Được biết, trước khi nhập viện ông U. có biểu hiện mệt, kèm theo ớn lạnh, được người nhà mua thuốc uống, nhưng không giảm. Gia đình đưa ông đến Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước để khám và điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi dại và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau đó, ông U lại được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, nhưng tử vong vào ngày 7.10.
Theo người nhà ông U, khoảng 3 tháng trước, ông U có bị con mèo của gia đình cắn vào ngón trỏ của bàn chân phải, chảy máu nhiều. Ít lâu sau, con mèo này bị con chó của gia đình ông U. cắn chết.
Sau khi bị mèo cắn, ông U. không đi tiêm phòng dại, cũng không sử dụng biện pháp chữa bệnh dân gian nào. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông U. dương tính với bệnh dại
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn người dân cần tiêm phòng để phòng chống bệnh dại (ảnh minh hoạ)
Hiện cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu từ con chó cắn chết con mèo để gửi Chi cục Thú y vùng 6, xét nghiệm bệnh dại.
Trước đó, khoảng một tháng tại huyện Tân Phú, Cà Mau cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Nạn nhân sinh năm 1972 trước khi tử vong cung có biểu hiện sốt cao, co giật. Nạn nhân được người nhà đưa đến BV điều trị nhưng đã tử vong trên đường chuyển viện. Người nhà của nạn nhân này cho biết, cách đây 2 năm (10/2017)nạn nhân bị chó nhà hàng xó cắn chảy máu nhẹ, tuy nhiên nạn nhân không đi tiêm phòng dại. Con chó cắn nạn nhân sau đó đã cắn chết một con mèo, sau vài ngày con mèo ấy đã bị chết và con chó thì đã bị giết thịt.
Theo thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau, tính từ ngày 14.9 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Đầu tiên: Rửa ngay, rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng virut xâm nhập nơi vết cắn.
Tiếp theo, dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Sau đó cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị.Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm phòng uốn ván và theo dõi con vật đã cắn.
Nếu sau 10 ngày mà chúng vẫn bình thường thì có nghĩa là khi cắn người nó chưa bị dại, không thể lây bệnh sang người. Tuy nhiên, nếu con vật phát bệnh, bị ốm hoặc bị chết (với bất cứ nguyên nhân nào) hoặc bỏ đi... thì cần phải tiêm phòng ngay.
Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục... phải tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không. Nếu đến tiêm muộn, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm hoặc không còn tác dụng. Ngoài ra, những người có nguy cơ bị nhiễm virut dại như: nhân viên thú y, chăm sóc thú rừng, làm trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virut dại... cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.