Hà Nội

Người đàn ông ngoại quốc có nhóm máu hiếm, mắc sốt rét ác tính thoát chết

14-10-2022 15:58 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân người Bỉ phát hiện mắc sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống sốt rét, truyền khoảng 20 lít máu và duy trì ECMO mới có thể vượt qua cửa tử.

Bệnh nhân nam, 64 tuổi (quốc tịch Bỉ), mắc nhiều bệnh lý nền phối hợp như: Suy tim do nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhóm máu rất hiếm gặp (Rh-). Bệnh nhân là giáo sư về nông nghiệp đã đi rất nhiều nước trên thế giới (Châu Phi, Châu Á…) và có nhiều đóng góp cho nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam.

Ngày 17/09, sau chuyến công tác tại Bờ biển Ngà để thực hiện chuỗi dự án về hạt điều, bệnh nhân về Việt Nam, sau đó xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng, khám tại một bệnh viện ở Hà Nội phát hiện số lượng tiểu cầu rất thấp (tiểu cầu 12 G/L), rối loạn nhịp thất thành từng cơn.

Do tình trạng bệnh phức tạp, bệnh nhân lại có nhiều bệnh nền nên đã được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

Người đàn ông ngoại quốc mắc sốt rét ác tính, nhóm máu hiếm Rh (-) thoát chết - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra, thăm khám cho bệnh nhân trước khi được chuyển viện. Ảnh: Thành Dương.

Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, ThS. BS Nguyễn Bá Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, xét nghiệm tiểu cầu chỉ còn 8 G/L, kháng thể kháng Dengue dương tính yếu, suy tim rất nặng (EF 20%). Bệnh nhân được điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt nhưng sau 2 ngày tình trạng không cải thiện, các bác sĩ quyết định phải sử dụng kỹ thuật cao nhất trong hồi sức tích cực là kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO).

Bằng kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy diễn biến bệnh không giống sốt xuất huyết Dengue nên Trung tâm Hồi sức tích cực đã tiến hành hội chẩn toàn viện với sự tham gia của các chuyên khoa sâu trong bệnh viện như: Bệnh nhiệt đới, Huyết Học, Dược lâm sàng, Tim Mạch, Phẫu thuật lồng ngực & mạch máu… sau đó phát hiện bệnh nhân bị sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống sốt rét, truyền các chế phẩm máu và duy trì ECMO.

Người đàn ông ngoại quốc mắc sốt rét ác tính, nhóm máu hiếm Rh (-) thoát chết - Ảnh 2.

Bệnh nhân được can thiệp ECMO và lọc máu liên tục - những kỹ thuật cao nhất trong Hồi sức tích cực. Ảnh: Thành Dương

“Việc duy trì ECMO thời gian dài đối với bệnh nhân này là rất khó khăn, trong quá trình theo dõi do tiểu cầu thấp không thể sử dụng được chống đông, nguy cơ tắc quả tim phổi nhân tạo và nguy cơ nhồi máu tái diễn, nếu tiếp tục dùng chống đông thì nguy cơ chảy máu ồ ạt rất cao; cùng với đó là bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm nên việc huy động số lượng lớn máu là bất khả thi” - BS. Bá Cường cho biết thêm.

Tuy nhiên với nỗ lực của các y bác sĩ, sau 8 ngày chạy máy ECMO, truyền khoảng 20 lít máu thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), tình trạng bệnh nhân cải thiện dần và được kết ECMO vào ngày 04/10, ngừng thở máy vào ngày 09/10.

Sau 4 tuần được điều trị, chăm sóc bởi các nhân viên y tế của Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch một cách ngoạn mục, các chỉ số dần hồi phục. Ngày 13/10, bệnh nhân được chuyển viện, chăm sóc một thời gian trước khi đủ điều kiện sức khỏe để trở về Bỉ.

