Anh Đ.V.T. (39 tuổi, Ninh Bình) bị chó thả rông cắn, nhưng đã không đi tiêm phòng chỉ vì nghe lời thầy lang là vết cắn đó của chó lành, không phải chó dại cắn. Để rồi, khi nhập viện thì đã lên cơn dại…
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân T. được đưa đến khoa đêm 3/11 trong tình trạng sợ nước sợ gió vì lên cơn dại. Điều đáng nói là trước khi nhập viện chừng 2 tháng, anh T. bị chó cắn, thế nhưng thay vì đến cơ sở y tế để tiêm phòng, anh đắp thuốc mua từ thầy lang. Họ dùng một loại lá cây thử trên da (tại vết chó cắn) của người bị chó, mèo cắn. “Không hiểu họ căn cứ vào đặc điểm nào để phán con chó cắn bệnh nhân có bị nhiễm vi rút dại hay không chỉ qua vết cắn. Ngay cả với y học hiện đại hiện vẫn chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không”, BS Cấp băn khoăn.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu không thể quên được trường hợp của cậu bé 12 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình cũng đã chết vì lên cơn dại, với tình trạng tương tự bệnh nhân trên. Khi bị chó nhà cắn vào bắp chân, lo lắng con chó bị dại, sau 7 ngày gia đình đã tính chuyện cho em đi tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên sợ vắc xin làm con lơ ngơ nên khi nghe mách có thầy lang có phương pháp thử, qua vết cắn có thể xác định là chó dại hay không nên đã đưa em đến thầy lang.
Khi thầy phán vết cắn không phải do chó dại, lại thêm con chó nhà vẫn chưa thấy dấu hiệu ốm, cả nhà yên tâm đưa con về, còn thịt ngay con chó để nó chừa tội cắn người. Thế nhưng, 26 ngày sau, bệnh nhi bỗng sợ nước, sợ gió, khó thở, gia đình đưa đến viện nhưng đành đau đớn đưa em về để chết.
Khi bị chó cắn, người dân cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời
Cách đây không lâu, bệnh viện đa khoa huyện Tân Kỳ -Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Văn T. (7 tuổi) con anh Ch. ở xóm Đồn Kén, xã Tây Thành (Yên Thành). Cháu T. nhập viện trong tình trạng bị đau bụng cấp, nôn mửa, ngứa toàn thân. Bệnh viện chẩn đoán là cháu bị đau bụng cấp. Sau đó, cháu có biểu hiện bệnh bất thường như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió, sợ cánh quạt trần quay…
Qua tìm hiểu, bố cháu bé cho biết, trước khi nhập viện một tháng cháu T. bị chó cắn, con chó đã chết sau 4 ngày cắn cháu, gia đình đã đưa cháu đi tiêm nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không tiêm phòng dại vì nghe nhiều người quen bảo tiêm vắc-xin dại sẽ làm giảm trí nhớ nên anh chở con đến thầy lang, khám bằng cách dùng đồng xu cào lên vết cắn để xác định xem có phải chó dại cắn hay không, sau đó sắc lá thuốc nam uống.
Sau đó cháu T. được chuyển đến Bệnh viện sản nhi Nghệ An điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu T. bị mắc bệnh dại. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã lên cơn dại điển hình, không thể điều trị được. Sau 1 ngày vật lộn với những cơn dại hành hạ, cháu được bệnh viện trả về và đã tử vong.
Liên quan đến bệnh dại, thống kê từ Cục Y tế dự phòng cho hay, đến ngày 30/9/2016, cả nước đã ghi nhận 49 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố. Hầu hết những trường hợp này bị chó mèo nghi dại cắn, cào nhưng họ không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng mà lại chữa ở thầy lang, đắp thuốc nam… hoặc không nghĩ đến khả năng con vật bị dại.
Theo các bác sĩ, người nhiễm vi rút dại dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần 100%. Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm.
Để phòng chống bệnh dại, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine;
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương
Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.