Người đàn ông phủ hồng căn nhà và tuyến đường bằng chậu cây làm từ rác tái chế

23-07-2024 15:28 | Đời sống

SKĐS - Con đường Mai Văn Ngọc dọc đường ray xe lửa rực sắc hồng và xanh, trở thành điểm nhấn của khu vực Phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Nhuộm hồng để mang đến sự tươi mới

Dọc tuyến đường Mai Văn Ngọc, Phường 10, quận Phú Nhuận (TPHCM) đầy các chậu màu hồng trồng hoa, có một ngôi nhà nhỏ nổi bật với màu hồng phủ khắp bên trong và bên ngoài.

Hàng trăm chiếc chậu cây, hoa sơn hồng, xếp đều tăm tắp trên tường rào là sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa của người đàn ông yêu môi trường, có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Các chậu trồng cỏ linh chi, hoa mười giờ cắt tỉa cẩn thận từ các bình đựng nước đã qua sử dụng, sơn màu hồng tươi sáng và sắp thành từng hàng nối tiếp nhau.

Tuyến đường nổi bật với các chậu trồng cây màu hồng. Ảnh: Xuân Dự

Tuyến đường nổi bật với các chậu trồng cây màu hồng. Ảnh: Xuân Dự


Chủ nhân ngôi nhà màu hồng - ông Phan Văn Chánh - cũng là người đã tỉ mỉ làm từng chiếc chậu, trồng cây và sắp lên tường rào ngăn cách đường tàu.

Ông Chánh sinh năm 1955, đã gắn bó với công việc tái chế rác thải nhựa thành những chậu hoa từ năm 2020. Đây là thời gian ông nghỉ hưu sau thời gian dài công tác tại một đơn vị hợp tác xã.

Có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm chút cho ngôi nhà cũng như quan sát tuyến đường xung quanh, ông Chánh cảm thấy khung cảnh có phần đơn điệu, quạnh quẽ chỉ mỗi mình ông lủi thủi ra vào.

Ông nhận thấy, bờ rào ngăn cách với đường tàu hỏa chạy ngang nhà ông có vẻ luộm thuộm khi một số nhà treo những bịch rác, giẻ lau, bao ni lông lên trên, có phần không đẹp mắt. Thế là ông Chánh bắt đầu nhặt nhạnh, mua lại những vỏ chai nước, cắt thành cái chậu, sơn vẽ bên ngoài cho đẹp mắt rồi cho đất vào trồng cây.

Bên trong căn nhà của ông Chánh mang sắc hồng rực rỡ. Ảnh: Xuân Dự

Bên trong căn nhà của ông Chánh mang sắc hồng rực rỡ. Ảnh: Xuân Dự

Ban đầu ông Chánh chọn những chai nhỏ 500 ml, 1 lít để làm chậu, nhưng thấy chậu quá nhỏ, để được ít đất, khó trồng cây nên ông chuyển sang những bình nước lớn 5 lít và những can nhựa thường dùng để đựng nước rửa chén bát.

Từ một bình nước, ông cắt phần bên trên, lồng một thanh kẽm vào bên trong để định hình, vẽ hình ảnh các con vật rồi sơn phần còn lại cùng một màu hồng tươi sáng.

Không chỉ các chậu cây tái chế từ rác thải nhựa, các vật dụng khác trong nhà như tường, trần nhà, cầu thang, nồi cơm, tủ lạnh hay quần áo, ông Chánh cũng chọn màu hồng hoặc sơn lên màu hồng đồng đều, khiến căn nhà bừng lên sắc hồng tươi vui.

Chia sẻ về việc lựa chọn màu hồng, ông Chánh cho biết: "Tôi chọn màu hồng cho tất cả đồ vật bởi màu này mang đến sự trẻ trung, yêu đời, các cây trồng cũng nổi bật trên chiếc chậu màu hồng. Tôi có một quá khứ có phần đau buồn khi mất mát người thân nên chọn màu hồng để luôn hướng về điều tích cực, lạc quan trong cuộc sống".

Khi làm được nhiều chậu cây cùng mang màu hồng, ông Chánh mang ra treo trên hàng rào trước nhà, một đoạn bức tường trở nên tươi sáng hẳn ra, hàng xóm xung quanh và những người qua lại đều ngắm nhìn thích thú.

Thấy bức tường rào trước nhà trở nên nổi bật, ông Chánh phối hợp với phường và người dân xung quanh thực hiện treo chậu hoa lên các đoạn tường bên cạnh, ai cũng hào hứng hưởng ứng.

Ông Chánh càng tích cực tìm kiếm các bình nước, can nhựa đã qua sử dụng tại các sân thể thao cũng như từ những người thu gom ve chai, ngày đêm làm chậu, trồng hoa, trồng cây rồi treo lên các đoạn tường xung quanh, khiến một đoạn bờ rào trên tuyến đường trở nên nổi bật với các chậu hồng điểm sắc hoa mười giờ và cỏ linh chi.

Tái chế rác thải nhựa là niềm vui tuổi già

Từ khi có đoạn tường rào chậu hồng kéo dài, người dân xung quanh không còn treo rác, giẻ lau hay các vật dụng lên rào. Các phương tiện qua lại đoạn đường màu sắc này cũng di chuyển với tốc độ vừa phải, đảm bảo an toàn cho trẻ em và người dân trong khu vực.

Người đàn ông phủ hồng căn nhà và tuyến đường bằng chậu cây làm từ rác tái chế- Ảnh 3.

Chậu trồng cây được làm từ những bình nước có cùng kích thước. Ảnh: Xuân Dự

Ông Chánh tỉ mỉ làm chậu trồng cây từ bình nước. Ảnh: Xuân Dự

Ông Chánh tỉ mỉ làm chậu trồng cây từ bình nước. Ảnh: Xuân Dự

Để đoạn đường tàu trở nên nổi bật, ông Chánh đã làm gần 300 chậu cây từ rác thải nhựa để gắn lên tường rào. Ông cũng mong muốn sẽ thực hiện thêm ở những đoạn tường xa hơn để cả tuyến đường cùng trở nên sạch đẹp và mang màu sắc tươi sáng, đầy hoa và cây xanh.

Mặc dù việc làm chậu, trồng cây cho nhiều đoạn tường rào trên tuyến đường mất nhiều thời gian, công sức nhưng ông Chánh vui vẻ thực hiện bởi ông coi đây là niềm vui tuổi già. Việc được đóng góp một phần công sức để làm đẹp cho tuyến đường khiến ông cảm thấy cuộc sống của mình càng thêm ý nghĩa.

Ngoài chậu trồng cây màu hồng, ông Chánh cũng tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng, đồ trang trí màu hồng đẹp mắt, dành tặng cho người thân, bạn bè cũng như những người yêu thích để lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường.

Ông Chánh vừa làm chậu, trồng cây vừa chăm sóc, tưới nước cho cây dọc tuyến đường. Ảnh: Xuân Dự

Ông Chánh vừa làm chậu, trồng cây vừa chăm sóc, tưới nước cho cây dọc tuyến đường. Ảnh: Xuân Dự

Sau khi trải qua những nỗi đau mất mát người thân, hiện ông Chánh ở một mình trong căn nhà màu hồng, gần đó là ngôi nhà của người em trai. Thỉnh thoảng ông sẽ đi đến Long Thành (Đồng Nai) để thăm cháu ruột và 2 người chắt của mình.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, người đàn ông yêu thích tái chế cho biết: "Niềm vui tuổi già của tôi là sơn, vẽ các bình nước cũ thành chậu cây để góp phần giảm rác thải nhựa, làm đẹp cho đường phố. Tôi miệt mài làm công việc này mỗi ngày, từ sáng đến chiều, từ thứ 2 đến thứ 6. Riêng hai ngày cuối tuần thì tôi dành thời gian để đi chơi tennis với hội bạn cao tuổi, đi thăm người thân".

Hàng xóm xung quanh nhà ông Chánh rất hồ hởi, tự hào về tuyến đường nổi bật với những chậu cây ngay ngắn. Nhiều người chạy xe ngang qua tuyến đường cũng ngắm nhìn với sự thích thú, một số bạn trẻ cũng tìm đến con đường này chụp hình với những chậu màu hồng thẳng tắp.

Niềm vui tuổi già của ông Chánh vừa mang đến vẻ đẹp đặc biệt cho tuyến đường ông sinh sống vừa góp phần làm giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân, rất có ý nghĩa trong cuộc sống.

Đồ ăn online lên ngôi, gia tăng rác thải nhựaĐồ ăn online lên ngôi, gia tăng rác thải nhựa

SKĐS - Hiện nay, nhiều người lựa chọn đặt hàng, mua đồ ăn của các app giao đến tận nhà, song hành với sự tiện lợi thì lượng rác thải nhựa và dụng cụ đựng đồ ăn một lần cũng gia tăng đáng kể.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn