Ngày 27/10/2016, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Ðược từ trần. Có một bức điện chia buồn được đánh từ Thủ đô Athens, ký tên “Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”. Tên ghép Hy Lạp và Việt Nam đã gợi lên nhiều sự quan tâm, chú ý. Vậy ông là ai? Người viết bài này may mắn có điều kiện gặp được nhà báo lão thành Ðặng Minh Phương, 87 tuổi, nguyên Trưởng ban đại diện báo Nhân Dân tại miền Trung. Cụ Ðặng Minh Phương có tình bạn lâu dài, thân thiết với chính người đánh bức điện và cụ đã kể về cuộc đời hoạt động của người bạn ấy...
Mắc nợ một điệp viên
Cụ Đặng Minh Phương cho biết: “Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập hơn tôi 1 tuổi, sinh năm 1927, hiện đang sống cùng vợ con ở Thủ đô Athens, Hy Lạp. Đầu năm 2011 Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập về Hà Nội để dự buổi lễ trao quốc tịch Việt Nam (ông mang hai quốc tịch Hy Lạp và Việt Nam), tuy đã già yếu, song còn minh mẫn, khi rời diễn đàn ông nói vui với chúng tôi: Bây giờ tôi là công dân Việt Nam xịn rồi nhé. Quả là ông đã có quá nửa đời người sống, chiến đấu ở Việt Nam”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp thân mật cụ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập tại nhà riêng ở Hà Nội (tháng 3/1996).
Đầu năm 1946, anh lính trẻ Kostas Sarantidis thuộc Trung đoàn Lê dương số 2 (2 REI) đổ bộ vào Sài Gòn, sau đó là các tỉnh Trung Trung Bộ. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, anh tận mắt chứng kiến nhiều vụ cướp bóc, chém giết, cưỡng hiếp tàn bạo của đội quân viễn chinh. Chỉ 4 tháng sau, anh đã có một quyết định dứt khoát, từ bỏ đội quân phi nghĩa gia nhập Việt Minh. Trong những ngày đó, số phận run rủi cho anh gặp Lily Mai Lê, một điệp viên của Việt Minh đóng vai vợ một sĩ quan Pháp. Lily Mai Lê đã khôn khéo bày cách cho anh chạy sang chiến tuyến bên kia. Sau đó ít lâu cô bị lộ, địch đã thủ tiêu. Sự hy sinh thầm lặng của Mai Lê làm người lính phản chiến vô cùng khâm phục, anh luôn coi cô như một nữ anh hùng của phong trào kháng chiến. Ngày 4/6/1946 tại Mũi Né, Phan Thiết, Kostas Sarantidis đào thoát với người bạn Tây Ban Nha là Santos Merinos, đồng thời tìm cách giải cứu cho 25 cán bộ, đồng bào ta bị địch bắt, cùng họ mang theo một số súng đạn về với hàng ngũ kháng chiến. Rồi anh được một chỉ huy đội quân Nam Tiến đặt cho tên Việt là Nguyễn Văn Lập; người bạn Tây Ban Nha của anh cũng có tên mới: Nguyễn Văn Vĩ, về sau đã hy sinh ở chiến trường Lào. Nguyễn Văn Lập trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5, buổi đầu trong “Đội quân lá mít” (tên người dân đặt cho Tiểu đoàn 365, thuộc Trung đoàn 803, do bộ đội hay cài lá mít ngụy trang sau lưng). “Đội quân lá mít” quần nhau với địch trên đường 21 Bis Nam Tây Nguyên gây cho chúng nhiều tổn thất. Và Nguyễn Văn Lập đã trở thành một xạ thủ trung liên nổi tiếng. Trong trận Hương An - Bà Rén (Quảng Nam) anh bắn đỏ cả nòng, góp phần đập tan trận càn lớn của địch. Còn một trận đánh mà anh lập được chiến công bất ngờ. Hôm đó là ngày đầu tháng 11/1948, đơn vị trú gần nhà ga Phú Cang. Đang ăn trưa tại sân nhà ông Chánh Ba. Một chiếc Morane (còn gọi là Bà già) bay rất thấp, ào qua đầu. Ngờ đâu sau ít phút nó quay lại. Trong khi anh em đều chĩa súng trường lên trời bắn vút đuôi, thì Kostas Nguyễn Văn Lập to cao như hộ pháp, nhanh như chớp chộp khẩu trung liên Bơren “đầu bạc” vừa thu được của địch trong trận Cẩm Phô, lia trọn một băng đuổi theo máy bay. Bỗng “Bà già” đuôi phụt khói đen, lảo đảo bay về phía xa. Đến chiều, dân quân Quế Sơn mới áp giải đến 3 tên sĩ quan Pháp. Thì ra, chiếc máy bay do thám đó trúng đạn bị thương, buộc phải hạ xuống một bãi cát phía Bắc Hương An, những tên này bị tóm gọn. Tại đây, bọn tù binh rất ngạc nhiên khi thấy người bắn rơi chúng, hỏi cung chúng lại là một... ông Tây. Giữa năm 2010, trong một lần trở lại Việt Nam, Kostas Nguyễn Văn Lập tuổi đã ngoài 80 vẫn nhớ đến cụ chủ nhà ở gần ga Phú Cang, tìm đến nơi thì chủ nhà đã khuất núi từ mấy năm trước. Nhìn bộ phản gỗ kê ở góc nhà, Kostas Nguyễn Văn Lập ngậm ngùi bảo: Bao năm rồi mà chỗ tôi nằm vẫn còn đây.
