Hà Nội

Người đàn ông Mã Liềng viết đơn thoát nghèo

17-02-2023 15:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong khi nhiều người vẫn mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ khi nằm trong diện hộ nghèo thì người đàn ông dân tộc Chứt lại tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo.

Một trong những đảng viên người Mã Liềng đầu tiên

Cuộc sống của đồng bào Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) tại Quảng Bình đã có sự thay đổi lớn từ hơn 30 năm trước khi được vận động chuyển từ các hang núi, lều tạm ở rừng để chuyển về định canh, định cư tại một số xã của huyện Tuyên Hóa.

Riêng tại xã Lâm Hóa, người Mã Liềng ở các bản Kè, Cáo có hơn 150 hộ với khoảng 650 nhân khẩu. Sau chừng ấy thời gian, người Mã Liềng đã quen dần với cuộc sống hiện đại.

Người đàn ông đồng bào Mã Liềng ở bản nghèo viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 1.

Người Mã Liềng đã chuyển từ cuộc sống trong hang, lều tạm về định cư tại các bản làng từ hơn 30 năm trước.

Cùng với việc chăm lo đời sống cho bà con đồng bào, công tác phát triển Đảng cũng được các cấp chính quyền quan tâm. Hiện Chi bộ bản Kè, xã Lâm Hóa có 10 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên là người Mã Liềng. Đây là một trong những bản đồng bào dân tộc tại Quảng Bình có số lượng đảng viên cao trên đầu người.

Nổi bật trong những đảng viên đồng bào Mã Liềng có ông ông Hồ Phình (SN 1976). Ông Phình được biết đến là một trong những người Mã Liềng đầu tiên đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Người đàn ông đồng bào Mã Liềng ở bản nghèo viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 2.

Ông Hồ Phình (SN 1976), một trong những người Mã Liềng đầu tiên đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ở bản làng của mình, ông Hồ Phình với vai trò của một Phó Bí thư chi bộ đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh, gương mẫu, trách nhiệm với việc chung của Chi bộ và các phong trào của bản. Bởi vậy, ông luôn nhận được sự tin yêu, mến phục từ bà con bản Kè cũng như chính quyền địa phương.

"Tôi vào Đảng cũng gần 20 năm rồi, vinh dự và trách nhiệm cao cả lắm nên luôn phải cố gắng làm ăn, làm gương để bà con noi theo", ông Hồ Phình cho biết.

Thoát nghèo tại bản nghèo bằng bàn tay, khối óc

Như nhiều hộ dân người Mã Liềng khác, trước đây cuộc sống của gia đình ông Hồ Phình rất khó khăn, thường xuyên thiếu ăn. Cả gia đình có 6 người chỉ trông vào 2 sào đất trồng màu và một sào đất trồng lúa. Ngô, lúa ít không đủ ăn, đã vậy có năm còn mất mùa, gia đình phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người đàn ông đồng bào Mã Liềng ở bản nghèo viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 3.

Ông Phình luôn nỗ lực để thoát nghèo.

Để tự thoát nghèo, ông Phình đã tìm tòi học hỏi và mạnh dạn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Ông bàn với vợ, mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, đầu tư mua giống bò, lợn và cây giống để trồng rừng.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay gia đình ông Hồ Phình đã trồng được 5ha rừng, 12 con bò, 12 con lợn và đàn gà hơn 100 con. Ngoài ra, ông còn trồng thêm lúa, ngô…, thu hoạch từ lúa đủ để ăn quanh năm, ngô đủ để chăn nuôi lợn, gà, kinh tế gia đình từng bước cải thiện rõ rệt.

Với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, gia đình ông Hồ Phình được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã 5 năm liền.

"Mấy năm nay gia đình tôi không còn thiếu gạo ăn nữa, thu nhập từ trồng rừng, bán lợn, gà, bò cũng đủ để trang trải trong gia đình và nuôi 2 con ăn học, không phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước. Ở bản, muốn bà con làm theo, cùng hỗ trợ nhau thoát nghèo thì mình phải làm trước, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin", ông Hồ Phình vui mừng cho biết.

Người đàn ông đồng bào Mã Liềng ở bản nghèo viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 4.

Ông Phình cũng luôn vận động và hướng dẫn bà con dân bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đúng với câu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", khi đã có hướng phát triển kinh tế, ông Phình vận động bà con dân bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Phình nhiệt tình kêu gọi và hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt theo phương thức phù hợp trên địa bàn. Ông mong ước bản nghèo nơi ông sinh ra sẽ phát triển, đổi thay từng ngày.

Viết đơn xin thoát nghèo mong dân bản học theo

Khi cảm thấy cuộc sống đã không còn thiếu thốn như trước, ông Hồ Phình là người đầu tiên trên địa bàn xã Lâm Hóa viết đơn xin thoát nghèo, nhường nguồn hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn. Cầm trên tay lá đơn với mong muốn được nghi nhận rằng người Mã Liềng đã có thể tự phát triển kinh tế để có cuộc sống no đủ, ông Phình tự tin đến trụ sở UBND xã để nộp đơn.

"Giờ tôi có nhiều bò, lợn, có lúa gạo đầy đủ, lại còn trồng rừng phát triển kinh tế, lo được cuộc sống gia đình rồi nên làm đơn xin thoát nghèo", ông Hồ Phình chia sẻ.

Người đàn ông đồng bào Mã Liềng ở bản nghèo viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 5.

Ông Phình viết đơn xin thoát nghèo để chứng minh đồng bào Mã Liềng đã có thể tự phát triển kinh tế thoát nghèo và mong muốn dân bản có thêm động lực tự tin thoát nghèo.

Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, việc làm ý nghĩa của ông Hồ Phình đã góp phần tiếp thêm nghị lực để người Mã Liềng ở bản Kè nói riêng và xã Lâm Hóa nói chung tự tin hơn khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chăn nuôi để từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.

"Hồ Phình là một đảng viên gương mẫu, lại có uy tín trong bản nên luôn được bà con tin yêu. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh Phình còn đến từng nhà trong bản, dạy người dân chăn nuôi, trồng rừng, tặng giống cho bà con. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực hỗ trợ lãnh đạo địa phương trong công tác dân vận, tuyên truyền để bà con dân bản không vi phạm pháp luật, quan tâm đến công tác giáo dục", Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa cho biết.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn