Nằm bên dòng sông Đáy, làng Chuông xã Phương Trung, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây) từng nổi tiếng khắp miền Bắc với nghề làm nón.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, người già truyền lại cho lớp trẻ, người lớn dạy cho trẻ nhỏ, cứ thế mà nghề nối nghề. Dù đến nay nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, các nghệ nhân làng Chuông vẫn miệt mài khâu từng chiếc nón lá, họ tin và âm thầm gìn giữ chiếc nón lá bởi nó không chỉ là truyền thống mà còn là nét văn hóa không thể bị mai một.
Bố mất sớm, chỉ được học hết cấp 2, cậu bé Lê Văn Tuy đành xếp lại giấc mơ trở thành một thầy giáo làng. Lên 5, anh đã làm quen với nghề làm nón của gia đình. Cũng chính nghề này đã giúp cả gia đình anh vượt qua thời kỳ gian khó.
Trong căn phòng nhỏ, xung quanh anh chỉ có nón, nghệ nhân Lê Văn Tuy, người đàn ông không những đam mê với nghề truyền thống, lưu giữ những giá trị của nón lá làng Chuông, mà còn có những sáng tạo độc đáo, đưa chiếc nón đến với nhiều du khách quốc tế và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Chia sẻ về các công đoạn làm nón, nghệ nhân Lê Văn Tuy nói: "Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng cật tre, nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá ngay".
Bước ngoặt lớn đến với anh vào năm 1999, khi nhận được đơn đặt hàng là một chiếc nón cỡ lớn, đường kính tới 1m, với yêu cầu lá nón không được nối.
Cặm cụi đưa đường kim, mũi chỉ, anh Tuy kể: “Mấy năm trước, có cô giáo đặt tôi làm chiếc nón vuông để mang đi Nhật. Không có mẫu, chỉ tự tưởng tượng, thế mà rồi tôi cũng làm xong, khách hàng rất vừa ý".
"Mới đây, xưởng phim truyện đặt tôi phục dựng nón thời Nguyễn, cũng lại tự nghĩ tự làm, các anh ấy cũng rất hài lòng.", anh Tuy nói.
Thành công từ chiếc nón không chỉ đem lại một khoản thu nhập và tiền từ việc bán hàng, mà còn mở ra cho anh Tuy một hướng đi mới: sáng tạo thêm nhiều mẫu mã để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.
Thế là, ngoài những chiếc nón che mưa nắng thông thường, anh còn đưa ra thị trường nón quai thao, nón phủ lụa, các loại nón làm quà lưu niệm, nón phục trang trong các phim cổ trang; nón kiểu Thái, kiểu Hàn Quốc,…
Nghệ nhân Lê Văn Tuy nói: "Tôi đã làm được những đơn hàng xuất khẩu như thế, không phải nón truyền thống mà nón cải tiến đi, mỗi nước một kiểu, mình đã dám nghĩ, dám làm”.
Chiếc nón lá là biểu tượng mộc mạc của văn hóa Việt, làng Chuông mang những nét đẹp hoài cổ của một ngôi làng Việt xưa gắn với nghề làm nón lá nổi tiếng - nơi đây những người phụ nữ của làng vẫn ngày ngày ngồi đan từng chiếc nón, gìn giữ nghề truyền thống.