Người dưới nước, người trên bờ
Ngoài tiếng mẹ đẻ, Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập còn thạo tiếng Đức, Pháp, Ý. Thời chống Pháp ông được phân công làm công tác địch vận. Ông nhiều lần cùng du kích luồn vào đồn giặc, bắc loa kêu gọi binh lính bỏ ngũ. Ông còn có sáng kiến trong khi địch vận, đã kể câu chuyện về chính mình, tại sao lại bỏ ngũ cho lính Lê dương nghe để họ hiểu về bộ đội Việt Minh. Có lần ông vận động được cả một bốt lính người Angiêri mang vũ khí ra hàng. Ông còn hai lần đưa toán hàng binh Âu - Phi từ Khu 5 vượt Trường Sơn ra miền Bắc an toàn. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, riêng ông đã cảm hóa được 40 binh sĩ địch trở về với chính nghĩa. Đầu năm 1949, Trung đội trưởng Kostas Nguyễn Văn Lập vinh dự được đứng trong đội ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc Tiểu đoàn 365 Phú Yên. Những năm 1952-1954, ông được đích thân Chính ủy Quân khu 5 Nguyễn Chánh giao nhiệm vụ mới: Tổng Giám thị trại tù binh ở Quảng Ngãi có hàng trăm tù binh Âu - Phi.
Còn chuyện này, xảy ra ở gần bến cảng Phù Mỹ (Bình Định). Biết địa điểm một tàu chiến địch bị chìm, ông chủ động bàn với anh em tìm cách lặn xuống tìm vũ khí. Đồ lặn không có, ông mới nghĩ ra cách đội mũ cao su, bít phía cổ chỉ để một lỗ thông hơi dòng theo dây nhựa từ bờ. Một anh du kích trẻ măng, trắng trẻo, dong dỏng cao sốt sắng đến hỗ trợ nhóm. Ông liền nhờ anh chạy đến xưởng sửa chữa ôtô mượn cái bơm, rồi bày cách cho anh đứng trên bờ, bơm liên tục không khí (ôxy) qua ống nhựa dẫn xuống nước cho “thợ lặn”. Bằng cách thô sơ đó, Kostas cùng anh em thay nhau mò vào tận trong thân tàu, vớt lên được một đống súng đạn. Sau ngày nước nhà thống nhất, có dịp trở lại Việt Nam Kostas Nguyễn Văn Lập mới biết, người trên bờ liên tục bơm khí cho người dưới nước lặn dạo nào, chính là đồng chí Trương Quang Được, đã giữ nhiều trọng trách ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội. Và khi biết tin đồng chí Trương Quang Được qua đời, cụ đã bảo người con gái ra bưu điện đánh bức điện vĩnh biệt người bạn chiến đấu năm xưa.
Cụ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập và nhà báo lão thành Đặng Minh Phương (Đà Nẵng, tháng 1/2011).
Cầu nối hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam
Cuối năm 1954, Kostas Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc, công tác tại sân bay Gia Lâm, là Trung đội trưởng Trung đội Cung tiêu vận tải. Ra quân, ông còn làm nhiều nghề như: phiên dịch cho chuyên gia Đức ở Nhà máy in Tiến bộ, Hà Nội; lái xe tải ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng; mỏ than Na Dương, Lạng Sơn và còn cả đóng phim, sắm vai sĩ quan Pháp trong phim Cù Chính Lan...
Ngày ra miền Bắc, lần đầu tiên ông viết thư về cho mẹ ở quê hương Hy Lạp. Ít lâu sau có hồi âm. Mẹ viết tưởng con trai đã chết, nên 10 năm nay mẹ toàn mặc đồ đen. Cuối thư còn căn dặn: “Mẹ mong con trở về để vuốt mắt cho mẹ”. Kostas Nguyễn Văn Lập có bà vợ đầu ở Phan Thiết, lấy nhau được một thời gian ngắn bà bị bệnh mất, không có con. Sau tập kết, ông quen một thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp và hai người kết hôn, được 4 con, 1 trai 3 gái. Năm 1965, Nhà nước ta cho phép ông cùng vợ con hồi hương về Hy Lạp. Những năm tháng đầu trở lại quê cha đất tổ, gia đình Kostas gặp vô vàn khó khăn thiếu thốn, nhưng không lúc nào ông không nghĩ đến quê hương thứ hai Việt Nam và đã có nhiều việc làm thiết thực. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt thành lập Hội Việt kiều yêu nước. Ông cũng nhiều lần vận động Việt kiều quyên góp, rồi trực tiếp mang tiền về Việt Nam ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và đồng bào bị thiên tai. Ông viết 2 cuốn hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” bằng tiếng Hy Lạp (đã được dịch một phần sang tiếng Việt), sau đó trực tiếp mang đi bán ở nhiều nơi, gom được 2.700euro (tương đương 70 triệu VNĐ), ông mang cả về thành phố Đà Nẵng góp vào quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam...
Những năm gần đây, mặc dù tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhiều, cụ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập vẫn ngày ngày chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, cụ thường bảo có khỏe mới đi về “Tổ quốc thứ hai” được. Có lần cụ được là thành viên đoàn đại biểu Chính phủ Hy Lạp chính thức thăm Việt Nam. Do những đóng góp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đầu năm 2013 cụ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Cụ là chiến sĩ quốc tế đầu tiên, đến nay là duy nhất nhận vinh dự này. Hôm đó, cụ được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao huân chương và bằng, nhận rất nhiều bó hoa tươi cùng lời chúc mừng từ những người bạn chiến đấu năm xưa. Cụ nghẹn ngào nói: Các bạn khen tôi làm tôi ngượng lắm đấy. Tôi xin hứa luôn xứng đáng với danh hiệu anh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng là công dân gương mẫu của hai nước Hy Lạp - Việt Nam!