Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, Bình Dương cho biết đã chỉ đạo các ngành chuyên môn vào cuộc xác minh.
Sáng 15/8/2021, ông đã đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho ông Ng.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh), đồng thời chỉ đạo các ngành chuyên môn vào cuộc xác minh.
Do quá tải?
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc TTYT TP Dĩ An, cơ sở y tế được cho là gia đình đưa bệnh nhân vào đầu tiên phân trần, là đơn vị y tế được giao trách nhiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn trong suốt thời gian qua đã căng sức thực hiện phòng chống dịch, nên đã quá tải.
"Qua truy xét trong thời gian đêm 14/8 không có trường hợp nào người nhà đưa bệnh nhân. Hệ thống camera ngoài cửa của trung tâm cũng chưa có nên không biết có hay không người nhà đưa bệnh nhân vào." – ông Hùng nói.
Ông Lê Văn Thệ, Giám đốc Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng cho rằng là phòng khám đa khoa chỉ nhận khám bệnh thông thường nếu quá sức vượt quá chuyên môm phải chuyển lên tuyến trên.
Khi gia đình đưa người bệnh đến Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, nhân viên y tế trực đã thực hiện test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho kết quả âm tính và thực hiện thăm khám ban đầu nhưng bệnh nhân đã từng tai biến một lần trên bệnh lý huyết áp cao nên chúng tôi hướng dẫn đến Bệnh viện Quân đoàn 4 để được thăm khám
"Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng mở cửa 24/24h, nhưng vì vượt quá chuyên môn nên chúng tôi không chữa được. Trường hợp vừa xảy ra là đáng tiếc, chúng tôi ghi nhận và rút kinh nghiệm".
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, Bình Dương trả lời báo SK&ĐS. Video: Anh Văn
Ông Trần Văn Hưởng – Giám đốc Phòng khám Đa khoa Nam Anh cho biết, phòng khám bố trí 15 y, bác sĩ túc trực cấp cứu 24/24. Nhận chỉ đạo và lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương, phòng khám Nam Anh tiếp nhận tất cả các trường hợp cấp cứu bất kể thời gian nào. Sáng 15/8, cho kiểm tra lại hệ thống camera không thấy có trường hợp nào đến khám như dư luận đề cập.
"Khoảng 1h sáng, có một người đến cổng hỏi bảo vệ là phòng khám có cấp cứu bệnh nhân bệnh nặng không. Bảo vệ tại đây cho biết phòng khám có nhận cấp cứu nhưng nếu người bệnh nặng quá thì nên chuyển gấp đến bệnh viện Đa khoa tỉnh cho an toàn. Sau đó, người này rời đi. Tôi đảm bảo phòng khám không bao giờ có chuyện không tiếp nhận bệnh, phòng khám lập ra luôn đặt việc cứu người lên hàng đầu chứ không vì lợi ích nào hơn. Ngoài cấp cứu tại chỗ, tôi còn bố trí nhân lực tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch", ông Hưởng nói.
Thượng tá Nguyễn Khắc Lâm, đại diện Bệnh viện Quân đoàn 4 nói: Trước khi bệnh nhân D. vào, kíp trực của bệnh viện đang cấp cứu 2 bệnh nhân suy hô hấp nặng, chúng tôi đã rất vất vả khi phải khám và chuyển viện cho 2 bệnh nhân trên.
Khi giải quyết xong ca bệnh trước, kíp trực ra kiểm tra người bệnh, bệnh nhân tỉnh, tự thở được và thầy thuốc có giải thích với người nhà nên đưa bệnh nhân đến BV Quận Thủ Đức có đầy đủ phương tiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân tai biến đột quỵ sẽ tốt hơn.
Đối với bệnh viện chưa đủ điều kiện cứu chữa những bệnh này. "Chúng tôi chia sẻ mất mát của gia đình. Ngay sáng 15/7, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã chỉ đạo phải kiểm tra làm rõ. Lãnh đạo bệnh viện đã họp khẩn cấp và chỉ ra những tồn tại cần khắc phục", ông Lâm nói.
Sự việc đáng tiếc
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, Bình Dương cho rằng sự việc ông D. mất là đáng tiếc, phân tâm trong dư luận nhân dân trong tình hình chống dịch căng thẳng như hiện nay.
Ông Phạm Hữu Đạt, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Bình Dương cho phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống biết, lường trước được tình hình dịch diễn biến phức tạp sẽ tạo áp lực lên hệ thống khám chữa bệnh trong toàn tỉnh, Sở Y tế Bình Dương đã ban hành 3 văn bản yêu cầu các các cơ sở y tế trong toàn tỉnh không được từ chối cấp cứu bệnh nhân.
"Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải mở cửa hoạt động 24/24h để tiếp nhận, thu dung, khám, cấp cứu điều trị cuyển viện kịp thời tất cả bệnh nhân đến cơ sở" ông Đạt nói.
Sự việc trên là điều rất đáng tiếc. Sau khi tiến hành thanh tra, ngành y tế Bình Dương sẽ xem xét kỹ sự việc, sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó.
Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, Bình Dương Pham Văn Bảy cho rằng, thời điểm chống dịch căng thẳng rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng của cả hệ thống y tế.
Không phân biệt của Nhà nước hay tư nhân, tích cực tham gia khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời huy động nguồn nhân lực tham gia khống chế dịch bệnh.