Hà Nội

Người đàn ông toàn thân đỏ như tôm luộc vì kiểu 'chăm sóc da' này

06-01-2022 15:29 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Người đàn ông đến viện khi toàn thân đã đỏ như tôm luộc, da mất nước nghiêm trọng, sẩn ngứa đến mất ngủ vì sai lầm lớn trong chăm sóc da mùa lạnh, khô.

Thời tiết khô, lạnh, độ ẩm thấp khiến ông M có tiền sử viêm da cơ địa càng gây khó chịu. Làn da của người đàn ông 60 tuổi này liên tục rộ những mảng ngứa, sẩn đỏ, đặc biệt là khu vực cánh tay, chân, đùi khiến ông khó chịu đến mức "phát điên", không thể ngủ thẳng giấc. 

Càng cào gãi, vùng ngứa càng tấy đỏ và lan rộng. Ngại đi viện vì lo COVID-19, ông đun các loại nước lá như chè xanh, khế, kinh giới… để tắm, chà xát kỹ vì suy nghĩ "lá trong vườn thì lành", vết ngứa sẽ dịu đi. Được 1 tuần, bề mặt da của ông càng đỏ lựng, vết chà xát mạnh còn có tổn thương nặng nề.

Ảnh chụp Màn hình 2022-01-06 lúc 10.32.32.png

Toàn thân ông M đỏ lựng

Ông M đến viện khi toàn thân đã đỏ lựng như tôm luộc. ThS. BSCK2 Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, phân tích ông bị cùng lúc hai tổn thương. Thứ nhất là đỏ da toàn thân do viêm da cơ địa, mất nước nghiêm trọng vì thời tiết khô hanh; Thứ hai là bị chà xát do dùng bã, nước lá để tắm, tạo thành các mảng sần trên da. Tình trạng nặng khiến ông M phải nhập viện, điều trị nội trú. 

Tình trạng bệnh nhân bị đỏ da toàn thân trong thời tiết khô, lạnh không hiếm gặp ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, đặc biệt với các trường hợp có bệnh da trước đó như vảy nến. Bệnh nhân vì e ngại đi lấy thuốc, thưa thớt dưỡng ẩm nên tình trạng càng nghiêm trọng. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng đỏ da toàn thân, vùng đỏ chiếm trên 90% diện tích cơ thể. 

"Có trường hợp tới viện khi toàn bộ mặt không chỉ đỏ, ngứa dữ đội mà da còn nứt kẽ, dày sừng. Bệnh nhân mệt mỏi do bị mất nước và protein qua da" - BS Minh cho hay. Khai thác thêm thông tin, người đàn ông đó cho biết vì trời lạnh nên anh này thường xuyên tắm nước nóng. "Điều này khiến cho da càng mất nước mạnh" - BS Minh phân tích thêm do không dưỡng ẩm đầy đủ, da bệnh nhân đã bị đỏ lựng.  

Ngoài các trường hợp đỏ da toàn thân, cứ trong thời tiết khô lạnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị mề đay, sẩn ngứa, tái phát rầm rộ viêm da cơ địa, vẩy nến...

Theo các bác sĩ, căn nguyên khiến các bệnh về da bùng phát trong mùa khô lạnh là do tình trạng mất nước qua da, có hiện tượng tăng lớp sừng, dày sừng trên da khiến da khô ráp… Do đó, việc quan trọng đầu tiên để chăm sóc da trong điều kiện thời tiết khô lạnh là giữ ẩm cho da giúp dưỡng ẩm da, tránh ngứa và hạn chế tái phát các bệnh lý khác. 

TS.BS Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa Da liễu thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương - khuyến cáo việc dưỡng ẩm cần thực hiện hàng ngày và lâu dài sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Tùy vào mức độ của bệnh để lựa chọn các chế phẩm giữ ẩm, có thể là dạng lỏng, dạng kem hoặc dạng mỡ.  

Điều được các bác sĩ đặc biệt lưu ý là với viêm da cơ địa, thuốc chống viêm corticosteroid dạng bôi rất hiệu quả, tuy nhiên, sử dụng lâu dài không đúng liều lượng, nồng độ và độ mạnh của thuốc sẽ gây tác dụng phụ như teo da, giãn mạch... Gia đình bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà cần có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bội nhiễm hay mức độ ngứa mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc phối hợp kèm theo như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm, thuốc chống ngứa…

Còn BS Quang Minh lưu ý về sai lầm của người dân dù bác sĩ "khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn  thường xuyên gặp khi khám chữa bệnh là người dân khi gặp các vấn đề khô da, ngứa, sẩn, nứt nẻ… lại dùng đến các loại lá để tắm. Cho rằng "lá xanh thì lành", hạn chế da tiếp xúc với các loại hóa chất, làm sạch và dịu nhẹ da, thậm chí có thể làm lành vết thương nên không chỉ với người lớn mà cả trẻ con rất tích cực tắm lá. 

Trong khi đó, các loại lá, đặc biệt như chè xanh, dù kháng khuẩn nhưng lại khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da nên khiến bề mặt da vốn đã mất nước lại càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn dùng lá chà xát lên da khiến da bị tổn thương nặng nề mà trường hợp ông M trên đây là ví dụ điển hình. 

Mùa hanh khô, nam giới nên chăm sóc da thế nào?Mùa hanh khô, nam giới nên chăm sóc da thế nào?

SKĐS - Hướng dẫn đầy đủ của giới chuyên gia sẽ giúp giữ cho làn da của bạn đủ nước, khỏe mạnh và không bị ngứa trong mùa hanh khô.


Võ Thu
Ý kiến của bạn