Người dân những vùng 'rốn lũ' vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới

29-10-2021 07:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Mùa mưa lũ năm nay, những người dân ở vùng thấp trũng, thường xuyên ngập lụt của tỉnh Quảng Bình đã vơi đi nỗi lo phải tất bật “chạy lũ” bởi những mô hình nhà chống lũ được xây dựng đang mang lại hiệu quả.

Mới vừa trải qua một đợt lũ, người dân tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nơi được xem là vùng "Rốn lũ" lại ngao ngán nhìn trời đổ những cơn mưa xối xả. Họ lo lại thêm một đợt lũ mới kéo về khiến thôn làng ngập trong nước lũ, nhiều hoạt động đình trệ.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 1.

Xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) ngập trong "biển nước" ở trận lũ giữa tháng 10.

Tại thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo nhằm chủ động bảo vệ tài sản trước mưa lũ đã di chuyển tài sản lên gác trên, những vật dụng kích thước lớn nặng sẽ được kê lên khi có dấu hiệu của lũ tràn về.

Theo bà Thảo, đến bây giờ bà và người dân nơi đây vẫn khó có thể quên được trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Vậy nên, năm nay bà con đã chủ động các biện pháp ứng phó. Khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao có lũ bà con sẽ di chuyển vật nuôi đến các địa phương có địa hình cao ráo cách nhà khoảng 7 – 10 km để gửi, lương thực rồi tài sản khác được đưa lên cao.

Những nhà nào có gác 2 thì yên tâm ở nhà đợi lũ đến, những hộ trũng thấp, nhà cấp 4 thì chủ động di chuyển đến nhà tránh lũ cộng đồng để tránh lũ. Trong mùa mưa lũ năm nay vẫn chưa có trận lũ nào quá lớn, nhưng bà Thảo nghĩ dù lũ lớn thì năm nay bà con địa phương này cũng không còn phải tất bật chạy lũ như những năm trước.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 2.

Người dân xã Tân Ninh đưa gia súc đi gửi ở vùng đất cao ở cách nhà tầm 7 - 10 km trở về khi nước lũ rút xuống thấp.

Trước đó, nhằm giúp người dân những vùng "rốn lũ" vơi bớt nỗi lo chạy lũ, sau trận lũ lịch sử năm 2020, ý tưởng về mô hình nhà tránh bão lũ cộng đồng được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đưa ra thảo luận và kêu gọi xã hội hóa nhằm giúp người dân vùng rốn lũ có nơi trú tránh bão an toàn.

Từ ý tưởng, nhiều ngôi nhà tránh lũ cộng đồng đã được xây dựng. Mỗi ngôi nhà tránh lũ cộng đồng thường có diện tích sàn sử dụng hơn 200m2 với sức chứa từ 200 - 250 người. Sàn nhà sẽ được xây dựng cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2020 hơn từ 1m đến 2m. Hệ thống cửa chính và cửa sổ làm bằng kính cường lực, có bể trữ nước ngọt, bếp ăn và hệ thống vệ sinh khép kín, mái đổ bê tông, chịu được bão cấp 15.

Ông Phan Văn Hoa, trưởng thôn Hữu Tân Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh cho biết, địa phương ông đang sinh sống thường xuyên bị ngập lụt nặng nề. Trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, toàn thôn ngập sâu gần 3m, tàu thuyền cứu hộ rất khó tiếp cận để di dời người dân đến nơi khác. Mỗi năm đến mùa mưa lũ, người dân lại tất bật tìm cách bảo đảm tính mạng và tài sản.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 3.

Nhà chống lũ cộng đồng kiên cố được xây dựng tại thôn Hữu Tân giúp người dân vơi đi nỗi lo "chạy lũ".

"Bà con vùng lũ chúng tôi đã có ngôi nhà tránh lũ cộng đồng kiên cố nên rất an tâm. Chúng tôi đã vơi bớt đi nỗi lo khi mùa bão, lũ. Đợt lũ vừa qua tuy không lớn, nhưng khi trời mưa kép dài, ban cán sự thôn đã nhắc nhở bà con vận chuyển đồ đạc lên nơi cao ráo rồi thu xếp tới nhà tránh lũ cộng đồng. Đồng thời tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nếu di dời đến nhà tránh lũ cộng đồng khi lũ lên", ông Hoa vui mừng chia sẻ khi ngôi nhà chống lũ cộng đồng được xây dựng tại thôn Hữu Tân.

Ngước nhìn ngôi nhà tránh lũ cộng đồng của thôn Hữu Tân được xây dựng cao ráo, kiên cố, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, ngoài chức năng phòng tránh bão lũ thì bình thường có thể sử dụng để sinh hoạt cộng đồng.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 4.

Nhà chống lũ và sinh hoạt cộng đồng tại thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

"Rút kinh nghiệm trận lũ lịch sử năm ngoái thì năm nay bà con đã rất cảnh giác, đưa tài sản lên cao hết rồi, chuẩn bị khi lũ lên cao thì sẽ đến nhà cộng đồng để tránh lũ. Những nhà có người già, trẻ em trong phương án phải di dời trước khi lũ đến. Nhà cộng đồng tránh lũ đã phát huy được tác dụng, sẵn sàng mở cửa đón bà con đến tránh trú khi nước lũ dâng cao", ông Hoan cho biết.

Còn tại xã Tân Hoá, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), địa phương được vây quanh bởi những dãy núi cao, được ví như một túi đựng nước khổng lồ tại huyện Minh Hóa. Trước đây, khi mưa lớn, người dân Tân Hóa phải kéo nhau lên bìa rừng hoặc núi cao tránh lũ, đối mặt với đói rét, bệnh tật do nước lũ cô lập kéo dài. Nhưng bây giờ, nhờ có nhà phao tránh lũ, người dân không còn quá lo lắng chuyện chạy lũ mà có thể sống chung với lũ một cách an toàn.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 5.

Nhà phao chống lũ tại vùng "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Bà Cao Thị Tuyết Nhung, ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, nhà phao dùng làm kho chứa lương thực, đồ đạc, đến mùa lũ về thì nó trở thành chiếc phao cứu sinh cho cả gia đình tránh lũ an toàn.

"Mùa mưa lũ nước những năm trước ngập nhà, không có chỗ ở, lúa, ngô bị nước ngâm hết. Phải làm nhà nổi này để chứa lúa, ngô và người ở. Nếu không có nhà nổi thì gạo không có mà ăn, áo quần không có mặc, người không có chỗ ở phải di chuyển vào trong núi ở tránh lũ", bà Nhung chia sẻ.

Người dân những vùng “Rốn lũ” vơi nỗi lo chạy lũ khi mùa mưa bão tới - Ảnh 6.

Người và tài sản được đảm bảo an toàn trong mùa lũ nhờ nhà phao chống lũ.

Hiện nay, mô hình nhà chống lũ cộng đồng, nhà phao tránh lũ kết hợp phương án 4 tại chỗ đã phát huy được hiệu quả, bà con vùng thấp trũng chịu ảnh hưởng lớn do mưa lũ hằng năm đã không con nơm nớp nỗi lo chạy lũ.

Video: Vào vùng "Rốn lũ" xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).


Hùng Trần
Ý kiến của bạn