Hà Nội

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh còn xa ngái

16-05-2022 09:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Với những người dân xóm nghèo chạy thận, ở Hà Nội mong mỏi có đủ kinh phí để duy trì các đợt lọc thận định kỳ đến cuối đời còn khó khăn.

Còn người là còn của…

Trên đường vào xóm chạy thận tại con đường Lê Thanh Nghị đối diện BV Bạch Mai, chúng tôi bắt gặp chị Hà Thị Bích Liên (Yên Bái) đang bước từng bước khó nhọc trở về khu trọ. Sự mệt mỏi sau ca chạy thận khiến chị suy kiệt hơn, đi được vài bước chân chị lại đứng dựa tay vào tường nghỉ một lúc, đoạn đường ngắn chừng 50m mà phải dừng nghỉ nhiều lần mới về được đến phòng trọ.  

Sau khi vào phòng, với tay chị tu liền một lon nước tăng lực, chị nói "đây là thần dược của bệnh nhân chạy thận", sau mỗi lần chạy đều phải có cái này mới khỏe, tỉnh táo được. Loại nước này bác sĩ không khuyến cáo dùng, nhưng không có nó chắc các chị không trụ được, những người chạy thận ở đây ai cũng phải mua mỗi người vài lốc dự trữ dần. Nói rồi chị chỉ các lon nước đang vương vãi trên sàn, 5 lon cho 5 ngày chạy thận của chị đó.  

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 1.

Lối vào khu vực phòng trọ của chị Liên.

Sau một hồi ổn định tinh thần chị kể, chị phát hiện bị suy thận từ 3 năm trước. Ban đầu cảm thấy trong người khó chịu, ngửi mùi thức ăn là buồn nôn, sau đó ăn gì nôn đó. Lo lắng bị ung thư dạ dày, vợ chồng chị đến một phòng khám tư thăm khám. Sau khi kể các dấu hiệu, bác sĩ nghi ngờ chị bị suy thận và cho làm các xét nghiệm, kết quả là suy thận độ cuối. Hai vợ chồng lại đến bệnh viện tỉnh khám lại cũng là chẩn đoán đó.

Không tin là vợ mình mắc bệnh hiểm nghèo, chồng chị khuyên lên BV Bạch Mai khám lại cho chắc chắn. Tại đây sau thăm khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện lọc máu ngay. Hai vợ chồng vô cùng suy sụp. Mới đầu do chưa có kinh nghiệm chạy thận, chị phải cấp cứu suốt do nước tràn vào phổi không thở được, sau này được những người chạy thận trước đó chỉ bảo, chị dần có kinh nghiệm hơn, không còn phải cấp cứu nữa.

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 2.

Chị Liên mệt mỏi nằm nghỉ sau khi đi chạy thận định kỳ về.

Sau khi ở chăm vợ được ít tháng, chồng chị quay trở về quê để tiếp tục công việc. Từ đó mình chị lăn lội tại đây để chữa bệnh. Chị tâm sự, anh thương vợ lắm, để chị một mình ở đây cũng không yên tâm nhưng nhà còn hai đứa con nhỏ, đứa con đầu bị tim bẩm sinh cần phải có sự chăm sóc của bố, với lại anh cũng phải về đi làm để còn lo kinh tế.  

Trước đây chị làm công nhân ván ép, chồng chị làm lái xe tự do tuy không giàu có nhưng cũng đủ trang trải các chi phí trong nhà. Nhưng từ ngày chị phát hiện bệnh, mọi việc đều do anh cáng đáng, ai thuê gì anh cũng làm, miễn có tiền để chữa bệnh cho vợ con.

Rồi chị kể, đứa con đầu của chị đang có chỉ đinh lắp van động mạch phổi, cách đây mấy hôm cháu nôn ra máu, hai bố con đưa nhau lên BV E cấp cứu, đến viện thăm con, thấy bố cũng như con người đầy máu me, lúc đó không biết làm gì chỉ biết đứng khóc. Thương con, thương chồng và thương cho số phận hẩm hiu của gia đình mình.

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 3.

Bữa cơm đạm bạc của những người dân xóm chạy thận.

