Sinh được 14 ngày, mẹ tôi đã bế tôi về bên ngoại. Người nuôi tôi là em ruột ông ngoại tôi, bà mù bẩm sinh và làm nghề bói toán. Bà nuôi con trai út ông ngoại tôi, tức là em ruột mẹ tôi, làm con nuôi. Năm tôi lên 3, tôi ở hẳn với cậu, để bố tôi đi cày thuê và “Mẹ tôi vào phường cấy thuê/Với câu hát buồn tứ xứ”. Năm lên 4 - 5 tuổi, đêm đêm, tôi thường ngủ thiếp đi trong tiếng lẩm nhẩm đọc Kiều của bà. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu bằng cách nào, người bà cô già (tôi không dùng chữ đàn bà, vì bà không lấy chồng) mù bẩm sinh, lại có thể thuộc nhiều câu Kiều đến thế. Đến năm 10 tuổi, tôi đã thuộc lòng cả quyển Kiều và nhớ đến tận ngày hôm nay, cũng bắt đầu từ bà cô đặc biệt này. Những câu Kiều đã quyết định hướng đi của cả cuộc đời tôi, tự nhiên hình thành một cảm quan nghệ thuật mà tôi trung thành với nó đến tận bây giờ.
Năm 1952, tôi 8 tuổi, gia đình tôi tản cư đến làng An Bình và tôi học chữ A đầu tiên là từ một anh giáo du kích. Thời ấy chúng tôi gọi thầy bằng anh và xưng tôi. Sau khi biết các chữ cái, anh giáo chỉ dạy chúng tôi các bài ca địch vận (khuyên người Việt theo Pháp thì mang súng về với ta) và chỉ dạy thế thôi, ngoài ra không dạy cái gì hết, thành ra chỉ 3 tháng sau là anh hết chữ. Năm 1954, tôi là đội trưởng Đội nhi đồng cứu quốc, anh giao cho tôi tờ báo Nhân dân có in bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu và yêu cầu tôi học thuộc trong một đêm rồi sáng sau trả báo cho anh, vì sợ giặc càn vào làng sẽ bắt được. Tôi dạy truyền miệng cho các bạn. Đấy là bài thơ đầu tiên tôi được đọc bằng mắt. Và vì thế, thơ Tố Hữu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc suốt 25 năm cầm bút của tôi từ năm 1960, tôi có thơ đăng báo, đến năm Đổi Mới, 1986.
Bà cô bên ngoại là người đưa tôi đến với văn chương, cõi người. (Ảnh minh họa).
Cuối năm 1954, tôi đã làm thơ đọc trong các đám cưới tập thể, một biểu hiện mới của đời sống làng xã sau hòa bình: “Hòa bình lập lại Đông Dương...” Một số đôi cưới ngày ấy, giờ vẫn còn sống ở làng, đều khoảng non 90 tuổi... Tôi lấy những câu vè của mình mừng đám cưới của các anh chị mà điều hành hàng trăm người á lơ hò lờ theo tôi. Năm ấy tôi mới 10 tuổi.
Một hôm, tôi đang quét sân thì ông Trần Hòa gọi tôi đến nhà ông. Ông Hòa làm thợ may, đời sống có khá hơn. Đến nhà ông mới thấy có khá đông người, đều là các vị cao tuổi và có thế lực trong dòng họ. Ông Hòa nói rất thẳng thắn: “Tôi nói thật với bác, (tôi mới 10 tuổi, nhưng ở ngành trên, vì chi tôi đẻ rất thưa) ai cũng bảo bác giỏi thơ, nhưng chúng tôi không tin. Tôi có nghe bác á lơ hò lờ trong các đám cưới, nhưng không biết là thơ của bác hay bác thuổng của ai. Hôm nay, chúng tôi mời bác đến đây, nhờ bác làm giúp cho chúng tôi một bài thơ để đọc vào dịp Tết này (mùng 1 tháng Giêng năm Ất Mùi, 1955). Bác làm bao giờ xong cũng được, nhưng xong rồi mới được về. Trưa nay, tôi nấu cơm cho bác và các vị ngồi đây cùng ăn. Rồi ông ra đề: bác làm bài thơ 12 câu. Đọc chữ đầu câu từ trên xuống dưới phải là: “Việt Nam dân chủ cộng hòa - Độc lập tự do hạnh phúc”. Rồi ông đưa tờ giấy kẻ học trò và cái bút chì ông vẫn dùng để ghi tên những người may quần áo hay còn nợ tiền ông vào sổ cho tôi. Tôi thấy đề ra rất bình thường, không lo lắng gì, bình thản viết luôn:
VIỆT cường nổi tiếng Á Đông
NAM bang trấn cõi anh hùng bao phen
DÂN mình lớp lớp đứng lên
CHỦ quyền giành lại, còn truyền sử xanh…
CỘNG thêm những bậc tài danh
HÒA trong bão táp mà thành thép gang
ĐỘC ác thay lũ hung tàn
LẬP nền thống trị Việt Nam bao đời
TỰ nhiên bao cuộc đổi dời
DO dân đứng dậy, rạch đôi ngai vàng
HẠNH Nguyên máu giặc còn loang
PHÚC Yên, Vạn Kiếp tiếng vang còn truyền…
Bốn chữ “còn truyền sử xanh” là tôi lấy từ trong Truyện Kiều. Thực ra thì đó là một bài vè, chắp vá, đầu Ngô mình Sở, dù nó ngợi ca đất nước và có “yếu tố sử thi”.
Từ cuộc “sát hạch” loáng thoáng đó đã dẫn đến một quyết định của dòng họ, mà bố mẹ tôi cũng không ngờ: Nhà thờ họ có hơn một sào đất vườn làm hương hỏa. Dòng họ liền giao cho bố mẹ tôi cấy trồng để có thêm tiền cho tôi ăn học, mỗi năm, vào ngày tế Tổ, 13 tháng Giêng âm lịch thì cung tiến vào nhà thờ một mâm xôi trắng, một con gà giò luộc và một chai rượu ngang. Chỉ có thế thôi, không phải nộp thuế hay khoản tiền dầu đèn trong nhà thờ. Nhà tôi vẫn trồng mía trên sào đất ấy, từ đầu năm 1955 cho đến hết năm 1962, năm tôi thành ông giáo trẻ, xung phong đi dạy học ở mãi khu mỏ Hồng Quảng xa xôi thì dòng họ mới thu hồi để giao cho người khác.
Đến nay tôi đã 73 tuổi, có 35 tập sách được xuất bản, trong đó có 19 tập thơ. Nhiều tập được tái bản nhiều lần. Riêng tập Nhà thơ và hoa cỏ được tái bản đến 22 lần ở cả miền Nam và miền Bắc. Một số tác phẩm đã được dịch in ở nước ngoài, được trích đưa vào sách giáo khoa và Chủ tịch nước đã tặng tôi Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt II năm 2007. Nghĩ lại chặng đường cầm bút đã 57 năm của mình (tôi có thơ đăng báo từ 1960), tôi rất biết ơn mẹ tôi, đặc biệt là bà cô bên ngoại tôi. Chính bà mới là người dạy tôi những bài học vỡ lòng về văn chương và cõi người, với những triết lý dân gian về lòng nhân ái bao dung và thuyết nhân quả của đạo Phật. Không có bà, chắc không có tôi và thơ tôi ngày hôm nay.