Người đàn ông bị nhiễm khuẩn uốn ván từ sợi dây thép cọ vào chân

10-04-2023 14:13 | Y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho người đàn ông 49 tuổi bị nhiễm khuẩn uốn ván do dây thép trên chiếc dép cọ vào mu bàn chân.

Cụ thể, sau 10 ngày bị dây thép trên chiếc dép cọ vào mu bàn chân chảy máu, bệnh nhân mệt, co cứng cơ vùng cổ lan xuống lưng bụng, đau mỏi hai góc hàm, nói hay ăn uống, há miệng đều khó, vết thương trên mu bàn chân phải đã liền.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn uốn ván. Ngay sau đó đã tiến hành điều trị theo phác đồ cấp cứu uốn ván. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã không tiêm huyết thanh kháng uốn ván khi bị thương.

Trong quá trình điều trị, bện nhân xuất hiện các cơn co giật gồng cứng toàn thân, suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi nhiều ứ đọng hầu họng. Các bác sĩ đã tiến hành mở khí quản để kiểm soát chức năng hô hấp, dùng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật, điều trị hồi sức tích cực. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân dần hồi phục, tự ngồi dậy tại giường, tự thở.

Người đàn ông bị nhiễm khuẩn uốn ván từ sợi dây thép cọ vào chân - Ảnh 1.

Nhiễm khuẩn uốn ván qua các vết thương nhỏ (ảnh minh họa).

Theo bác sĩ Trương Quang Chiến, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết, bệnh nhân được mở khí quản kịp thời đảm bảo hô hấp, tránh nguy cơ viêm phổi do thở máy. Đồng thời giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện.

Bác sĩ Chiến cũng cho biết, sau gần 1 tháng điều trị bệnh nhân phải đối diện rất nhiều nguy cơ như loét vùng tì đè, suy dinh dưỡng, viêm phổi bệnh viện, teo cơ, suy giảm tri giác. Vì vậy ngoài điều trị tích cực bệnh nhân phải phục hồi chức năng, tập vận động.

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao từ 25 – 90%. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Khi bị trầy xước, vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với trực  khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh... xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.

Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Thành, phòng Tiêm chủng Đại học Y Hà Nội cho biết: Với tất cả những trường hợp mà có phơi nhiễm hay có nguy cơ với chủng uốn ván khi gặp tai nạn, chấn thương hoặc vết thương giẫm phải đinh, vật nhọn thì cần phải tiêm vaccine phòng uốn ván. Đối với những vết thương đa chấn thương, gần thần kinh trung ương, vùng sinh dục, các đầu chi cần phải cân nhắc tiêm cả huyết thanh. Người bệnh phải đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị.

Ngoài ra, ThS. BS. Nguyễn Văn Thành khuyến cáo mọi người phải xử lý vết thương đúng cách, phòng ngừa uốn ván; nếu vết thương sâu, bẩn, dập nát nên vệ sinh vết thương bằng nước muối loãng hoặc nước sạch; loại bỏ đất bẩn hay mảnh vụn nếu có.

Uốn ván nguy kịch sau vết thương nhỏ ở bàn chân I SKĐS


Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn