Người đàn ông kỳ lạ và nghĩa địa đau buồn dưới chân cầu Long Biên

16-03-2015 15:37 | Thời sự
google news

Mấy chục năm vớt xác, ông Được bảo rằng, ông cũng không hiểu vì sao xác người lại trôi về chân cầu Long Biên nhiều thế.

Kỳ 5: Nghĩa địa bị cuốn trôi
Long Biên là cây cầu mang nhiều chứng tích lịch sử, nhưng với các đôi bạn trẻ, nó là biểu tượng cho tình yêu. Hàng ngày, các đôi uyên ương dắt nhau lên cầu Long Biên tâm sự, thề thốt yêu đương. Các cặp vợ chồng sắp cưới đều muốn có được hình ảnh đẹp ở cây cầu này cho bộ ảnh cưới. Và, cây cầu này cũng là nơi những người muốn chết tìm đến. Chẳng ai thống kê mỗi năm có bao nhiêu người buông thân mình từ cây cầu này xuống dòng sông cuộn đỏ, nhưng nếu con số được thống kê chi tiết, thì chắc khiến nhiều người giật mình.
Người nắm rõ nhất về cây cầu này, về những vụ tự tử, là ông Nguyễn Đăng Được, người sống ngay dưới chân cầu và cứu sống vô số mạng người, cũng như vớt lên từ đáy sông vô số xác chết.

Người đàn ông kỳ lạ và nghĩa địa đau buồn dưới chân cầu Long Biên
Ông Nguyễn Đăng Được bên dòng sông Hồng. Ảnh Xuân Ngọc

Với cư dân ở ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, ông Được “đen” là người rất nổi tiếng, bởi ông có tới mấy bà vợ và đã có 40 năm làm công việc nghĩa hiệp, đó là vớt xác người, cứu người nhảy cầu tự vẫn.
Sở dĩ, người ta gọi ông là Được đen, là bởi ông có nước da đen bóng. 70 tuổi đời, với hơn 40 năm dầm mình ở sông Hồng, phơi nắng hong sương, trông ông Được gân guốc như một gốc cây cháy dở.
Từ giữa cầu Long Biên, có bậc thang lên xuống hai bên, để du khách có thể xuống bãi giữa sông Hồng thăm thú, tắm táp ở “bãi tắm tiên”. Các đôi uyên ương mê đám cỏ lau lác và bãi cát sông Hồng cũng xuống đó chụp ảnh rất đông.
Anh Nguyễn Văn Hùng, người bán nước ở dưới gầm cầu Long Biên, chỗ bãi giữa chỉ vào đám đất lổn nhổn ngay chân cầu bảo rằng, chỗ đó trước là nghĩa địa chôn rất nhiều người chết trôi. Người thường xuyên vớt xác lên từ sông Hồng, rồi vùi họ ở nghĩa địa hoang ngay dưới gầm cây cầu, ở mảnh đất bãi bồi giữa sông, chính là ông Được “đen”.

Người đàn ông kỳ lạ và nghĩa địa đau buồn dưới chân cầu Long Biên
Ông Được cày ruộng ở bãi giữa. Ảnh: Lê Hữu Đức

Theo chỉ dẫn của anh Hùng, tôi gặp ông Nguyễn Đăng Được, khi ông đang thả lưới mắc mấy con cả nhỏ trốn dòng nước dữ trong bãi lau lác. Ông Được xác nhận, ngay gầm cầu Long Biên chính là nơi ông vùi cả trăm xác người vô thừa nhận. Mấy chục năm vớt xác, ông Được bảo rằng, ông cũng không hiểu vì sao xác người lại trôi về chân cầu Long Biên nhiều thế.
Đoạn sông chỗ cầu Long Biên khá hẹp, nên nước chảy mạnh, chảy xiết. Thế nhưng, xác người cứ vật vào bờ, rồi dập dềnh chẳng chịu trôi tiếp. Ông Được sống dưới thuyền, làm nghề chài lưới, lại cột thuyền ở ngay chân cầu Long Biên làm chỗ trú ngụ, nên chẳng mấy ngày ông không nhìn thấy xác người.
Ông Được bảo: “Chẳng hiểu số kiếp tôi thế nào, mà đi đâu cũng gặp xác người trôi nổi. Người ta đi đánh cá thì được cá, còn tôi đi đánh cá toàn vớt được xác người”.
Ông Nguyễn Đăng Được vốn có quê quán ở Bố Trạch (Quảng Bình), nhưng lại được sinh ra ở tận Thái Lan. Hồi ba mẹ ông lưu lạc sang Thái Lan, đã sinh ra ông. Lúc ông chập chững biết đi, thì theo bố mẹ về Quảng Bình sinh sống.
Ông Được bảo rằng, cái số ông là số quỷ tha ma bắt không chết. Bao năm vào sinh ra tử, cứ sống nhăn răng trước hòn tên mũi đạn. Năm 1968, ông Được vào bộ đội, chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến ở thành cổ thì 10 người chết 9, mà ông vẫn thoát nạn.
Hồi chiến đấu ở Cánh Đồng Chum bên Lào, ông cùng 5 đồng đội bị địch phục kích. 3 đồng đội chết tại chỗ, 2 người chạy thoát nhưng rồi cũng ngã xuống bởi sự truy lùng của kẻ thù. Riêng ông Được tẩu thoát trong rừng rậm. Mất 6 tháng trời mò mẫm trong rừng, ông Được mới đặt chân được đến đất Hà Tĩnh. Lúc đó, trông ông chẳng khác gì thổ phỉ.

