Người Đàng Hạ từ giã đời sống đốn củi, đốt than
Người Đàng Hạ (hay còn gọi là xóm người Đàng Hạ/tộc người Đàng Hạ ở xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm lọt thỏm giữa khu vực Vịnh Vân Phong, một bên là dãy núi Khải Lương, một bên là biển cả mênh mông.
Ngày mới hình thành, cách đây hàng trăm năm, xóm người Đàng Hạ có tập quán tự cung, tự cấp, lên núi Khải Lương chặt củi, đốt than để đổi lấy lương thực. Hôm nào không đi đốn củi thì tự kiếm rau rừng để ăn, muốn cải thiện thì ra bãi biển bắt thêm ốc, ai ốm đau cũng chủ yếu chữa bệnh bằng lá cây. Để có nước ngọt uống, người Đàng Hạ tìm nơi cát mịn, đào xuống khi nào nếm thử thấy nước mát lành thì uống chứ chưa có đào được giếng như hiện nay. Người Đàng Hạ có nước da ngăm đen, tóc xoăn, mũi tẹt, môi dày, đặc biệt, bàn chân của người Đàng Hạ to bè hơn hẳn những cư dân khác sinh sống quanh vùng biển ở xã Vạn Thạnh.
Theo những cao niên ở Đàng Hạ, ngày xóm Đàng Hạ mới hình thành chỉ có 6 nóc nhà rất tạm bợ, đến năm 1999 thì được địa phương hỗ trợ làm nhà xây. Tổ tiên của tộc người Đàng Hạ đến nay vẫn là ẩn số, người làng truyền kể với nhau rằng, có thể xưa kia một nhóm người từ vùng đất xa xôi dạt vào quần tụ. Hoặc là một nhóm người dân tộc thiểu số từ Bình Định kéo nhau đến dựng chòi sinh sống và lâu ngày thì thành làng.
Hiện nay, một trong những người hiểu nhiều chuyện nhất về gốc tích người Đàng Hạ là ông Nguyễn Bảy (gần 80 tuổi).
Ông Bảy kể rằng: "Có một số người lớn tuổi hơn thì đã mãi về với thế giới bên kia, còn tôi là người già nên mỗi khi có khách xa đến tìm hiểu về tộc người bí ẩn này đều gọi đến tôi. Tôi cũng không biết chính xác mình thuộc dân tộc gì, người làng cũng thế. Chỉ biết các thế hệ đi trước dặn lại, con trai thì lấy họ Đinh, con gái thì lấy họ Trần. Ai hỏi dân tộc gì thì bảo người Đàng Hạ hoặc dân tộc Đàng Hạ. Mãi về sau này làm một số giấy tờ, nhiều người đổi họ nên tôi cũng chuyển sang họ Nguyễn và ghi là dân tộc Kinh luôn".
Trải qua thời gian, người Đàng Hạ bước vào cuộc sống văn minh, dần từ bỏ tập quán cũ, chấm dứt việc đốn củi, đốt than, chuyển sang làm nghề chài lưới và hòa nhập với đời sống mới, như những xóm làng người Kinh bình thường khác.
Vươn lên ấm no
Nhìn những đổi thay của xóm Đàng Hạ, ông Võ Thành Trung (60 tuổi, người được chọn ra quản lý tộc người Đàng Hạ) chia sẻ: "Chính tôi cũng chẳng biết gốc gác mình thuộc dân tộc gì nhưng thấy đời sống ngày càng văn mình thì rất hạnh phúc. Từ mấy nóc nhà, đến nay xóm người Đàng Hạ đã có trên 50 hộ dân. Bắt nhịp với dòng chảy của cuộc sống, thế hệ trẻ ở Đàng Hạ bây giờ đều ghi trong giấy tờ là dân tộc Kinh. Ở đây chúng tôi sống như một đại gia đình, vui buồn nhà này cũng là vui buồn của nhà khác, không ganh ghét, đố kỵ nhau gì cả. Xuất thân từ đâu không còn quan trọng, từ vùng đất nào dạt tới đây thì tất cả giờ thành xóm với nhau rồi, xem đây là quê hương. Người khỏe mạnh giúp người yếu, người có điều kiện khá thì giúp người còn khó khăn hơn. Xưa kia ở biển nhưng người Đàng Hạ vẫn sợ ra khơi, sợ những trận cuồng nộ của sóng, nhưng rồi trải qua những tháng năm dài được biển bao bọc, người Đàng Hạ đã tự tin ra khơi để đánh bắt tôm, cá, người có điều kiện hơn thì nuôi trồng thủy sản lồng bè.
Người lớn dần đổi thay, lũ trẻ ở Đàng Hạ cũng đổi thay, ham học như trẻ con ở thị trấn, thành phố, các thầy - cô giáo bớt phải phải nhọc công sớm tối đi vận động.
"Em nào đến tuổi thì được ghi danh sách đưa đến trường, các đợt tiêm chủng thì nhân viên y tế đến hướng dẫn tận tình đi tiêm, việc chăm sóc sức khỏe rất được chú trọng. Mỗi năm học, một học sinh còn được nhà nước cấp 140kg gạo, hỗ trợ tiền xe cộ đến trường", ông Võ Thành Trung thổ lộ.