
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở xã Nghĩa Mai, lực lượng thú y phải chích điện, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nhiễm bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở Nghệ An nhưng nhiều hộ dân vẫn lén lút vứt lợn chết ra môi trường, kênh mương… gây ô nhiễm nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Nông dân xót xa tiêu hủy đàn lợn sắp xuất chuồng
Giữa tháng 7, cán bộ thú y xã Nam Đàn tất bật chuẩn bị dụng cụ khử trùng và phương tiện để tiêu hủy 25 con lợn nhiễm dịch tại trang trại ông Trần Văn Nam ở xóm Phong Sơn.
Hơn 20 năm làm nghề chăn nuôi, ông Nam cho biết, đây là lần đầu tiên chứng kiến tốc độ lây lan của dịch tả lợn châu Phi nhanh đến vậy. Chỉ trong vòng một tuần, cả hai trại lợn thịt của gia đình ông buộc phải tiêu hủy tổng cộng 48 con, ước tính thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng ở Nghệ An, khiến bà con nông dân chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
"Chỉ sau một đêm, gia đình tôi gần như trắng tay. Lợn sắp đến ngày xuất chuồng, bao nhiêu công sức, tiền của dồn vào giờ đành đổ sông đổ bể. Buồn, tiếc lắm... nhưng khi cán bộ đến, tôi chấp hành nghiêm việc tiêu hủy, chỉ mong Nhà nước có hỗ trợ để người dân vực dậy sau đợt dịch này", ông Nam nói.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, gia đình ông Phạm Văn Hiến, xóm Hoa Quân, xã Nam Đàn phải ngậm ngùi tiêu hủy 80 con lợn thịt do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đáng nói, số lợn này đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng, khiến thiệt hại càng thêm nặng nề.
Chuồng trại giờ vắng tanh, mùi vôi bột khử trùng còn xộc lên nồng nặc dấu tích của đợt tiêu hủy vừa diễn ra. Khoảng 30 con khác cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh, chờ xử lý tiếp.

Người dân xã Đại Đồng, báo chính quyền địa phương hỗ trợ đưa lợn bị dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy.
"Gia đình đầu tư nuôi hơn 280 con lợn, trong đó có 15 con nái, chuồng trại áp dụng quy trình khép kín, nguồn thức ăn kiểm soát kỹ, tiêm phòng đầy đủ… Thế nhưng vẫn không tránh khỏi dịch bệnh. Thiệt hại lần này là quá lớn", ông Hiến xót xa nói.
Lén lút vứt lợn chết ra môi trường
Ông Lê Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Quân cho biết, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu tái bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 và nhanh chóng lan rộng ra 22/28 xóm trong xã. Tính đến nay, địa phương phải tiêu hủy hơn 60 tấn lợn bệnh, với thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng.
"Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh và hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh. Từ đó nâng cao ý thức tự giác phòng chống, chủ động khai báo khi có dịch. Đồng thời, xã cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vứt lợn chết ra môi trường, ao hồ, kênh rạch", ông Tý cho biết.

Lợn sống cạnh lợn chết, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.
Theo lãnh đạo xã Hoa Quân, chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ người dân thực hiện tiêu hủy lợn bệnh đúng quy trình, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và ngăn chặn nguy cơ dịch lan rộng.
Dù dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp với hàng chục ổ dịch bùng phát tại Nghệ An, tình trạng người dân lén lút vứt xác lợn chết ra môi trường vẫn tái diễn ở nhiều địa phương. Thực trạng này không chỉ làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và môi trường sống xung quanh.
Tại xã Minh Châu, người dân đang hết sức lo lắng khi nhiều ngày qua liên tục xuất hiện xác lợn chết trôi nổi trên kênh N2, tuyến kênh chính phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân. Nhiều xác lợn đã phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.
"Lợn chết bị vứt xuống kênh, nước bẩn, ruộng đồng cũng chịu ảnh hưởng. Người dân ai còn dám lấy nước để tưới tiêu hay sản xuất nữa?", bà Trần Thị Thành người dân địa phương nói.
Ông Lê Thế Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết, chỉ trong tuần qua, địa phương phải thu gom và tiêu hủy ba đợt xác lợn trôi nổi trên kênh, mỗi đợt từ 1-2 con. Do các xác lợn đã phân hủy nặng, không thể xác định nguồn gốc, chính quyền buộc phải rắc vôi, phun hóa chất khử khuẩn và lắp lưới chắn dọc tuyến kênh để ngăn chặn tình trạng tiếp diễn.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền và siết chặt kiểm tra để người dân không tái diễn hành vi gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh như thế này", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều người dân tiếc nuối khi buộc phải tiêu hủy những con lợn lớn mắc dịch tả châu Phi.

Tính đến giữa tháng 7/2025, Nghệ An ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 xã.





Lợn bị dịch tả lợn châu Phi được chôn hố sâu, rắc vôi tránh nguy cơ bùng phát dịch.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Nghệ An, 25 xã có ổ dịch
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 xã.
Nguyên nhân khiến dịch bùng phát, kéo dài được xác định là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ cao, nhiều địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; ý thức của người dân còn hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng giấu dịch, vứt xác lợn ra môi trường gây lây lan. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nắng thất thường làm vật nuôi suy giảm sức đề kháng; tỉ lệ tiêm phòng vụ xuân 2025 cũng ở mức thấp.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để dịch phát sinh, lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng.