3h sáng ngày 02/6, gia đình bệnh nhân Hoàng Anh T, 39 tuổi, trú tại thôn An Lộc B, xã An Khang, TP Tuyên Quang cho biết, bệnh nhân Tuân không có tiền sử bệnh tim mạch, khi đang trực đêm tại nơi làm việc, bất ngờ bị đau tức ngực dữ dội, đau dọc theo xương ức đau lên đỉnh đầu, kèm theo khó thở nhiều, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh... nên đã gọi người nhà đến phòng y tế của công ty và được gia đình đưa thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu.
Ngay khi vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được y bác sỹ khẩn trương thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhanh chóng; kết quả điện tim cho thấy hình ảnh ST chênh lên DII, DIII, aVf; được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh giờ thứ nhất, có chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu.
ThS.BS. Phạm Ngọc Tân – Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, trưởng kíp can thiệp cho biết: Kết quả chụp mạch vành của bệnh nhân Tuân cho thấy đã bị tắc hoàn toàn từ đoạn 2 RCA có huyết khối. Hẹp 30% đoạn 2 LAD. Kíp can thiệp đã thực hiện, hút huyết khối và nong bóng vùng tổn thương, đặt stent vào vùng tổn thương. Mạch máu tái thông tốt, bệnh nhân xuất hiện cơn nhịp nhanh thất, số lượng nhiều, tiến hành xử trí Lidocain, sau xử trí bệnh nhân hết rối loạn nhịp, trở về nhịp xoang. Thủ thuật tiến hành thuận lợi, bệnh nhân được can thiệp thành công. Hiện tại, sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, các chỉ số sinh tồn ổn định, đang được điều trị tại khoa Cấp cứu, sau đó sẽ được chuyển về khoa Nội Tim mạch để điều trị tiếp.
Cũng theo bác sĩ Tân, nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm đến tính mạng, do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu nuôi dưỡng, nó sẽ hoại tử và gây ra triệu chứng đau ngực dữ dội. Việc chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của bệnh nhân.
Thông thường, theo đánh giá và khuyến cáo thì những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim cấp trong độ tuổi từ 45-50, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, những người lười vận động thể lực. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim cấp cũng gặp ở những người trẻ mặc dù tỷ lệ này không cao.
Đây là trường hợp bệnh nhân có thể được gọi là trẻ tuổi lại không có tiền sử bệnh tim mạch mà đã bị nhồi máu cơ tim, vì thế người dân phải hết sức chú ý. Mặc dù triệu chứng cảnh báo rõ nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực, cảm thấy nghẹt thở kèm các triệu chứng khác như toát mồ hôi, nôn, đau đầu nhẹ, song nhồi máu cơ tim cũng có thể xuất hiện với biểu hiện của những cơn đau ngực rất nhẹ, thậm chí thoáng qua hoặc rồi bình thường ngay thì người bệnh cũng cần phải lưu ý. Do đó, Khi thấy dấu hiệu đau tức ngực bất thường người dân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tim Mạch để được xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời. Không nên tự điều trị ở nhà làm mất thời gian vàng để cấp cứu người bệnh.
BS Tân cũng khuyến cáo: Để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim cấp, tầm soát và khám tim mạch định kỳ rất quan trọng.
Sau can thiệp, đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, cân nặng, điều chỉnh đường máu, không sử dụng rượu bia, thuốc lá…
Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú ý thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên nhằm cải thiện tình trạng bệnh cũng như giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này.