Nam bệnh nhân N.V.L ( 42 tuổi) đến từ Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc có tiền sử tai biến từ năm 2014, đôi khi gặp khó khăn trong ăn uống và vận động chân tay.
Khi ăn thịt gà, anh L đã bất cẩn nuốt cả miếng thịt gà kèm xương lớn và mắc nghẹn ở cổ. Anh được khám ở bệnh viện huyện và có chỉ định nội soi. Khi soi thấy trên hình ảnh, cách cung răng trên từ 15 đến 20cm của bệnh nhân có dị vật màu trắng, chiếm hết chu vi lòng thực quản và không thể lấy được bằng dụng cụ. Do đó, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.
Tại Bệnh viện Việt Đức, người bệnh được chụp phim cắt lớp vi tính, thấy dị vật ngang mức C7-T2 có kích thước 37x15x24. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng tiến hành soi thực quản lần nữa nhưng không thể lấy dị vật do khối chắc và lớn nên kíp trực chỉ định mổ cấp cứu.
Tổn thương khi mổ là một đoạn cánh gà cả thịt và xương mắc vào thực quản ngay sụn giáp nhẫn, đây là chỗ hẹp sinh lý của thực quản nên dị vật hay bị mắc, cũng là điểm yếu của thực quản được gọi là tam giác Killian rất dễ thủng rách, rất may chỗ xương gà nằm theo trục dọc nên đoạn xương nhọn đã chặt ra không chọc thủng thực quản.
Kíp trực đã mở thực quản lấy đoạn cánh gà, khâu lại thực quản, đặt dẫn lưu vùng cổ và mở thông dạ dày với mục đích nuôi dưỡng vì người bệnh sẽ không được ăn đường miệng trong ít nhất một tháng cho đến khi chỗ khâu ở cổ liền. Hiện nay sau hơn một tuần người bệnh tiến triển tốt.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân cho biết: Ca bệnh của bệnh nhân N.V.L không phải hiếm gặp.
Thậm chí chúng tôi đã từng gặp bệnh nhân nữ ở Hòa Bình đến muộn sau ăn thịt trâu 5 ngày. Không may mắn như bệnh nhân L. do đến muộn nên thực quản đã hoại tử gây áp xe trung thất lan rộng, mặc dù được cứu chữa tích cực nhưng cuối cùng bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng. Khi mổ lấy ra còn nguyên miếng thịt trâu nhưng thực quản thì mủn nát lan đến hết cả phần thực quản trong ngực.
Hoặc cháu bé chỉ mới 2 tuổi (Hà Tây) hóc càng cua do gia đình nấu để sót trong bột, cháu cũng không qua khỏi do quá bé và gia đình không đưa đến viện ngay vì không phát hiện kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi hóc xương, dị vật không nên ngại ngùng e dè cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa để được xử lý điều trị kịp thời.
Ngoài ra cũng cần lưu ý khi ăn uống thức ăn có nguy cơ gây hóc, hay lưu ý nguy cơ dị vật có thể nuốt phải gây tổn thương như răng giả, thuốc còn nguyên vỉ …
Theo các chuyên gia áp xe trung thất là thuật ngữ mô tả bệnh lý nhiễm khuẩn nặng do ổ mủ nằm trong trung thất - một khoang ảo nằm trong lồng ngực chứa tim và các bộ phận quan trọng. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, mủ có thể lan tỏa nhanh chóng và tổn thương các tạng dẫn đến tử vong.
Áp xe trung thất có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên gặp phổ biến do nguyên nhân từ tổn thương thực quản, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, đến nay tử vong còn cao đến 30% hoặc hơn trong nhiều báo cáo.
Trong các nguyên nhân dẫn đến áp xe trung thất như trên phổ biến tại các nước châu Âu liên quan đến can thiệp y tế như nong thực quản, tiêm xơ giãn tĩnh mạch … trong khi đó các nước châu Á liên quan đến ăn uống hoặc các dị vật khác như răng giả, các dị vật nuốt phải... đặc biệt do tổn thương bởi ăn thức ăn còn xương.
Mặt khác do vấn đề tâm lý, văn hóa nên người châu Á hay e dè không đi bệnh viện khám ngay để xử lý, đến khi muộn- khi thực quản thủng hoại tử làm vi khuẩn lan rộng gây áp xe trung thất.
Ngay cả những trường hợp hóc xương dị vật đến sớm nhưng nếu dị vật nằm ở vị trí có mạch máu đi qua như động mạch cảnh cổ, quai động mạch chủ ngực thì nguy cơ tử vong rất cao do tổn thương mạch máu lớn bị mảnh xương hay vật sắc nhọn gây ra
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19