đến hang Én và hang Khe Ri, bởi dòng nước ở 2 hang động này giao nhau rồi biến mất giữa rừng.

"Từ năm 1997 về sau, chúng tôi liên tục mở các cuộc khảo sát xuyên rừng Phong Nha, nhưng vẫn không thể giải đáp được nghi vấn cho đến khi gặp được Hồ Khanh, người đi rừng rất giỏi. Anh ấy kể cho tôi về cửa hang nằm giữa rừng khi anh ấy bị lạc. Hồ Khanh nói cửa hang lớn có gió thổi mạnh từ bên trong, ẩn hiện dưới những đám mây mờ ảo", vị chuyên gia hang động người Anh nhớ lại.

Đến năm 2009, Limbert và Hồ Khanh tìm ra cửa hang Sơn Đoòng, cùng khám phá bên trong. Kỳ quan này được công bố là hang động lớn nhất thế giới vào 2010. “Quả thật việc tìm thấy Sơn Đoòng diễn ra rất khó khăn. Chúng tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp mê hoặc, độ rộng lớn đến không ngờ của hang Sơn Đoòng".

Nói về đam mê khám phá hang động, ông cho rằng bản thân luôn muốn là người đầu tiên đặt chân vào những nơi chưa ai đến. "Mỗi lần bước vào hang động mới, tôi có cảm giác như được chinh phục những đỉnh núi cao. Quá trình khám phá, tôi và các cộng sự còn được tận hưởng sự kỳ diệu của thiên nhiên".

Howard quyết định gắn bó lâu dài với Quảng Bình vì còn muốn khám phá thêm Phong Nha - Kẻ Bàng và ông tin vùng đất này còn nhiều hang động chưa được biết đến. Ông sẽ mở đợt khám phá hang động mới tại Quảng Bình vào tháng 3/2016.

Howard Limbert và Hồ Khanh trong lần khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Howard Limbert nổi tiếng với việc khám phá ra nhiều hang động nhưng ít người biết ông không thích học tiếng Việt dù vợ ông nói rất giỏi. 20 năm qua, vợ chồng ông chủ yếu thuê nhà, sống tại xã Sơn Trạch và lặng lẽ đóng góp cho vùng đất này. Họ cũng tranh thủ thời gian mở các lớp dạy tiếng Anh, truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng khám phá hang động cho thanh niên địa phương, phổ biến các loại hình du lịch cho người dân địa phương áp dụng để phát triển du lịch và kinh tế, tăng thu nhập.

"Cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều ở Phong Nha. Khách sạn, cơ sở du lịch lưu trú (homestay) phát triển rất tốt cùng với các dịch vụ khác hướng đến phục vụ du khách", ông nhận xét. Vợ chồng Howard Limbert đã tính chuyện xin nhập quốc tịch Việt Nam, gắn bó lâu dài với Quảng Bình.

 


Ý kiến của bạn