Người đàn ông kỳ lạ và nghĩa địa đau buồn dưới chân cầu Long Biên
Đoạn sông Hồng chảy qua cầu Long Biên là nơi ông Được vớt được nhiều xác chết

Cái duyên đưa ông được đến với sông Hồng cũng thật buồn cười. Hồi thoát khỏi rừng Lào, ra Hà Tĩnh, thay vì đi về phía Quảng Bình, chẳng hiểu sao ông lại lưu lạc ra tận Hà Nội.
Bị trộm khoắng mất sạch sẽ tiền bạc, giấy tờ tùy thân, ông Được như kẻ lạc loài, cứ thế vừa đi vừa xin ăn. Ra Hà Nội, ông trèo me, trèo sấu hái quả bán, rồi nhặt đồng nát kiếm sống.
Thấy việc kiếm miếng ăn nhọc nhằn quá, ông mò xuống bãi hoang giữa sông Hồng kiếm miếng đất cắm dùi, rồi phát cỏ trồng trọt. Có chút tiền, ông sắm manh thuyền rách, rồi làm nghề đánh cá kiếm sống.
Với hầu hết dân chài, sợ Hà Bá và những lời đồn thế mạng, thường bỏ mặc xác trôi sông, nhưng ông Được thì khác, ông không đành lòng nhìn xác người dập dềnh, bị cá rỉa từng ngày. Gặp xác người, ông âm thầm kéo vào bờ lo chôn cất, mai táng. Thấy người tự tử, ông lao xuống sống, bất chấp nguy hiểm tính mạng để vớt họ lên. Thế là, ông thành người chuyên vớt xác ở sông Hồng.
Thế nhưng, phận người chết trôi cũng lắm oan khuất, đau buồn. Những người để lại di thư trước khi tự tử, hoặc mang theo giấy tờ tùy thân, thì còn mong được người thân tìm thấy đưa về, chứ những người chết tai nạn bất ngờ, do các vụ án giết người vứt xác, thì thường không có giấy tờ tùy thân, không xác định được danh tính.
Với những cái xác đó, ông Được dùng manh chiếu cũ, tấm nilon, hoặc mảnh chăn rách, quấn lại cho họ đỡ tủi, rồi vùi xác xuống mảnh đất hoang ngay dưới gầm cầu Long Biên ngoài bãi giữa.

Người đàn ông kỳ lạ và nghĩa địa đau buồn dưới chân cầu Long Biên
Mảnh đất dưới gầm cầu Long Biên từng là nơi có nghĩa địa chôn những người chết trôi xấu số do ông Được vớt lên

Theo ông Được, trong mấy chục năm vớt xác của mình, ông đã chôn vài trăm xác người chết trôi vô thừa nhận, tạo ra nhiều bãi tha ma, nhưng bãi tha ma lớn nhất, tập trung nhất, chính là bãi tha ma dưới gầm cầu Long Biên. Đã có tổng cộng khoảng 100 ngôi mộ vô thừa nhận do ông Được đắp nên ở nghĩa địa hoang này.
Hều hết, các xác người trôi sông đều đã trương phềnh, phân hủy, bốc mùi rất ghê, nên kéo xác lên bờ, là ông chôn luôn để người sống đỡ hãi hùng, mà người chết đỡ tủi phận. Chân cầu Long Biên là nơi xác chết quẩn về nhiều, nên nghĩa địa ở đó mỗi ngày một mở rộng là vì thế.
Ông Được kể rằng, không chỉ vớt xác các nạn nhân, chôn cất họ, ông còn biến thành người quản trang bất đắc dĩ. Ngày rằm, mùng một, lễ tết, ông đều hương khói cho họ đỡ tủi.
Thế nhưng, một ngày, cách nay hơn chục năm, dòng sông Hồng bỗng dưng dữ dằn, nước chảy cuồn cuộn, rồi đổi dòng ở đoạn qua cầu Long Biên. Mấy chục túp lều gianh của dân bãi giữa còn bị nước cuốn trôi, nói gì những nấm mồ hoang ở nghĩa địa của những người chết trôi.
Ông Được kể rằng, đợt ấy, cứ mỗi ngày dòng nước lại cuốn mất vài ngôi mộ. Ông và những người dân bãi giữa nhìn cảnh ấy cũng xót xa, nên chở đất đắp lại, dùng cả cót ép be bờ và mua thêm cọc tre nhồi chặt.
Thế nhưng, sức người không địch được nước dữ, nên chẳng thấm vào đâu. Họ bất lực nhìn dòng nước cuốn cát sụt lún, trơ cả xương người. Ngôi mộ cuối cùng cũng đã bị dòng nước cuốn đi. Bãi tha ma ấy đã biến thành dòng sông đỏ ngầu cuồn cuộn.
Vài năm sau, nước lại đổi dòng, chỗ bãi tha ma lại được dòng nước vật cát, đất, cỏ rác lên, đắp thành bãi bồi. Bãi tha ma của những người xấu số biến mất một cách thật nhói lòng.

Theo VTC

 


Ý kiến của bạn