Cách đây 1 tháng, anh N.V.H. (41 tuổi, ở Kỳ Sơn, Nghệ An) thường xuyên đi ngoài ra đoạn dây trắng ngắn, bụng đau lâm râm. Thấy bất thường, anh H. vào khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để được khám và điều trị.
Tại đây, các bác sĩ xác nhận “vật thể lạ” như sợi dây trắng mà anh H. mang đến chính là đốt sán xơ mít (còn gọi sán dây) nên cho bệnh nhân uống thuốc để xổ sán. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đi ngoài ra con sán dài… hơn 2 mét.
Sán xơ mít chui ra từ cơ thể của anh H.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, nguyên nhân mắc sán xơ mít là do người bệnh uống phải nguồn nước nhiễm bẩn, ăn phải các loại rau sống có trứng sán hoặc dễ gặp nhất là ăn thịt có nang ấu trùng sán xơ mít. Cụ thể, một đốt sán xơ mít rụng ra ngoài có chứa rất nhiều trứng sán, chỉ cần vô tình nuốt phải 1 đốt sán thì ấu trùng sẽ bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng.
Mặt khác, dưới đoạn cổ của sán sẽ sinh sản dài dần ra, đến khi đốt sán dài quá sẽ rụng từng đốt, theo phân ra ngoài và tiếp tục sinh sôi.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sán xơ mít khi ký sinh vào cơ thể người sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm. Tùy thuộc vào vị trí của chúng ký sinh sẽ gây ra các bệnh khác nhau. Thường sán xơ mít sống ký sinh ở ruột non và lấy chất dinh dưỡng làm thức ăn vì thế người bệnh thường đau bụng, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, thiếu máu... Trong trường hợp chúng ký sinh ở não, gan, cơ gây viêm não, viêm cơ, áp xe gan và thậm chí đe dọa tính mạng khi không được điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, thói quen ăn các món ăn tái, sống như gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống... rất có nguy cơ mắc các bệnh giun sán, trong đó có sán xơ mít. Nếu thức ăn nấu chín, sán sẽ chết hoàn toàn. Bởi vậy mọi người cần thận trọng trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi. Trong lúc chế biến thực phẩm nếu thấy trong thịt lợn có các nang ấu trùng giống như hạt gạo cần bỏ đi.
Nếu nghi ngờ có đốt sán trong phân, người dân nên đi khám để được điều trị sớm và triệt để nhằm ngăn ngừa biến chứng bệnh ấu trùng. Các bác sỹ sẽ có những chỉ định xét nghiệm chủ thể để xác định. Xét nghiệm phân và soi tươi dưới kính hiển vi tìm trứng sán. Chụp CT scanner não, chụp MRI khi có chỉ định can thiệp kỹ thuật vì cần độ chính xác cao, soi đáy mắt tìm hình ảnh và vị trí nang sán…
Để tránh bị nhiễm sán xơ mít, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, thận trọng khi mua các loại thịt, nếu phát hiện những biểu hiện bất thường thì nên tiêu hủy. Bên cạnh đó, khi ăn rau sống phải rửa nhiều lần dưới vòi nước, ngâm bằng nước muối trước khi sử dụng.
Người dân cũng nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trong trường hợp phát hiện ra triệu chứng: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rơi rớt các đốt sán ra ngoài quần áo thì nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra và điều trị.