Người đàn ông nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật ung thư thoát chết

27-09-2018 15:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhồi máu cơ tim trong tình trạng hôn mê sau đại phẫu điều trị ung thư là tình trạng nguy kịch thường gặp nhưng khó phát hiện và nguy cơ tử vong cao. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã kịp thời cứu sống bệnh nhân ung thư bị nhồi máu cơ tim cấp sau phẫu thuật tạo hình thực quản.

Bệnh nhân Lương Văn Nga (52 tuổi, trú tại Đầm Hà, Quảng Ninh) có khối u thực quản ác tính và được tiến hành phẫu thuật tạo hình thực quản tại Bệnh viện Bãi Cháy. Trải qua ca đại phẫu điều trị ung bướu rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn và trình độ kỹ thuật cao, bệnh nhân được chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy) trong trạng thái an thần, thở máy.

Tuy nhiên, một cơn nhồi máu cơ tim cấp tính đã khiến tình trạng bệnh nhân trở nên vô cùng nguy kịch, có thể tử vong ngay lập tức. Bằng hệ thống trang thiết bị hồi sức hiện đại và kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, kíp bác sĩ can thiệp tim mạch phối hợp với kíp trực khoa hồi sức tích cực & Chống độc – Bệnh viện Bãi Cháy đã kịp thời can thiệp động mạch vành, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong trong quá trình điều trị hậu phẫu.

Bệnh nhân Lương Văn Nga khỏe mạnh sau cơn nhồi máu cơ tim trong quá trình điều trị hậu phẫu tạo hình thực quản.


“Trường hợp bệnh nhân Lương Văn Nga bị nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến tình trạng sốc tim đẩy bệnh cảnh vào tình huống hết sức nguy cấp, đe dọa đến tính mạng. Thông thường, các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có các biểu hiện lâm sàng như đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, lạnh tứ chi…

Tuy nhiên, bệnh nhân Nga lại đang thở máy, có an thần nên không có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, rất khó phát hiện. Nhận thấy những biến đổi về điện tim, huyết động, tình trạng sốc tim trên hệ thống Mornitor trung tâm, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thành sau dưới sau phẫu thuật tạo hình thực quản.

Đây là trường hợp nhồi máu cơ tim có biến chứng sốc tim rất nguy hiểm, đặc biệt khi bệnh nhân vừa trải qua đại phẫu, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng sốc nặng, suy đa tạng và tử vong.” – bác sĩ Nguyễn Thế Hưng – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Sau khi được can thiệp động mạch vành xử trí nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân Lương Văn Nga đã vượt qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể xuống giường, cử động nhẹ nhàng và giao tiếp bình thường.

“Tỉnh lại sau phẫu thuật và được biết về tình trạng sức khỏe của mình, tôi rất cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã cứu sống tôi, hiện giờ tôi cảm thấy khỏe hơn trước nhiều, không còn đau ngực, mệt nhiều nữa.” – ông Lương Văn Nga mừng rỡ chia sẻ.

Không chỉ bệnh nhân Lương Văn Nga mà rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý nguy kịch như sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… đã được duy trì, kéo dài sự sống, thoát khỏi “cửa tử” nhờ các kĩ thuật hồi sức hiện đại đang được triển khai tại Bệnh viện Bãi Cháy như hệ thống Monitor trung tâm kiểm soát các thông số huyết áp, nhịp tim, hô hấp, độ bão hòa oxy… đảm bảo an toàn cho người bệnh, kỹ thuật ECMO - phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, Máy lọc máu liên tục...

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý đe dọa tính mạng con người do mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân ung thư đang trong quá trình hồi sức tích cực sau một cuộc đại phẫu như bệnh nhân Lương Văn Nga là trường hợp thường gặp.

Vì vậy, việc cứu sống bệnh nhân qua tình trạng “hiểm nghèo” khi ấy là một “kỳ tích”, tạo niềm tin cho người bệnh vào năng lực, trình độ của đội ngũ y bác sĩ và sự phát triển của công nghệ, kĩ thuật của chuyên ngành hồi sức tích cực tuyến tỉnh.


Mạc Thảo
Ý kiến của bạn