Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 1.

 SKĐS - Tết Nguyên đán Nhâm dần năm nay, không gian gia đình sẽ vắng bóng một trụ cột, những đứa trẻ chịu cảnh thiếu vắng ba để hàng trăm bệnh nhân nơi buồng bệnh được phục hồi và sự yên tâm đến với hàng ngàn gia đình người bệnh.

Khi khoảnh khắc chạm Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 chỉ còn tính bằng giờ, những cành đào, chậu quất đã yên vị trong không gian các gia đình thì ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, xã Kim Chung, Đông Anh, TP Hà Nội), sự tấp nập, khẩn trương đang diễn ra tại Khoa Hồi sức tích cực (viết tắt: Khoa HSTC).

Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 2.

Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) tất bật ngày cận Tết Nguyên đán.

Thời điểm này, Khoa HSTC đang có 6 ca bệnh COVID-19 nguy kịch phải can thiệp tim, phổi nhân tạo và gần 40 ca bệnh khác đang thở máy.

Vừa trở ra từ buồng mổ căng thẳng, kịch tính, BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi HSTC và đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm.

BS Đồng Phú Khiêm mắt sáng ngời, giọng vang lên rành rọt: "Thai phụ 29 tuần mắc COVID trở nặng và đặt ECMO em ạ! Định chờ tình trạng mẹ ổn định hơn mới mổ nhưng không được nữa, phải mổ sớm để tránh nhiễm trùng, cứu mẹ. Ca mổ thành công, giờ thì chỉ mong trời phù hộ cho cô ấy hồi phục tốt".

Đó là bệnh nhân N.T.T (39 tuổi), mắc COVID-19 và trở nặng khi đang mang thai 29 tuần tuổi, được chuyển lên từ tuyến dưới Nghệ An. Thời điểm nhập viện, chuyển đến Khoa HSTC, bệnh nhân T suy hô hấp nặng, thở máy, duy trì tim, phổi nhân tạo (đặt ECMO). Song tình trạng suy hô hấp nặng của bệnh nhân đã khiến thai lưu.

Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 3.

BS Đồng Phú Khiêm thông báo cho gia đình bệnh nhân T khi ca mổ vừa kết thúc.

Ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nên nguy kịch hơn, cuộc hội chẩn có sự tham gia của các bác sĩ Khoa HSTC, Khoa Gây mê, Khoa Ngoại (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ 2) và khoa Sản (BV Phụ sản Trung ương) đã diễn ra trong không khí khẩn trương và trong tích tắc, quyết định mổ bỏ thai lưu, cứu mẹ, tránh nhiễm trùng… được "ấn định".

Đây không phải là ca bệnh thai lưu duy nhất mà BS Đồng Phú Khiêm và đồng nghiệp tiếp nhận, xử lý. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, nhóm bệnh nhân nặng tại bệnh viện chủ yếu là phụ nữ mang thai, chưa hoặc không thể tiêm phòng vaccine COVID-19. Đặc biệt là nhóm phụ nữ mang thai có tuần tuổi càng cao thì nguy cơ chuyển nặng càng lớn.

Là Khoa HTSC, BS Khiêm và đồng nghiệp đặt trách nhiệm phải cứu cả mẹ lẫn con. Song, dù được can thiệp "hết nhẽ" với tim phổi nhân tạo, trang thiết bị, máy móc hiện đại nhưng số ít ca đã phải để lại sự tiếc nuối. Bởi những ca suy hô hấp, phải đặt ECMO, tỉ lệ sống ước tính chỉ còn dưới 20%.

Là ông bố của 3 con nên đứng trước những ca bệnh thai lưu, BS Khiêm và đồng nghiệp chỉ một tâm niệm "cố gắng, cố gắng bằng tất cả những gì đang có trong tay…". Đặc biệt là những trường hợp cao tuổi có thai hiếm muộn, mang thai nhờ can thiệp IVF.

Và để không xảy ra sự tiếc nuối với tất cả những ca bệnh đang được điều trị tích cực tại Khoa HSTC, BS Khiêm cùng "đồng đội" luôn dành khoảng lặng để rà soát, đánh giá từng bệnh nhân.

Bởi để điều trị được 1 bệnh nhân sẽ cần công sức của cả một tập thể trong thời gian rất dài và khi những kỳ tích đến với những ca ECMO, niềm vui hân hoan không chỉ lan tỏa trên khuôn dung những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà với những người khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng. Đó sẽ là niềm vui lớn nhất.

Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 4.

Trước khi diễn ra ca mổ thai lưu kịch tính, BS Khiêm chỉ vừa bắt đầu ca trực được ít ngày.

Cũng giống bao y, bác sĩ khác, để toàn tâm toàn ý cho công tác điều trị tại bệnh viện thì trước khi tiếp nhận đợt trực dài ngày, BS Đồng Phú Khiêm cũng phó mặc mọi việc gia đình cho "hậu phương".

Ngày lên đường, khi vừa chạm chân đến cổng bệnh viện cũng là lúc thông báo tin nhắn từ "hậu phương" vang liên tục. Những dòng tin gọn ghẽ nhưng lại khiến lòng BS Khiêm thắt lại: "Anh ơi, con ngủ dậy tìm ba, đòi bắt đền mẹ, vì con chưa ngủ dậy mà ba đã đi à?".

Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 5.

Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, BS Khiêm cùng “đồng đội” lại dành toàn tâm toàn ý cho những bệnh nhân đang hôn mê sâu vì COVID-19.

BS Đồng Phú Khiêm có 3 người con, hai con lớn đã hiểu chuyện và thường xuyên chia sẻ với anh. Còn bạn út 4 tuổi, BS Khiêm và cả gia đình phải làm công tác tư tưởng từ vài ngày trước khi lên đường.

BS Khiêm bảo: "Chuyến đi nào cũng thế, cứ sát ngày lên đường, là phải nhắc đi nhắc lại với bạn út rằng, ba phải đi chống dịch xa nhà, ba sắp đi rồi, đợt này ba sẽ đi lâu lâu mới về nhé… Nói ra, mình thấy đau lắm. Thương các bạn nhỏ. Lúc đầu nói thì các bạn không thích nghe chút nào, nhưng mãi rồi cũng quen?".

…Tết Nhâm Dần năm nay, BS Khiêm lại vắng nhà, những bữa cơm quây quần đầu năm mới sẽ thiếu vắng bóng hình anh, thiếu vắng những giây phút cùng nhau đón giao thừa, đón năm mới. Anh phải dành toàn tâm toàn ý cho những ca bệnh đang chìm sâu trong hôn mê vì COVID-19.

Có đôi lúc, anh thèm được đón khoảnh khắc giao thừa một cách trọn vẹn như những năm Việt Nam chưa xuất hiện COVID-19. Vài người bạn thân nhắn tin cho anh, bảo: "Tết đâu cũng là nhà, ông bạn nhỉ?".

Một câu nói tếu táo vừa mang tính hỏi thăm, vừa là khích lệ anh với sứ mệnh thiêng liêng đang đè nặng trên vai. BS Khiêm quan niệm: "Bệnh viện cũng là nhà, từ ngày có dịch, tôi ở viện nhiều hơn ở nhà", nên giao thừa năm nay, nếu tình hình các ca bệnh tiến triển tích cực hơn, có thể một vài chai vang được khui ra, vài phong bao lì xì, với những tấm bánh chưng, khoanh giò được gửi từ những… "hậu phương", cùng những câu chúc đậm nghĩa tình sẽ được lan tỏa khắp khoa phòng của bệnh viện.

Với BS Khiêm, khi ấy, giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ không còn khoảng cách.

Tuy nhiên, đó chỉ là dự kiến khi tình hình bệnh nhân tiến triển tốt hơn. Nếu ngược lại, có lẽ, BS Đồng Phú Khiêm cùng "đồng đội" sẽ vui vẻ đón Tết trên… tinh thần và trên thực tế, từ khi dịch COVID-19 "có mặt" tại Việt Nam, những ngày Tết, "anh em" vẫn "bơi" ra làm. Nhất là những y, bác sĩ trực tại Khoa HSTC.

Trải qua nhiều năm đón Tết xa nhà, BS Đồng Phú Khiêm chỉ có một mong mỏi duy nhất, đó là dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nữa, các ca nặng giảm hơn nữa để người nhà bệnh nhân không còn những lắng lo, để kế hoạch của anh về những chuyến dã ngoại bù đắp cho gia đình được gần hơn nữa và để… 3 bạn nhỏ sớm nhận bù đắp từ của người cha chạc tuổi tứ tuần!.

Người đàn ông trốn con đi trực Tết và ca mổ kịch tính cận giao thừa - Ảnh 6.

BS Đồng Phú Khiêm chẳng thể cầm lòng khi nhắc đến các con và gia đình.

Song, để những điều mong mỏi dung dị đang rạo rực trong trong lồng ngực của những y, bác sĩ ấy trở thành hiện thực, có lẽ, không ai khác, chính là những nỗ lực chống dịch của người dân.

Giao thừa Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần, từ buồng bệnh, một vài y, bác sĩ, chốc chốc lại hướng mắt về phía trung tâm Thành phố Hà Nội. Nơi ấy, không chỉ có ngọn pháo hoa, có những lời chúc năm mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà nơi ấy có gia đình, có các con đang thiếu vắng hình bóng người thân dịp Xuân về.

Khi ấy, những cây nêu, mâm lễ đã yên vị trên không gian thờ tự các gia đình, cũng là lúc, bác sĩ Đồng Phú Khiêm chắt chiu từng phút, tìm đến một góc vắng vẻ, để tranh thủ đón Tết với các con qua…smartphone.

Tiếng nói chậm rãi, ấm áp của người mẹ, xen giữa những câu "đòi bố" của bạn út 4 tuổi vang lên, BS Khiêm chẳng thể cầm lòng.

Trong một góc tường vắng của bệnh viện, người ta thấy vị phó trưởng khoa Hồi sức tích cực không khóc nhưng giọng đã bắt đầu lạc đi: "Ba hứa… ba sẽ sớm về…". 

 

Ý kiến của bạn