Hà Nội

Người đau đáu với ảnh Bác Hồ và Hà Nội

26-09-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy sinh năm 1932, tại Hà Nội, nguyên là cán bộ biên tập và phóng viên ảnh của NXB Văn hóa - Thông tin (cũ) từ năm 1958 đến 1968...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy sinh năm 1932, tại Hà Nội, nguyên là cán bộ biên tập và phóng viên ảnh của NXB Văn hóa - Thông tin (cũ) từ năm 1958 đến 1968 và là một trong những hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tháng 12/1965... Tôi dạo quanh phòng ảnh với biết bao ký ức mà chính ông ngày đêm sống trong những chân dung Hà Nội. Nào là Cầu Thê húc, Khuê Văn Các, Hồ Gươm và cây lộc vừng thả cánh hồng bay trong gió... Vậy là trong ông lúc này chỉ muốn nói đến Hà Nội bởi ông đã trọn đời gắn bó với Hà Nội, luôn luôn nghĩ về Hà Nội.

Người đau đáu với ảnh Bác Hồ và Hà Nội

Bìa sách. 

Ông là nghệ sĩ được phân công túc trực chụp ảnh tang lễ Bác Hồ trong suốt 9 ngày đêm... Sau ngày thống nhất đất nước, ông được cử đi công tác tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1980 và được đề bạt Phó phòng Biên tập. Từ năm 1985-1993, ông là Trưởng ban và Bí thư chi bộ Chi nhánh NXB Văn hóa Dân tộc, tại TP.HCM. Ông về hưu năm 2002, với chức danh Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc...

Trong suốt mấy chục năm sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, ông luôn luôn nhớ về Hà Nội. Nơi đó còn có gia đình vợ con và bạn bè đồng nghiệp từ những ngày giải phóng Thủ đô. Mãi tới năm 1989, ông mới đưa được vợ con vào, nhưng khi ấy vợ ông đang ốm nặng. Từ đó, ông một thân một mình chăm sóc vợ trong tình trạng tai biến suốt 10 năm trời, tại nơi đất khách quê người. Nhưng cũng từ đó ông đã bắt đầu âm thầm chuẩn bị cho ngôi nhà ảnh Hà Nội của mình tại nơi ở hiện nay, số 31 Nguyễn Chí Thanh, Q5, TP. Hồ Chí Minh. Cùng với nhiều dự án xuất bản ảnh về Bác Hồ và Thủ đô.

Thật may sao, cuối tháng 7 vừa qua, tôi có dịp ghé thăm bảo tàng ảnh Hà Nội của ông, với nhiều cảm xúc dạt dào như chính mình mới đi xa trở về mái nhà xưa. Nghệ sĩ Hữu Cấy đưa tôi xem chiếc máy ảnh đầu tiên ông chụp ở Hà Nội vào thập niên 50. Và bức ảnh thành công đầu tiên từ chiếc máy cổ lỗ sĩ ấy, chính là tác phẩm Em bé và chim câu. Bức ảnh đen trắng đó được phóng to treo giữa phòng như một kỷ niệm đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Từ đó, ông kể mình đã lặn lội về các vùng quê xa xôi. Lội bùn để chụp ảnh cấy lúa, ngâm mình dưới sông để chụp ảnh nông dân làm thủy lợi. Thậm chí còn treo mình trên cần cẩu để chụp ảnh ghi lại những kết quả lao động của những người công nhân ngày đêm trên công trường. Rồi những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta và Thủ đô Hà Nội...

Người đau đáu với ảnh Bác Hồ và Hà Nội

Cột cờ Hà Nội ngày 10/10/1954. Ảnh: Hữu Cấy

Tôi chợt chăm chú nhìn tấm ảnh nghệ sĩ Hữu Cấy chụp với ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ; trên tay hai người có những bưu thiếp ảnh hoa hồng. Thấy tôi có vẻ quan tâm, nghệ sĩ Hữu Cấy kể luôn một mạch. Đó là chuyện cuối năm 1966, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ cho Tết 1967. Cuối cùng 14 ảnh hoa được ban tổ chức tuyển chọn, trong đó có hai bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.

Nhưng thật bất ngờ, chỉ ít lâu sau nhà xuất bản được nhận lệnh chọn những ảnh hoa đẹp để Bác Hồ dùng làm bưu thiếp chúc Tết các nguyên thủ quốc gia. Ngay lập tức, 14 ảnh đã vào chung kết phát hành được trình lên Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định. Kết quả Văn phòng Trung ương Đảng chọn 2 bức hoa hồng của nghệ sĩ Hữu Cấy cùng bức ảnh hoa sen và hoa cúc vàng của hai tác giả khác. Ông Vũ Kỳ trình lên Bác Hồ cả 4 ảnh đã chọn để Bác Hồ duyệt lấy một bức để làm bưu thiếp chúc Tết. Cuối cùng Bác chọn hai ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.

Sau đó Bác còn tranh thủ đưa ra lấy ý kiến tập thể cùng chọn. Kết quả cả hai bức ảnh của Hữu Cấy đều được dùng. Một bức Bác ký làm bưu thiếp chúc Tết năm 1967 còn một bức để Trung ương Đảng dùng làm bưu thiếp chúc Tết cùng năm. Đến Tết năm 1968, Bác Hồ quyết định dùng bức ảnh hoa hồng mà Trung ương Đảng đã dùng năm trước để làm bưu thiếp chúc Tết chứ không dùng ảnh hoa khác. Và thật may mắn đối với nghệ sĩ Hữu Cấy, đến Tết năm 1969, sau khi duyệt nhiều ảnh hoa mới của các tác giả khác trình lên, Bác Hồ quyết định duyệt dùng lại bức hoa hồng của Hữu Cấy đã dùng năm 1967. Vậy là trong 3 năm liền, nghệ sĩ Hữu Cấy đều được chọn ảnh hoa để Bác Hồ làm bưu thiếp chúc Tết...

Những ký ức ấy ông luôn coi đó là Hà Nội của ông. Cho dù sau này ông vẫn trở ra Bắc để sáng tác, nhưng ông luôn luôn trở về phố Phan Bội Châu để tìm lại cảm xúc của thời thơ ấu và tích lũy năng lượng rồi lại lên đường. Đến nay đã bước sang tuổi 80, ông chỉ một lòng đau đáu chuẩn bị cho cuốn sách về đề tài Bác Hồ. Dự án của ông đã trở thành hiện thực. Những tác phẩm của ông đã được sắp xếp theo thời gian lịch sử mà ông đã có thời chụp ảnh Bác. Đồng thời, những hình ảnh thể hiện tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác Hồ, ông cũng sưu tầm và tổ chức cuốn sách thật đầy đủ ý nghĩa và giá trị lịch sử của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, ông bổ sung cho bảo tàng ảnh Hà Nội của mình nhiều tác phẩm còn chưa được khai phá từ cái kho tàng vô giá của mình.

Người đau đáu với ảnh Bác Hồ và Hà Nội

Nhà điện ảnh Carmen đang quay cảnh chiến sĩ thủ đô treo cờ.

Lần giở lại Album “Ký ức Hà Nội” (NXB Văn hóa Thông tin, năm 2010), mới thấy qua 250 bức ảnh, tác giả đã phác họa được những dấu ấn của lịch sử phát triển của Thủ đô trong hơn nửa thế kỷ. Nếu những bức ảnh về nông thôn ngoại thành Hà Nội xưa, quê Hoài Đức của ông, tạo nên những tứ thơ dịu dàng, vào năm 1950, thì đến năm 1954, ông lại có chùm ảnh đặc sắc ghi lại sự kiện hào hùng nhất vào ngày giải phóng Thủ đô. Ông là một trong số ít nghệ sĩ nhiếp ảnh lưu giữ được những tác phẩm ghi lại thời khắc đặc biệt này. Ngoài những bức ảnh như: Tiến về giải phóng Thủ đô, Nhân dân vui mừng đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, Hồ Gươm ngày giải phóng Thủ đô... ông còn có 3 bức ảnh quý, chụp đúng vào lúc bộ đội ta kéo cờ lên Cột cờ Hà Nội, đánh dấu chủ quyền, độc lập của chính quyền cách mạng và dân tộc ta. Đó là vào 15 giờ ngày 10/10/1954. Đồng thời, ông còn có thêm bức ảnh về nhà đạo diễn điện ảnh nước ngoài đang quay phim trước đoàn quân chiến sĩ Thủ đô làm lễ treo cờ tại sân vận động quân đội. Đó là những bức ảnh hiếm hoi của ông gợi những ký ức trong mỗi người dân Hà Nội về thời khắc lịch sử này.

Theo thời gian, biết bao sự kiện đầy biến động của Thủ đô sau đó, như cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ, kéo dài suốt từ 1965 đến 1972, hay những ngày tổ chức tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc những hành động tích cực của quân và dân Thủ đô hướng về cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới ngày thống nhất đất nước, năm 1975... ông đều có nhiều tác phẩm giá trị, như một chứng nhân lịch sử trong nhiều thập kỷ. Đáng chú ý, những hình ảnh mới nhất của Thủ đô vẫn được ông thu vào ống kính phản ánh sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của nhân dân Hà Nội. Đó là những hình ảnh tòa nhà cao tầng ở Mỹ Đình, Linh Đàm, cầu Thanh Trì, Trung tâm Hội nghị quốc gia... cho đến tượng đài Lý Thái Tổ và con đường gốm sứ sông Hồng, đạt kỷ lục thế giới.

Qua bảo tàng riêng, ông mong bày tỏ những ký ức sâu sắc nhất để thỏa ước nguyện hàng chục năm qua. Ông nghĩ đó là thời đoạn của một Hà Nội trẻ trung, sôi nổi và hào hùng nhất trong tâm hồn ông. Tôi ngẩn ngơ vì những hình ảnh Hà Nội của một thời yêu dấu mà ông bày ở tận phương Nam xa xôi này và không thể ngăn nổi dòng nước mắt vì sự nhớ nhung.                

Bài và ảnh:  Tào Phong

 


Ý kiến của bạn
Tags: