Hà Nội

Người dân thêm thu nhập từ mô hình xen canh dược liệu ở vườn cây ăn trái

25-09-2023 05:52 | Xã hội

SKĐS - Nguồn nguyên liệu chế biến thảo dược, dược liệu của tỉnh Sóc Trăng rất dồi dào, có nhiều tiềm năng để công ty, doanh nghiệp sản xuất dược liệu liên kết thu mua, chế biến thảo dược, dược liệu...

Sóc Trăng rất có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu, chẳng hạn như với cây bưởi, cam, quýt được trồng diện tích lớn (hàng trăm hécta) tại các địa phương. Các loại nông sản này ngoài dùng ăn tươi thì doanh nghiệp có thể dùng chế biến các loại tinh dầu dược liệu, rất tốt cho sức khỏe con người. 

Đối với cây gừng cũng được trồng nhiều tại các địa phương, để cung ứng thị trường chế biến thực phẩm. Riêng cây sả, cây đinh lăng, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có trồng, nhưng hình thức trồng là xen canh, nếu thống kê diện tích cũng khá lớn.

Cây dược liệu là một phần trong việc định hướng phát triển các loại cây của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng dược liệu ở tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân... Đồng thời, chưa có sự liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu.

Người dân thêm thu nhập từ mô hình xen canh dược liệu ở vườn cây ăn trái - Ảnh 1.

Cây sả - một trong những dược liệu được trồng nhiều ở Sóc Trăng.

Do đó, để phát triển trồng một số loại dược liệu có số lượng lớn, cần tập trung và trồng chuyên canh cần xây dựng một số vùng chuyên canh trồng các loài cây thuốc đang có nhu cầu lớn theo điều kiện sinh thái và địa lý, gắn chặt với công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra. 

Đi đôi với việc quy hoạch sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, các hộ nông dân về kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng dược liệu; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển dược liệu, hỗ trợ vốn, cây giống, cơ sở vật chất, miễn giảm thuế. Có như thế chắc chắn bà con nông dân Sóc Trăng sẽ mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại nông sản này, với diện tích lớn hơn nữa, khi tận dụng lợi thế sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương.

Tại Sóc Trăng, trong những năm gần đây, kinh tế vườn đã và đang phát triển mạnh tại một số địa phương, như: Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú, TX. Ngã Năm. Chính từ các vườn cây ăn trái đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân trồng xen canh một số loại cây dược liệu, giúp nhà vườn có thêm thu nhập…

Huyện Mỹ Tú chuyên sản xuất nông nghiệp nên nguồn nông sản rất lớn, trong đó có các loại cây có múi dùng chế biến tinh dầu dược liệu. Theo đó, tại huyện có hợp tác xã tận dụng vỏ cam chế biến trà, mứt, khi sử dụng sản phẩm trên sẽ góp phần phòng ngừa các loại cảm cúm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, có hợp tác xã sản xuất thảo dược, dù mới thành lập chưa lâu nhưng các sản phẩm như: tinh dầu sả, tinh dầu bưởi, cam, khuynh diệp, dầu tràm của hợp tác xã được rất nhiều khách hàng tìm mua, bởi hiệu quả trong việc phòng trị một số bệnh trên người. 

Vì vậy, hợp tác xã đã mở rộng vùng nguyên liệu hơn và liên kết với hộ dân bên ngoài diện tích hàng chục hécta, nhằm thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến dược liệu tại hợp tác xã. Qua đó, tạo tiền đề để người dân địa phương phát triển trồng các loại cây dược liệu khi có liên kết thu mua của hợp tác xã.

Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có nhiều loại nông sản có thể chế biến dược liệu như: cây bưởi, sả, gừng, cây nhàu, cây đinh lăng... Riêng với cây sả, cây đinh lăng, phần lớn hộ dân trồng xen canh trong các vườn cây ăn trái, dọc theo các tuyến bờ bao, tuyến đê. Nguồn nông sản này cung cấp cho các chợ dùng chế biến thức ăn. 

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 1 hợp tác xã  chế biến tinh dầu sả đạt chứng nhận 3 sao OCOP cho loại tinh dầu sả. Theo tôi, để phát huy hết tiềm năng từ các loại nông sản có thể chế biến các loại thảo dược, dược liệu và để phát triển diện tích này thì cần phải có công ty, doanh nghiệp đứng ra liên kết thu mua, chắc chắn địa phương sẽ đảm bảo nguồn nông sản dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp chế biến thảo dược, dược liệu đạt chất lượng tốt nhất.

Phát triển cây dược liệu – hướng thoát nghèo cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núiPhát triển cây dược liệu – hướng thoát nghèo cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi

SKĐS - Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.


Nam Anh
Ý kiến của bạn