Đã nhiều lần chị ngỏ ý với anh, trở về trên quê để điều trị vừa là để gần gia đình cũng là để tiết kiệm chi phí hơn, nhưng anh nhất quyết không cho vì muốn chị chạy thận dưới Hà Nội để có thuốc tốt hơn, bác sĩ giỏi hơn, chị sẽ sống được lâu hơn.

"Anh chỉ sợ mình chết thôi. Anh bảo, anh không cần em làm gì hết, chỉ cần em sống, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy nhau là được rồi, vất vả bao nhiêu anh cũng chịu được, còn người là còn của, em cứ yên tâm điều trị…." chị Liên tâm sự.

Do vậy từ ngày chạy thận đến nay, sáng nào hai vợ chồng cũng gọi điện hỏi han sức khỏe của nhau. Hễ thời gian trong ngày rãnh rỗi lúc nào anh cũng gọi điện hỏi thăm vợ.

Tuy nhiên, đứa con gái thứ hai của chị lần nào gọi về cháu cũng khóc, từ lúc 3 tuổi cháu phải xa mẹ, thương con thiệt thòi, nên cố gắng khi nào khỏe chị đều tranh thủ về thăm con. Nhưng sau một vài lần về mệt quá chỉ nằm không chơi được với con, con biết mẹ bệnh cũng không dám làm phiền mà chỉ quẩn quanh bên giường, nhiều lần như thế chị không dám về nữa. Chị bảo về nhà thấy mình như vậy, sợ bố con nhìn thấy còn buồn hơn, do vậy sau này những ngày lễ Tết chị cũng ít về hơn. Chỉ dám gọi điện nhưng gọi điện con khóc bảo nhớ mẹ mình cũng rất xót xa.

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 4.

Khu vực nấu nướng tại xóm trọ của chị Liên.

"Nhiều lần gọi điện, đêm muộn cũng thấy chồng đang làm việc, thương chồng những lúc như vậy chỉ muốn chết quách cho xong để chồng chỉ tập trung lo cho con, nhưng rồi lại sợ…. ".

Cuối câu chuyện chỉ bảo, "Mong ước của tất cả những người chạy thận là khỏi bệnh nhưng chị biết ước mơ này là xa vời bởi căn bệnh này chỉ có ghép thận, mà tìm được thận tương thích đã khó, mà nếu có tìm được cũng không có tiền mà ghép. Thôi thì được ngày nào hay ngày đó, giờ chỉ mong sắp tới cuộc phẫu thuật lắp van động mạch phổi của con trai thành công, cháu sẽ khỏi bệnh, không bị những cơn đau hành hạ nữa và mong anh luôn khỏe mạnh để là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình, như vậy là chị đã an tâm và mãn nguyện rồi".

Mong ước khỏi bệnh còn xa...

Rời khỏi phòng chị Liên, tại lối hành lang chật hẹp, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Hiền (30 tuổi, Bắc Giang) đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều.  Hiền cho biết, đã chạy thận tại đây 10 năm, và chị kể về hành trình chữa bệnh của mình.

Cuối năm 2011, khi đang đi làm tại Bắc Ninh, thấy người mệt mỏi nhiều, sau đó là nôn, không ăn được gì, Hiền đi khám thì được chẩn đoán suy thận độ 3, tuy nhiên lúc đó vì không có tiền chữa nên đành cố gắng cầm cự, mãi đến năm 2012 khi các dấu hiệu ngày càng nặng, Hiền mới lên Hà Nội chạy thận. Từ đó đến nay, em gắn bó với khu trọ này.

"Lúc đó, người em gầy tong teo, mặt nổi chi chít các nốt, bụng chướng to, người không có chút sức sống… Ai cũng nghĩ em không thể qua khỏi. May mắn hoàn cảnh của em khi đó, nhiều báo đài biết đến đưa tin nên được các mạnh thường quân giúp đỡ nhiều, em có thuốc tốt điều trị nên mới sống được đến ngày hôm nay", Hiền nhớ lại.

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 5.

Cánh tay chi chít những vết kim truyền của Hiền sau 10 năm chạy thận.

Sau đó, Hiền kể về hoàn cảnh gia đình. Gia đình em buồn lắm, em không có bố, lúc em được 2 tuổi thì mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, kể từ đó em cứ lang thang trong xã, sau đó em được anh trai của mẹ nhận nuôi cho ăn học hết lớp 12, vừa đi làm được hai năm em phát hiện bệnh.

