Hà Nội

Người dân phải nhận thức PCCC là trách nhiệm

24-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt với thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay...

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt với thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ càng bức thiết hơn bao giờ hết. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội nhằm làm rõ những vấn đề liên quan xung quanh công tác PCCC trên địa bàn thành phố.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Phóng viên (PV): Những vụ cháy lớn liên tiếp trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra phức tạp, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Trong năm 2014 toàn thành phố vẫn xảy ra 166 vụ cháy nổ trong đó làm chết 18 người, bị thương 15 người và thiệt hại tài sản ước tính khoảng 23 tỷ đồng. Nguyên nhân để xảy ra cháy nổ, phần lớn là do ý thức, nhận thức về công tác PCCC của những người đứng đầu các cơ sở và người dân còn rất chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC nên để xảy ra những vụ cháy rất đáng tiếc. Đặc biệt, trong các vụ cháy nổ, nguyên nhân xuất phát từ sử dụng điện chiếm đến 60%. Bên cạnh đó, các điều kiện hạ tầng phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, một vấn đề nổi lên là giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, ngõ ngách, dây điện nhằng nhịt ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ. Ngoài ra, nguồn nước cho công tác này cũng còn thiếu, nếu tính theo quy chuẩn cứ 150m đường phải có 1 trụ nước chữa cháy thì Hà Nội còn thiếu khoảng 8.000 trụ.

PV: Để khắc phục tình trạng phòng chống cháy nổ đang có nhiều diễn biến phức tạp, ông có thể đưa ra một số giải pháp ?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Trước hết là phải nâng cao ý thức của người dân, tạo sự chuyển biến, phải coi đây là trách nhiệm của mình trong công tác PCCC thì lúc đó mới có tác dụng, lực lượng cảnh sát PCCC không thể làm thay được. Mặt khác phải làm tốt công tác quản lý nhà nước, công tác thẩm duyệt, cấp phép, cấp chứng nhận về PCCC,... được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, chặt chẽ ngay từ đầu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên liên tục. Xử lý kiên quyết các sai phạm, thậm chí xem xét trách nhiệm, xử lý trước pháp luật nhằm răn đe ý thức, chấp hành về PCCC. Đặc biệt, phải chú trọng kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp, hết sức coi trọng phương châm 4 tại chỗ, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, có huấn luyện đào tạo, trang bị công cụ phương tiện cần thiết, để khi xảy ra cháy thì lực lượng này có thể ứng cứu ngay được trước khi có lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và nhân dân đã kịp thời phát hiện, tổ chức dập tắt hàng trăm vụ sự cố, tham gia cứu chữa hàng chục vụ cháy góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy gây ra.

PV: Để đạt được hiệu quả mà cụ thể là làm giảm số vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và của như trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC cần làm gì để đảm bảo sự bình yên cho người dân?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Ngay từ đầu năm 2015, lực lượng cảnh sát PCCC đã xây dựng và triển khai chương trình công tác số 01 với 4 mục tiêu, yêu cầu và 10 nhiệm vụ giải pháp công tác trọng tâm đột phá để triển khai trong năm nay nhưng với mục tiêu cao nhất là phấn đấu làm sao để kiềm chế, giảm số vụ cháy trong thành phố từ 5-10%, đặc biệt là những vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với khẩu hiệu “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” chúng tôi đang xây dựng những biện pháp “lấy phòng ngừa là chính”. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, đã thanh kiểm tra, phúc tra 90.451 lượt cơ sở, phát hiện yêu cầu khắc phục 254.772 thiếu sót, tồn tại; lập biên bản xử phạt hành chính trên 16 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động một số đơn vị do không bảo đảm PCCC. Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung hướng tới cơ sở và người dân với các hình thức: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn; tổ chức nói chuyện; tổ chức ký cam kết; phát tờ rơi, cảnh báo, khuyến cáo đến từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị trường học…

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Trong 6 tháng đầu năm 2015, số điện thoại “114” đã tiếp nhận và xử lý trên 50.000 cuộc gọi, trong đó có gần 2.000 tin báo cháy; 34 tin yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có tổng cộng 1.901 trụ nước chữa cháy, 22 bể chứa nước (8 bể có dung tích 1.000m3; 14 bể có dung tích 50m3); 552/800 sông, ao, hồ xe chữa cháy có thể lấy nước. Ðã điều động trên 1260 lượt xe, trực tiếp cứu chữa 84 vụ cháy và xử lý gần 200 sự cố, tham gia cứu hộ, cứu nạn 34 vụ, cứu được 17 người; hướng dẫn thoát nạn cho 16 người. 100% các vụ cháy đều được tổ chức họp rút kinh nghiệm, qua đó công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng được nâng cao.

Trần Lâm (Thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn