Hà Nội

Người đàn ông hoại tử vùng kín vì mắc ung thư lại đi chữa bằng đắp lá

16-04-2018 07:41 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi Chức năng, BV Da liễu Trung ương từng tiếp nhận và điều trị nhiều ca ung thư dương vật. Đáng nói là đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, nhiều người do tâm lý ngại không chịu đi khám nhưng lại đi đắp các loại lá lẩu không rõ nguồn gốc dẫn đến hoại tử toàn bộ vùng kín và phải cắt bỏ toàn bộ dương vật.

Cẩn trọng với nốt ngứa

TS.BS Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi Chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, khoa đang điều trị cho bệnh nhân Q.V.H, 40 tuổi, ở Sơn La mắc ung thư dương vật. Biểu hiện bệnh ban đầu chỉ là một chấm nhỏ bên ngoài da ở vùng kín nên anh H. không để tâm vì nghĩ chỉ là nốt ngứa. Sau một thời gian nốt ngứa cứ lớn dần, sùi lên và ăn sâu vào bên trong thịt khiến “cậu nhỏ” của anh bị lở loét, đau nhức…

Tuy nhiên, do bệnh ở “vùng nhạy cảm” nên anh H. ngại ngùng không đến cơ sở y tế khám mà tự đi tìm đến các thầy lang để lấy thuốc nam không rõ nguồn gốc về đắp. Không ngờ, sau khi đắp tình trạng bệnh không thuyên giảm mà vết loét ngày càng ăn sâu vào dương vật khiến anh đau đớn, bứt rứt.

Đến lúc này anh H. mới chịu đến BV Da liễu Trung ương để kiểm tra. Kết quả khám, xét nghiệm cho thấy anh H. bị ung thư dương vật - căn bệnh mà anh không ngờ tới vì các dấu hiệu bệnh cũng chỉ như bệnh ngoài da thông thường hoặc như thể bị côn trùng đốt.

Ảnh minh họa.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã đưa ra liệu trình điều trị, anh H. chỉ phải cắt bỏ một phần ở đầu dương vật; sau đó vét hạch ở vùng bẹn. Rất may trường hợp bệnh nhân H. đến bệnh viện khi chưa quá muộn, ung thư đang ở giai đoạn mới chớm nên anh H. vẫn “bảo toàn” được “cậu nhỏ”. Do mắc ung thư ác tính nên sau điều trị, anh H. vẫn phải thường xuyên tái khám để theo dõi quá trình phát triển của bệnh.

Trước đó, BV Da liễu Trung ương cũng từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T. (54 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) bị loét dương vật, tình trạng rất nặng nề, hoại tử toàn bộ vùng kín. Qua xét nghiệm, các bác sĩ kết luận ông T. bị ung thư dương vật. Mặc dù lấy vợ, sinh con bình thường nhưng ông T., vẫn có bao quy đầu… hẹp. Việc hẹp bao quy đầu cộng với quá trình vệ sinh không đảm bảo khiến tình trạng của ông ngày một nặng nề.

May mắn ông T. chưa bị di căn nên các bác sĩ quyết định cắt toàn bộ vùng kín của ông T. sau đó tạo hình lại dương vật từ sụn và vạt da đùi. Đến nay, sau khi tạo hình, dương vật của ông T. vẫn đảm bảo chức năng tiểu tiện và chức năng quan hệ tình dục.

90% bệnh nhân ung thư dương vật có tiền sử hẹp bao quy đầu

TS. Kiêm cho biết, ung thư dương vật là căn bệnh ít gặp ở các nước phát triển, nhưng thường gặp ở các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển. Ở Mỹ và các nước Phương Tây, tỷ lệ ung thư dương vật từ 0,4-0,6% các bệnh ác tính. Tại Việt Nam, ung thư dương vật chiếm tỷ lệ 2,1/100.000 dân ở Hà Nội và ở TP. Hồ Chí Minh là 3,4% các loại ung thư.

"Bệnh ung thư dương vật di căn theo ba đường: tại chỗ, di căn xa, tỷ lệ di căn hạch hạch bẹn là 37%. Khi đã di căn hạch thì khả năng sống sẽ giảm rất nhiều"- TS. Kiêm thông tin.


TS.BS Phạm Cao Kiêm.

Nói về nguyên nhân gây nên căn bệnh này, TS. Kiêm cho biết, có đến trên 90% bệnh nhân ung thư dương vật có tiền sử hẹp bao quy đầu. Đây là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này. Ngoài ra, các yếu tố khác gồm: viêm quy đầu, lichen xơ teo, hút thuốc, psoralen ultraviolet light therapy (PUVA/B, bệnh sùi mào gà...

"Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có tình trạng hẹp bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu khiến phần da ở bao quy đầu không lộn được. Đối với người lớn mắc chứng hẹp bao quy đầu, quá trình vệ sinh không sạch dẫn đến ứ đọng nước tiểu, cặn bã. Các chất bựa này tích tụ bên dưới da bọc quy đầu bởi các tế bào da chết, vi khuẩn và các chất tiết dầu từ da, có thể chứa một lượng nhỏ các chất gây ung thư. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây nên các bệnh viêm nhiễm như viêm bao quy đầu, viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu,...

Các bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, là nguyên nhân hình thành các nhân tố tiền ung thư, nguy hại đến sức khỏe của nam giới. Thông thường 80% trẻ đến khoảng 9-10 tuổi sẽ tự lộn bao quy đầu. Tuy nhiên, có những trường hợp bao quy đầu hẹp không thể tự lộn. Vì vậy, mọi người cần chú ý cắt bao quy đầu cho trẻ càng sớm càng tốt để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh nguy cơ ung thư cho “cậu nhỏ”- TS. Kiêm phân tích.

Hiện nay, việc điều trị ung thư dương vật chủ yếu bằng các phương pháp phẫu thuật, các điều trị phụ trợ bao gồm xạ trị, hóa chất đơn độc hoặc kết hợp với phẫu thuật. Tùy trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ thương tổn tại chỗ, cắt bao quy đầu, cắt quy đầu, cắt bỏ một phần dương vật, cắt bỏ toàn phần dương vật, và cắt bỏ hoàn toàn dương vật và bìu. Vét hạch bẹn để loại bỏ hạch đã di căn và phòng ngừa hạch chưa di căn.

TS. Kiêm khuyến cáo, có rất nhiều dấu hiệu nguy cơ để nghĩ đến ung thư dương vật. Đó là có tình trạng viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu; bỗng dưng sờ thấy cục ở ngay dưới quy đầu, chạm vào có thể gây chảy máu, hoặc có sùi, loét ở vùng quy đầu cần cảnh giác; xuất hiện vùng da sẫm màu bất thường khác màu da ở dương vật; hay bất cứ dấu hiệu gì thấy nghi ngờ, mọi người cần bỏ qua mặc cảm và đi khám sớm.

Ngoài ra, nam giới cần chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ; xử lý tình trạng chít hẹp bao quy đầu từ sớm và nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý toàn thân, cũng như bệnh lý dương vật sớm để được điều trị kịp thời.

Dương Hải
Ý kiến của bạn