Lúc em tầm 12 tuổi, mẹ liên lạc về. Sau này, em bị bệnh nhưng mẹ cũng không giúp đỡ được nhiều, bởi gia đình bên kia của mẹ cũng không khá giả gì lại còn các em nữa, đã nhiều tháng nay hai mẹ con cũng không còn liên lạc với nhau.

10 năm trời chữa bệnh tại đây em chỉ có một mình, khi trái gió trở trời, cơ thể có vấn đề gì đều nhờ mọi người xung quanh. Hầu như tất cả ở đây đều như vậy.

"4 năm đầu chữa bệnh em không về quê, sau này khỏe hơn em mới về, mà cũng rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lâu không về nên mối quan hệ với anh em họ hàng cũng không còn thân thiết như xưa" Hiền nói.

Người dân xóm chạy thận: Ước mơ khỏi bệnh là điều xa vời - Ảnh 6.

Người dân xóm chạy thận nhặt nhạnh thêm các loại giấy vụn bán kiếm tiền để trang trải chi phí.

Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, sức khỏe của em dần tốt hơn, em đi làm thêm như phụ bán bán hàng, phục vụ quán cà phê… nhưng mệt quá cũng không trụ được lâu đành xin nghỉ. Bây giờ, may mắn có xe máy nên em nhận đưa đón các bác đi chạy thận ở xa, cùng với thỉnh thoảng bác trên quê và các mạnh thường quân hỗ trợ, em cũng đủ kinh phí chi trả hàng tháng.

Ở đây, đồ ăn thức uống hàng tuần đều có các mạnh thường quân hỗ trợ, em chỉ tốn tiền phòng trọ và tiền thuốc hỗ trợ thêm như huyết áp, hay thuốc bổ...

Em cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất có thể, vì không thể cứ trông chờ mãi vào sự giúp đỡ của mọi người, gia đình bác trên quê cũng khó khăn, bác trai đã mất chỉ còn bác gái cũng đang bị suy tim, lại đèo thêm một chị đầu óc cũng không được minh mẫn lắm. Tuy nhiên khi nào xin thì bác vẫn cố gắng chu cấp, nhưng bác nuôi cho được đến bây giờ là đã tốt lắm rồi nên em cũng không đòi hỏi gì.

Khi hỏi đến ước muốn sau này, Hiền chùng giọng, ước muốn tương lai thì có, tuổi này rồi cũng mong muốn có một gia đình nhỏ của riêng mình nhưng đó cũng chỉ là mơ ước thôi, bởi bản thân như thế này rất khó tìm được người song hành và cảm thông với hoàn cảnh, còn ước mơ chữa khỏi bệnh thì không dám nghĩ đến…

Điều em lo lắng nhất lúc này là các dãy nhà trọ lụp xụp đang dần được phá bỏ để xây dựng các ngôi nhà mới kiên cố hơn. Ai cũng muốn những ngày cuối đời được ở trong căn phòng trọ đẹp đẽ, nhưng kèm theo đó là nỗi lo chi phí thuê nhà tăng cao, đang ở trong khu trọ này mà phải co kéo mãi mới đủ để trang trải, nếu ở căn phòng mới khang trang hơn liệu có trụ được không.

Nhiều người chạy thận tại đây đã tìm đến nơi khác có giá thuê mềm hơn để ở, em cũng không biết mình còn ở lại đây được bao lâu nữa.

"Với các bệnh nhân hiểm nghèo ở tỉnh xa, ngoài nỗi lo về chi phí điều trị, điều họ lo lắng nhất là tìm được nơi cư trú phù hợp. Hy vọng nhà nước sẽ có chính sách giúp các bệnh nhân nghèo ở tỉnh lẻ  có một nơi cư trú ổn định để yên tâm điều trị" Hiền trải lòng cuối câu chuyện.

Những đứa trẻ lấy bệnh viện làm nhà...Những đứa trẻ lấy bệnh viện làm nhà...

SKĐS - Những đứa trẻ tay cắm kim truyền vẫn vô tư vui đùa, ánh mắt trong trẻo hồn nhiên, giọng nói thơ ngây khi có ai hỏi chúng càng khiến cho người ta cảm thấy đau lòng hơn.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn