Người đàn ông phát hiện mắc đái tháo đường chỉ từ một vết xước

23-09-2023 08:24 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Chỉ từ một vết xước ở mắt cá chân, sau một tuần bệnh nhân đã bị nhiễm trùng toàn bộ phận cẳng chân. Khi thăm khám, bệnh nhân phát hiện mắc đái tháo đường type 2.

BSCKI Dương Minh Tuấn (Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về ca bệnh biến chứng đái tháo đường của bệnh nhân nam 55 tuổi. Qua khai thác tiền sử bệnh nhân cho biết bị gout nhiều năm, có sử dụng thuốc điều trị nhưng không rõ loại gì. 

Trong quá trình làm việc tại ao cá, bệnh nhân bị vảy cá làm tổn thương mắt cá chân phía trong bên chân trái. Do chủ quan chỉ là vết xước nhỏ, bệnh nhân không điều trị. Chỉ sau đúng 1 tuần, tổn thương đã nhiễm trùng và lan rộng lên tận cẳng chân. Khi nhập viện và làm các xét nghiệm, bệnh nhân phát hiện bị đái tháo đường type 2

Người đàn ông phát hiện bị đái tháo đường type 2 sau khi nhiễm trùng toàn bộ cẳng chân - Ảnh 1.

BSCKI Dương Minh Tuấn (Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai).

Hiện tại tổn thương ở bàn chân đã đi vào xương. Bệnh nhân đang được sử dụng kháng sinh để điều trị, giảm nguy cơ phải cắt cụt chi. Cùng với đó bệnh nhân được kiểm soát tốt đường huyết để tổn thương không lan rộng. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân lâu khỏi.

BS. Tuấn cho biết thêm, trường hợp bệnh nhân mắc đái tháo đường nhưng không biết sẽ rất nguy hiểm. Thường gặp nhất là tình huống hạ đường huyết, đang tỉnh táo có thể đi vào lơ mơ. Hoặc tình trạng nhiễm toan ceton, tăng áp lực chuyển hóa, tăng áp lực thẩm thấu. Bệnh nhân có thể đi vào hôn mê nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

Phòng ngừa biến chứng đái tháo đường bàn chân

Để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường ở bàn chân, người bệnh cần lưu ý:

- Kiểm soát tốt đường huyết đạt mục tiêu

- Kiểm soát huyết áp

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp. Nên lựa chọn các môn thể thao như đạp xe, đi bộ, bơi lội

- Không hút thuốc lá

Người đàn ông phát hiện bị đái tháo đường type 2 sau khi nhiễm trùng toàn bộ cẳng chân - Ảnh 2.

Từ vết xước ở mắt cá chân, chỉ sau 1 tuần bệnh nhân bị nhiễm trùng lan rộng.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa các nguy cơ, người bệnh đái tháo đường cần giữ cho đôi chân khỏe mạnh. Bởi người bệnh đái tháo đường bị tổn thương thần kinh dẫn đến việc ảnh hưởng khi cảm nhận đau hoặc nóng/lạnh. Do đó, người bệnh cần kiểm tra đôi bàn chân hàng ngày, có thể sử dụng gương để hỗ trợ. Khi có bất kỳ thay đổi nào như vết xước, vết cắt, sưng, đỏ, phồng rộp… cần báo ngay với bác sĩ điều trị. Tránh tình trạng tự ý xử lý vết thương dẫn tới nhiễm trùng hoặc tổn thương sâu hơn. 

Hằng ngày người bệnh nên rửa chân bằng nước ấm, lau khô chân bằng khăn bông mềm. Tuyệt đối người bệnh không được đi chân đất. Bên cạnh đó nên lựa chọn một đôi giày vừa chân. Trước khi đi giày cần kiểm tra có dị vật trong giày không để tránh gây tổn thương cho bàn chân.

Khi cắt móng chân cần lưu ý nhẹ nhàng, dũa các góc cạnh sắc nhọn để tránh bị thương. Và lưu ý tuyệt đối không tự ý cắt các vết chai, sần ở bàn chân.

Quan trọng hơn cả, người bệnh cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được bỏ thuốc điều trị hoặc tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm video được quan tâm:

Bệnh nhân đái tháo đường có cần dùng thuốc bổ gan? | SKĐS


Kim Dung
Ý kiến của bạn