Hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa không đúng mục đích
Liên quan đến chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7, Điều 45, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ tán thành với phương án 1.
Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển. Bên cạnh đó để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.
Tranh luận với ý kiến của ĐBQH Đặng Hữu Chính, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ không đồng ý với phương án 1 và 3 tại Điều 45. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, quy định như vậy không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai.
Còn ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, theo phương án 3 phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo khoản 1 Điều 177 đảm bảo hài hòa hơn. Việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề xuất chọn phương án 1. Theo đại biểu, Báo cáo tiếp thu, giải trình đã phân tích những ưu điểm, nhược điểm của các phương án. Có thể thấy, dù chọn phương án nào cũng sẽ có tác động rất lớn trong thực tế vì việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với luật hiện hành.
Theo đại biểu, phương án này đảm bảo đối tượng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa sử dụng đất đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích. Nếu kiểm soát không chặt chẽ, tình trạng lợi ích nhóm có thể xảy ra trong việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Có trường hợp phải "đi đêm" để thỏa thuận giá đất cao hơn
Phát biểu ý kiến, ĐBQH Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu và đặt vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này. Đại biểu đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Bởi một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do nhà nước ban hành. Trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn. "Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi nhà nước thu hồi đất", đại biểu Trần Văn Tuấn nói.
Mặt khác, đối với doanh nghiệp, khi triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, có trường hợp phải "đi đêm" để thỏa thuận với giá cao hơn, thiếu công bằng với số còn lại. Song doanh nghiệp nhiều lúc vẫn rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, thậm chí cao hơn mà vẫn không thể triển khai được dự án dù chỉ còn số ít không đồng thuận.
Theo ông Trần Văn Tuấn, điều này làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí, lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đơn thư phức tạp về đất đai ở các địa phương hiện nay, chiếm khoảng 75%.
Từ thực tiễn trên, đại biểu đề xuất với Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển KT-XH, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.
Dự thảo thiết kế 3 phương án điều kiện cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa:
Phương án 1: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 3: Khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177 (không quá 3 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.