Người tiêm phòng dại tăng đột biến
Anh N.V.H. (trú tại TP Huế) khi đang bắt chó nhà để cho người khác nuôi bất ngờ bị chó cắn vào tay. Mặc dù một năm nước đã tiêm phòng bệnh dại, nhưng sau khi bị chó cắn, anh lập tức đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế để được các bác sĩ hướng dẫn.
"Chó nhà nuôi lâu nay không có chuyện cắn người và được tiêm phòng, không hiểu sao hôm nay khi tôi tiếp cận nó bất ngờ cắn vào tay. Sau khi xử lý vết thương ban đầu bằng cách rửa với nước sạch và xà phòng, để chắc chắn tôi nhờ hàng xóm chở tới đây để tiêm phòng", anh H. nói.
Anh H. là một trong rất nhiều người bị chó cắn phải đến CDC để tiêm vaccine phòng dại trong thời gian vừa qua. Theo thống kê của phòng khám Đa khoa (CDC Thừa Thiên Huế), từ đầu năm đến nay, người dân đến khám và tiêm vaccine phòng bệnh dại do bị chó cắn tăng đột biến, trung bình, mỗi ngày tiếp nhận 15-20 người.
Ths.BS Ngô Kim Nhã, Phó phòng khám Đa khoa (CDC Thừa Thiên Huế) cho biết, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên người đi tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn lại tăng cao, ở nhiều lứa tuổi, trong đó nhiều nhất vẫn là trẻ em và người lớn tuổi.
Theo Ths.BS Ngô Kim Nhã, người bị động vật cắn cần xử trí ban đầu bằng cách rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong vòng 15-20 phút. Sau đó, lau khô vết thương, sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn i ốt. Nếu vết thương rộng, chảy máu nhiều dùng băng gạc băng vết thương lại rồi đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn kịp thời.
"Người bị động vật cắn cần thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt không được đắp vết thương bằng bất cứ thứ gì theo phương pháp dân gian và không được chích, lể vết thương", Ths.BS Ngô Kim Nhã nói.
Quản lý chặt đàn chó mèo
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp và Nông thôn Thừa Thiên Huế) cho biết, toàn tỉnh có tổng đàn chó mèo khoảng 70.000 con. Tính đến ngày 22/4, ngành chức năng triển khai tiêm 55.935 liều vaccine dại cho đàn chó mèo. Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y cho biết, hầu hết người dân nuôi chó chưa chủ động kê khai vật nuôi cho chính quyền địa phương, nên việc thống kê và quản lý số hộ nuôi và tổng đàn chó mèo chưa chính xác, đầy đủ. Toàn tỉnh mới chỉ có xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) có quyết định thành lập tổ xử lý chó, mèo nuôi không chấp hành tiêm phòng bệnh dại, thả rông nơi công cộng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi Cục chăn nuôi thú y cho hay, cần quản lý, giám sát cũng như chăm sóc cho chó, mèo để tránh để tiếp xúc gây nguy cơ lây bệnh dại sang người. Người nuôi chó, mèo cần thực hiện khai báo việc nuôi với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại động vật theo quy định.
Bác sĩ thú y tiêm phòng dại cho đàn chó.
Ngoài ra, thực hiện nuôi nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường, vật nuôi phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông. Đồng thời, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
"Mọi người cần thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất", ông Hưng nói.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y cho rằng, chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý chó nuôi theo quy định, thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông.
Video: Chi cục Chăn nuôi thú y tuyên truyền, tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó mèo.