Hà Nội

Người dập chữ trên bia mộ Đại danh y Tuệ Tĩnh mang về nước

01-02-2017 08:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh. Ông sinh khoảng năm 1330, đỗ tiến sĩ năm 1351, là một thiền sư và thầy thuốc đại tài, tác giả bộ sách thuốc Nam vĩ đại “Nam dược thần hiệu”...

Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh. Ông sinh khoảng năm 1330, đỗ tiến sĩ năm 1351, là một thiền sư và thầy thuốc đại tài, tác giả bộ sách thuốc Nam vĩ đại “Nam dược thần hiệu” và câu nói bất hủ “Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam”. Ông bị bắt cống sang Trung Hoa năm 1385 để chữa bệnh cho vua Trung Hoa, sau mất ở Giang Nam khoảng năm 1400.

Đó là 2 người: Thượng Bảo khanh Nguyễn Danh Nho và Hộ bộ Tả Thị lang Trần Thọ.

Nguyễn Danh Nho sinh năm  1638, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) cùng khoa với Trần Thọ. Ông người làng Nghĩa Phú, nay thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, làm quan Tả ti giám, Hiến sát sứ, sau thăng Hữu Thị  lang (Thứ trưởng thứ 2), tước Nam (trong thang bậc tước từ cao xuống thấp là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam của quan chế Phong kiến).

Trần Thọ sinh năm 1639, người làng Điền Trì, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Nguyễn Danh Nho (1670). Ông làm quan đến Tham tụng, Hình bộ Thượng thư, tước Hầu. Do xử sai một vụ án mà hạ 4 cấp, từ Tham tụng (Tể tướng)  xuống làm Tả thị lang bộ Hộ (Thứ trưởng thứ nhất bộ Hộ) giúp Thượng thư, cai quản về đất đai của triều đình.

Nguyễn Danh Nho và Trần Thọ hơn kém nhau 1 tuổi, đỗ cùng khoa, ở hai huyện sát cạnh nhau, theo gia phả có mối quan hệ rất gần gũi với nhau.

Theo Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên quyển thứ  34 của Quốc sử quán triều Nguyễn (Nxb Sử học, 1960) và Gia phả họ Trần Điền Trì tháng 4 năm Canh Ngọ (1690), vua Lê Hy Tông lập Đoàn sứ bộ sang nhà Thanh.

Chánh sứ là Thượng Bảo khanh Nguyễn Danh Nho và Nguyễn Quí Đức. Phó sứ là Binh bộ Tả thị lang Nguyễn Tiến Sách và Hộ bộ Tả thị lang Trần Thọ.

Nguyễn Quí Đức sinh năm 1648, người làng Thiên Mỗ, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 28 tuổi đã đỗ Thám hoa. Khi đi sứ, chưa rõ chức tước ông là gì. Sau khi đi sứ về, ông được thăng Lễ bộ Tả thị lang, tước Nam (Liên Đường Nam). Năm 1694 thăng tước Bá, làm quan đến Bồi tụng, rồi Tham tụng, tước Hầu. Ông mất năm 1720, thọ 72 tuổi, được truy phong Thái phó.

Nguyễn Tiến Sách sinh năm 1638, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), đồng niên với Nguyễn Danh Nho đồng thời đồng khoa với Nguyễn Danh Nho và Trần Thọ. Ông người làng Vân Trưng, nay thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Chưa rõ sau khi đi sứ về, ông có được phong thăng gì không. Ông mất năm 1697, thọ 59 tuổi, được truy phong Công bộ Thượng thư, tước Tử (Trưng Đường Tử).

Việc chính của Đoàn sứ bộ là “nộp lễ tuế cống” và nhân đó đòi đất 4 châu ở biên giới đã bị nhà Thanh lấn chiếm: Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai, trong đó châu Vị Xuyên ở Hà Giang còn mang tên ấy đến bây giờ. Việc tấu trình lần thứ hai về đất đai bị lấn chiếm, do Tả thị lang bộ Hộ Trần Thọ đảm nhận là chính. Trước đó 2 năm, tháng 5  năm Mậu Thìn (1688), Trần Thọ là Tả Thị lang bộ Hộ, vua sai làm Đốc đồng cùng Lê Huyến, trấn thủ đạo Hải Dương lên biên giới, làm trấn thủ Tuyên Quang và Hưng Hòa để xem xét việc này. Trần Thọ đã gửi thư sang nhà Thanh qua Tổng trấn Vân Nam để đòi lại đất nhưng nhà Thanh không trả lời.

Có báo viết về cuộc đi sứ này vào năm Tân Mùi (1691) là sai, viết Nguyễn Danh Nho được bổ sung vào Đoàn sứ bộ lại càng sai.

Đoàn sứ bộ rời Thăng Long tháng 4  năm Canh Ngọ (1690). Do đường xa, núi sông hiểm trở, mưa nắng thất thường, phương tiện chưa hẳn đã thuận lợi, sản vật triều cống quí hiếm lại cồng kềnh, việc bảo vệ từng sản vật một phải vô cùng nghiêm cẩn nên phải 9 tháng sau, đầu năm Tân Mùi, Đoàn sứ bộ ta mới đến nơi. Vì vậy, sách An Nam kỷ yếu của nhà Thanh ghi Đoàn sứ bộ ta đến cống nạp năm Tân Mùi (1691). Có lẽ cũng vì thế, một vài bài báo mới viết Nguyễn Danh Nho đi sứ năm 1691 và trong Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn chọn 3 bài thơ viết về việc bang giao với nhà Thanh của Trần Thọ, cùng ghi Trần Thọ “phụng mệnh đi sứ” năm Tân Mùi (1691).

Sau cuộc đi sứ thành công này về, Nguyễn Danh Nho được thăng lên chức Bồi tụng (Phó Tể tướng) và tước được thăng 1 cấp lên tước Nam. Còn Trần Thọ vẫn nguyên chức tước cũ, có lẽ vì việc đòi đất không thành. Vua Thanh không nói gì về việc trả lại đất (nhưng có lẽ do đòi đất kiên trì trong một quá trình nhiều năm như thế nên đến thời Nguyễn, nhà Thanh mới trả lại đất cho ta, trong dịp Việt - Thanh - Pháp hoạch định biên giới Việt Trung khoảng năm 1890. Chưa rõ nhà Thanh có trả hết đất không - 19 xã thuộc 4 châu ở 2 đạo là Tuyên Quang và Hưng Hòa mà 2 lần Trần Thọ có thư đòi đất, theo phận sự được giao của triều đình nhà Lê - tôi có danh sách cụ thể, nhưng thấy không cần ghi ra đây).

Nguyễn Danh Nho mất năm 1699, thọ 61 tuổi, Trần Thọ mất năm 1700, cũng thọ 61 tuổi.

Trên đường Đoàn sứ bộ về nước, năm 1691 có qua Giang Nam, ghé thăm mộ Đại Danh y Tuệ Tĩnh ở đó.

Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh, người cùng họ, cùng làng với Nguyễn Danh Nho. Ông sinh khoảng năm 1330, đỗ tiến sĩ năm 1351, là một thiền sư và thầy thuốc đại tài, tác giả bộ sách thuốc Nam vĩ đại “Nam dược thần hiệu” và câu nói bất hủ “Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam”. Ông bị bắt cống sang Trung Hoa năm 1385 để chữa bệnh cho vua Trung Hoa, sau mất ở Giang Nam, khoảng năm 1400, trước khi Đoàn sứ bộ sang là khoảng  290 năm.

Phải bằng biện pháp kĩ thuật, chánh sứ Nguyễn Danh Nho và phó sứ Trần Thọ mới dập được khuôn viên bia mộ với dòng chữ trong bia đá trên mộ Tuệ Tĩnh mang về nước. Dòng chữ trong bia nguyên văn chữ Hán, dịch sang quốc ngữ là: “Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây, xin đưa hài cốt tôi về với…”.Đền Bia là một trong 3 địa danh của huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền Bia được xây dựng trên doi đất hình con dao cầu dùng để thái thuốc nam.

Đền Bia là một trong 3 địa danh của huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền Bia được xây dựng trên doi đất hình con dao cầu dùng để thái thuốc nam.

