Người dân oằn mình chống lũ kép

16-12-2016 10:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Mưa lớn kéo dài cộng thêm việc các hồ thủy điện, đập thủy lợi đua nhau đồng loạt xả lũ khiến nhiều tỉnh kéo dài từ miền Trung đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ngập nước.

Mưa lớn kéo dài cộng thêm việc các hồ thủy điện, đập thủy lợi đua nhau đồng loạt xả lũ khiến nhiều tỉnh kéo dài từ miền Trung đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ngập nước. Người dân lại oằn mình chống lũ và chưa biết bao giờ hết cảnh lũ kép cả trên trời lẫn dưới đất, bởi bao tài sản, hoa màu bỗng chốc thành công “dã tràng”...

Lũ trải dài từ miền Trung tới miền Nam

Ngày 14/12, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kèm mưa kéo dài và xả lũ của các hồ thủy điện, khiến nước từ thượng nguồn đổ về tiếp tục gây ngập lớn ở Bình Định. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ đã gây ngập TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và một số xã ở huyện An Lão. Tại huyện Tuy Phước có 425 ngôi nhà bị nhấn chìm, hơn 1.400 héc-ta lúa và 86 héc-ta hoa màu hư hại.

Nguyên nhân tương tự cũng làm mực nước sông Vu Gia, Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam sáng 14/12 lên rất nhanh, nhiều khu vực tiếp tục ngập chìm trong nước lũ. Trưa và chiều cùng ngày mực nước các sông đạt đỉnh và xuống chậm, tất cả các trạm đều chịu ảnh hưởng của hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Hậu quả lũ là nhiều khu vực ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn nước lên rất nhanh, bị chia cắt cục bộ.Nhà cửa, hoa màu của người dân chìm trong lũ

Nhà cửa, hoa màu của người dân chìm trong lũ.

Tại Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên đập chứa nước Kala (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng) phải xả lũ khiến nhiều nhà cửa, cà phê, hoa màu của người dân các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh... ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nước từ trời và từ các thủy điện xả ra cũng làm TP. Tuy Hòa, Phú Yên ngập sâu. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên thống kê, tính đến chiều 14/12, toàn tỉnh có 17 xã, thị trấn ngập. Lũ đã khiến 6 người bị thương; ba ngôi nhà sập hoàn toàn và hơn 20 căn khác bị tốc mái, hư hỏng. Hàng loạt công trình thủy lợi hư hại, bờ kè sạt lở và giao thông nhiều nơi bị cô lập.

Ở Khánh Hòa, lũ cuồn cuộn đổ về làm nhiều tuyến đường, trường học, bệnh viện cùng nhà dân ở TP. Nha Trang ngập sâu, hư hỏng. Theo thống kê, lũ khiến một người chết, hơn 1.400 héc-ta bị tàn phá, 11 nhà đổ sập. Ngoài ra, hàng chục tấn đá từ núi bất ngờ rơi xuống, đè lên 4 ngôi nhà và nhà kho Công ty Điện lực Khánh Hòa. Nước lũ làm vỡ bờ kênh kéo theo hàng tấn đá đâm xuyên khiến nhiều nhà dân, tài sản bao năm vun đắp bỗng thành công dã tràng.

Sẽ còn khổ đến bao giờ?

Điều đáng nói là trong các đợt lũ lần này đều có “bàn tay” cộng hưởng của việc xả tràn từ các thủy điện và các đập thủy lợi trong tỉnh. Có nơi thông báo sớm, có nơi vừa thông báo vừa xả, hoặc “bị hỏng” thông báo nên người dân cứ việc thấy mưa lớn kéo dài thì tự dự báo mà chạy lũ dần.

Ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch xã Đại Cường (Quảng Nam) - cho biết sáng cùng ngày xã nhận được thông báo thủy điện A Vương và Đăk Mi 4 xả lũ khiến nhiều khu vực ở xã bị ngập sâu. Đáng nói nhiều diện tích hoa màu bà con mới xuống giống sau trận lũ cách đây 10 ngày lại tiếp tục bị ngập. Nhiều nhà máy điện ở Quảng Nam như Đăk Mi, A Vương, Sông Tranh 2... cũng tranh thủ xả lũ, khiến một số địa phương trên toàn tỉnh bị ngập, có nơi gần một mét.

Theo thông báo của Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, từ 7h sáng 14/12, thủy điện bắt đầu xả tràn 35 - 200m3/s, Thủy điện Đăk Mi 4 cũng đã xả tràn từ 22h đêm 13/12 với lưu lượng 500 - 2.000m3/s, tất cả đều xuống sông Vu Gia. Thủy điện Sông Tranh 2 cũng điều tiết lũ qua tràn xuống sông Thu Bồn với lưu lượng hơn 400m3/s.

Tại tỉnh Phú Yên, thuỷ điện sông Ba Hạ, sông Hinh và Krông H’Năng tăng cường lưu lượng xả lũ khiến hạ lưu sông Ba trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ngập. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, từ chiều tối 13/12, Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ phải xả lũ với lượng nước đi bằng lượng nước về. Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ nên từ chiều tối qua nước trên sông Ba dâng nhanh, đạt mức báo động cấp 3. Theo lãnh đạo UBND Phú Yên, trong các ngày tới nếu mưa lớn, các hồ thủy điện sẽ lại tiếp tục công việc quen thuộc là xả lũ.

Mưa lớn kéo dài khiến đập chứa nước Kala, huyện Di Linh, Lâm Đồng phải xả lũ đêm 13/12, gây ngập nhiều nhà cửa, cà phê, hoa màu của người dân các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh. Hàng chục hộ dân sống quanh đập chứa không kịp trở tay. Lượng lớn cà phê người dân phơi trên đường, trong sân bị nước cuốn trôi. Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Tuy chưa thể thống kê, nhưng số lượng người dân có cà phê đang phơi bị nước cuốn trôi là rất lớn. Hiện, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra đi thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho các hộ dân. Còn về việc đập chứa nước Kala xả lũ đúng hay sai, có thông báo cho người dân hay không UBND huyện đang xác minh vụ việc”.

Chứng kiến cảnh dòng lũ cuồn cuộn cuốn trôi bao nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu bấy lâu nay gây dựng, người dân các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên vô cùng chán nản và thất vọng. Họ oằn mình chống lũ liên tiếp, nhưng các đập thủy điện, thủy lợi lại ra sức cộng hưởng cùng những cơn thiên tai, tạo nên những đợt sóng lớn ào ạt xóa sổ bao công “dã tràng”. Cuộc sống người dân vùng lũ vốn vô cùng mong manh, lại càng thêm khốn khó.


Quốc Trung - Bình An
Ý kiến của bạn