Vượt lên gian khó
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến UBND xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận), ấn tượng sâu sắc với chúng tôi là một người đàn ông liệt cả hai chân nhưng đôi tay vẫn đánh máy tính, sắp xếp văn bản…thoăn thoắt.
Người đàn ông ấy chính là anh Hán Văn Thư. Qua tâm sự, anh Thư cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, nghèo khó. Lên 3 tuổi, anh bị bạo bệnh nên liệt hẳn cả đôi chân.
Do hoàn cảnh gia đình và bản thân bị tật nguyền nên lúc nhỏ anh Thư tự học tại nhà.
Anh Thư tiếp cận con chữ bằng cách mượn sách vở của bạn bè, người quen. Sau đó, nhọc nhằn nắn nót từng nét chữ ghi lên tấm bảng gỗ hoặc trên nền sân nhà mình. Điều gì không biết, anh nhờ hàng xóm, người quen chỉ dạy. Với sự miệt mài này, cuối cùng anh Thư đã tự tập đọc, viết được những dòng chữ cơ bản.
Đến năm 14 tuổi, thấy hoàn cảnh gia đình bớt khó khăn, anh Thư mạnh dạn xin vào trường học và được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hữu Đức sát hạch, xem xét cho vào học lớp 4 của trường.
Mặc dù tật nguyền nhưng với sự chịu khó và đam mê học tập đã giúp anh Thư vươn lên tốp những học sinh khá của lớp. Những năm sau đó, anh Thư thi đỗ vào cấp II, rồi được xét vào học tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 2005, anh Thư tiếp tục theo học lớp Trung cấp Hành chính - Pháp lý tại tỉnh Quảng Nam, rồi đăng ký học Đại học tại chức ngành công nghệ thông tin.
Khi ra trường, anh Thư trở về địa phương và được chính quyền tạo điều kiện cho anh vào làm cán bộ văn phòng. Ngoài công việc văn phòng, anh còn phụ trách trực phát máy phát sóng FM, làm phát thanh viên trạm truyền thanh xã, đồng thời làm luôn thợ sửa chữa thiết bị máy móc vi tính của xã khi bị hư hỏng nhỏ.
Tạo dựng gia đình riêng
Khi đã học cơ bản và có công việc ổn định, anh Thư đem lòng yêu thương chị Đổng Thị Hương Giang (người cùng quê). Lúc đầu, nhìn thấy đôi chân tật nguyền của anh Thư, một số người thân của chị Giang cấm cản. Nhưng khi hiểu tấm lòng và sự chịu khó của anh Thư, gia đình chị Giàng đồng ý cho 2 người thành vợ chồng.
Chị Đổng Thị Hương Giang chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Thư là dù bị liệt đôi chân nhưng trong con người anh luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình và đã có một đứa con học lớp 4".
Anh Trần Như Huy, cán bộ xã Phước Hữu bày tỏ: "Còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng anh Thư lúc nào cũng vui vẻ, làm việc mẫn cán, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Lãnh đạo UBND xã Phước Hữu cũng cho biết, dựa vào trình độ chuyên môn, sức khỏe của anh Thư, chúng tôi bố trí anh làm cán bộ phụ trách công tác văn thư, quản lý trang thiết bị phục vụ lĩnh vực công nghệ thông tin.
Những công việc được UBND xã giao, anh Thư luôn làm tốt, anh là cán bộ có tinh thần học hỏi và luôn giúp đỡ các anh chị em cán bộ trong xã giải quyết công việc có liên quan đến văn bản pháp lý, công nghệ thông tin.
Bộc bạch thêm về bản thân mình, anh Thư cho biết: "Có thể tự lao động, có nguồn thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình là niềm hạnh phúc lớn với tôi. Từ đó, mọi mặc cảm về thân phận tật nguyền được xóa nhòa".
Với tinh thần không ngừng phấn đấu vươn lên, tháng 12/2020, anh Thư vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.