Tôi đã viết bài thơ về điều đó, bài Tuệ Tĩnh, khi báo Văn Nghệ đăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước. Rất nhiều người đã gửi thư, điện thoại cho tôi và viết bài đăng lên các báo, hưởng ứng bài thơ, mong Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tìm cách đưa hài cốt Đại Danh y về nước. Khi báo đăng bài thơ của tôi chưa về đến Quảng Ninh, tôi đã nhận được điện thoại hoan nghênh và ủng hộ rất nhiệt tình của nhà thơ, bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống. Tập đoàn Mai Linh qua Nhà văn Nguyễn Gia Nùng từ TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Nếu Bộ Y tế lập đoàn tìm mộ và đưa hài cốt của Đại Danh y về nước, tập đoàn sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí chuyến đi…  Đó là một cử chỉ văn hóa thật sự cao đẹp và vô cùng cảm động.

Bài thơ của tôi như sau:

TUỆ TĨNH

Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây

Xin đưa hài cốt tôi về với…”.

Lời ông khẩn cầu lúc lâm chung

Đã khắc vào đá

Đặt trên mộ

600 năm

Mưa nắng Giang Nam không mòn được

Trời đất Trung Hoa sương khói mịt mùng…

Bao người nước Nam đã qua đây

Đọc lời ông trong cỏ rối

Còn thấy bia đá đẫm nước mắt

Nhưng không một ai nghĩ đến việc đưa ông về

Hài cốt ông

Lặng lẽ tan trong hoang lạnh

Đất xứ người

Hài cốt ông

Lặng lẽ tan trong hoang lạnh

Đất xứ người…

Đêm khuya

Đọc Nam dược thần hiệu của ông

Bộ sách cứu đời, cứu người

Thấy dáng ông phảng phất trong chữ

Nghe văng vẳng đâu đây câu nói ấy

Lòng tự nhiên lạnh buốt

Nước mắt tôi nhoè ướt

Tôi bồi hồi thở than một mình

Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ

Dửng dưng…

Tôi bồi hồi thở than một mình

Chỉ có vầng trăng nghiêng bên cửa sổ

Dửng dưng…

Cỏ cây ơi

Có lẽ chỉ còn Em là vẫn nhớ lời Người

Ngày ngày thổi lên thành gió

Ngọn gió về quê từ nấm mộ

La lả cành mềm ngoài cửa sổ

Vẫn gọi thầm…

Nào biết có ai nghe…

Hồn ông thành ngọn gió

Bay suốt nước Nam

Đêm đêm đập vào từng cánh cửa

Mỗi ngôi nhà…

Nào biết

Có ai nghe…

Hồn ông thành ngọn gió

Bay suốt nước Nam

Đêm đêm đập vào từng cánh cửa

Mỗi ngôi nhà…

Nào biết

Có ai nghe…

Bài đã được GS.TS. Trung Hoa, ông Phùng Trọng Bình dịch sang tiếng Trung và xuất bản trong tuyển tập thơ của tôi tại Bắc Kinh năm 2014.

Câu nói nổi tiếng của Tuệ Tĩnh đã ghi ở trên, được biết đến sau chuyến đi lịch sử này.

Nguyễn Danh Nho người cùng họ, cùng làng với Tuệ Tĩnh, cho thửa một phiến đá tương tự như thế, rồi thuê thợ khắc chữ y như bản dập, đưa bia lên thuyền chở về làng. Khi thuyền chở bia chỉ còn cách làng một đoạn sông thì mắc cạn, thuê bao người kéo đẩy cũng không được. Nguyễn Danh Nho bước lên bờ và kinh ngạc nhận ra, cái doi đất con thuyền mắc cạn ấy, giống như con dao cầu thái thuốc của Tuệ Tĩnh, bèn cho là điềm giời, là chính ý muốn của Tuệ Tĩnh cho dừng bia ở lại đây chăng…

Nguyễn Danh Nho cho khiêng bia đá lên bờ và cho xây luôn một cái miếu để bia vào trong đó. Tôi đã đứng lặng hồi lâu trên cái doi đất hình con dao cầu thiêng liêng ấy mà cảm nhận cái lẽ vi diệu của trời đất, nơi từng sinh ra các thiên tài…

Không biết từ bao giờ, cái miếu ấy đã thành đền, dân gian gọi là đền Bia, đền Tuệ Tĩnh, thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh…


Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Ý kiến của bạn