Bệnh nhân Hoàng Văn S., 41 tuổi (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 26/10/2018 trong tình trạng đau cột sống cổ, hạn chế vận động, yếu tứ chi không đi lại được, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ), tê bì mất cảm giác từ ngang vú trở xuống.
Khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân bị hạn chế đi lại do tai nạn lao động phải cắt cụt cẳng tay phải năm 2013. Cách đây 3 năm, bệnh nhân đi làm đồng vô tình bị ngã, khi về nhà chỉ thấy đau cột sống cổ nhẹ, không hạn chế vận động cột sống cổ, không tê tay. Tuy nhiên do chủ quan nên đã không đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
8 tháng sau chấn thương, bệnh nhân thấy đau cột sống cổ tăng lên, tê bì tứ chi nhưng bệnh nhân chủ yếu là chữa trị ở các thầy lang bằng cách châm cứu, đắp thuốc nam... Sau một thời gian dài điều trị ở các thầy lang, tốn kém về mặt vật chất nhưng bệnh tình của anh S. không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn rất nhiều. Ban đầu bệnh nhân tê bì chân tay rồi chuyển sang liệt tứ chi khoảng 2 năm rồi chuyển sang mất hết chức năng, lúc này người bệnh mới được gia đình đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và điều trị.
Hình ảnh chụp CT trước mổ.
Kết quả chụp CTscaner và chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân bị mất vững đốt sống cổ C1- C2 do gãy mỏm nha type 2; bị chèn ép tủy sống ngang mức đốt sống C1, C2.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh chỉ định phẫu thuật để nắn chỉnh trượt, làm vững cột sống và giải phóng trèn ép thần kinh.
Bác sĩ Vi Trường Sơn cho biết, đây là trường hợp khá phức tạp bởi người bệnh đã để tổn thương kéo dài tới 3 năm, hơn nữa là sức khỏe của người bệnh rất yếu và tổn thương nặng, nguy cơ khó hồi phục. Ekip mổ đã hội chẩn và sử dụng kỹ thuật Harms technique, đây là kỹ thuật khó đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại hỗ trợ như màn hình tăng sáng (máy chụp Xquang trong mổ), kính vi phẫu thuật, do đó rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể triển khai được kỹ thuật này. Mặt khác giải phẫu vùng này liên quan các cấu trúc phức tạp như: động mạch đốt sống, tủy sống và dễ thần kinh. Sử dụng kỹ thuật Harms để bắt vít qua cuống đốt sống C2 và bắt vít qua khối bên C1.
Sau mổ 15 ngày, vết mổ bệnh nhân khô liền sẹo tốt, tổn thương thần kinh được cải thiện rõ dệt, vận động tứ chi cải thiện rõ. Người bệnh đã tự ngồi dậy được và giao tiếp tốt.
Bệnh nhân S. không giấu nổi cảm xúc vui mừng vì xuất 2 năm qua, người bệnh quá khổ sở bởi không chịu đi bệnh viện để thăm khám mà lại ở nhà điều trị châm cứu, đắp thuốc nam lâu ngày và đắp sai vùng bị tổn thương dẫn đến thời gian nằm liệt không vận động được và cơ thể gầy yếu. Lúc xuất viện, bệnh nhân đã rất vui vì lại được chính bác sĩ phẫu thuật cho mình đến khám và tư vấn cho anh trước khi ra viện.
Bác sĩ Vi Trường Sơn kiểm tra các cử động cho người bệnh Hoàng Văn S. trước khi ra viện.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Sơn khuyến cáo, chấn thương cột sống cổ rất hiếm gặp trong sinh hoạt cũng như trong lao động, do đó rất rễ bị bỏ sót tổn thương nếu không được đi khám và tư vấn đúng chuyên khoa cột sống.
Vì vậy khi không may bị ngã ở bất cứ tình huống nào, nếu thấy có biểu hiện như đau cổ, hạn chế vận động, tê bì tay chân cần phải được thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán đúng những vùng tổn thương và được điều trị kịp thời để tránh được những biến chứng không mong muốn.