Đánh giá thành công của ca bệnh này, TS. BS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: "Việc chẩn đoán ra bệnh nhân bị sốt rét ác tính chính là bước ngoặt trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân thành công. Mặc dù bệnh sốt rét đã không còn phát hiện ở Việt Nam từ rất lâu, các triệu chứng và điều trị chỉ còn trong sách vở giảng dạy, các thuốc điều trị là các thuốc chương trình tài trợ nhưng phải luôn nghĩ đến sốt rét với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như đi từ các vùng dịch tễ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời".

Một trong những ca bệnh huy động lượng máu hiếm số lượng lớn

ThS. Hoàng Nhật Lệ, Trưởng khoa Lưu trữ và phân phối máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Chúng tôi liên tiếp nhận được dự trù cung cấp chế phẩm máu nhóm hiếm từ Bệnh viện Bạch Mai. Tổng số chế phẩm máu được Viện cung cấp để sử dụng cho bệnh nhân người Bỉ là 60 đơn vị chế phẩm máu gồm: 15 đơn vị khối hồng cầu, 11 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách, 19 đơn vị tủa lạnh, 15 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Tất cả đều là nhóm máu hiếm Rh(D) âm, nên phòng Quan hệ công chúng của Viện và Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc đã liên tục huy động người nhóm hiếm đến hiến máu, hiến tiểu cầu”.

Các thành viên nhóm máu hiếm đã không quản đường xa, tối muộn trước những thông tin cần máu, chỉ mong sức khỏe của vị Giaó sư người Bỉ dần cải thiện.

Người đàn ông ngoại quốc có nhóm máu hiếm, mắc sốt rét ác tính thoát chết - Ảnh 4.

Đến Viện Huyết học – Truyền máu TW cùng đồng đội trong những ngày “cao điểm” huy động máu nhóm hiếm vừa qua, chị Dung (áo đỏ) rất phấn khởi vì lần đầu tiên mình đủ điều kiện tiểu cầu.

Sau gần 4 tuần huy động hiến máu, hiến tiểu cầu liên tục nhóm máu hiếm cho Giáo sư người Bỉ và nhiều trường hợp khác, tối 11/10, đại diện Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc nhận được tin nhắn từ gia đình của bệnh nhân cho biết, bệnh nhân hồi phục khá, đã di chuyển bằng xe lăn và nói chuyện được. Bệnh nhân cũng không phải truyền hồng cầu và tiểu cầu nữa.

Tự hào khi biết tin về hồi phục diệu kỳ của bệnh nhân, trong đó có sự góp sức của mình và các thành viên, chị Đỗ Thị Thùy Dung, thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm – người đã có gần 40 lần hiến máu kể từ lần đầu hiến máu và biết mình có nhóm máu hiếm vào năm 2003 chia sẻ: “Đoàn kết là sức mạnh… đó là điều anh chị em Câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã làm được trong thời gian các “cơn bão cần máu” liên tục suốt thời gian qua. Tôn chỉ hoạt động của CLB từ ngày đầu thành lập tới giờ vẫn luôn là “Khi cộng đồng cần thì ta có – Khi ta cần thì cộng đồng đó luôn ở bên ta”.

Xúc động khi được thấy chồng mình hồi phục từng ngày và trở về bên bờ lằn ranh của cửa tử, chị Thu – vợ của bệnh nhân vô cùng cảm phục trước chuyên môn, sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ. “Chắc chắc đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ đối với gia đình, thêm một lý do để anh thêm yêu quý và gắn bó với Việt Nam”, chị Thu cho biết.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số, nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm ở các nước châu Âu, châu Mỹ… chiếm khoảng 15% – 40% dân số. Do đó, với trường hợp bệnh nhân người Bỉ trên, nếu điều trị tại Bỉ thì việc huy động máu rất dễ dàng do nhóm máu O Rh(D) âm của ông không phải là nhóm máu hiếm tại Bỉ, nhưng lại là hiếm ở Việt Nam.
Tự đắp thuốc kháng sinh chữa đái tháo đường, một người phải tháo bỏ ngón chânTự đắp thuốc kháng sinh chữa đái tháo đường, một người phải tháo bỏ ngón chân

SKĐS - Do tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ phải tiến hành tháo bỏ một ngón chân để bảo tồn được các ngón còn lại.


Thanh Tâm - Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn