Sáng 19/5, mặc dù là Chủ nhật nhưng khoa Cấp cứu Nội Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đã rất đông bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết gần đây, chỉ riêng khoa Cấp cứu Nội Nhi, mỗi ngày, tiếp nhận hơn 20 ca đột quỵ, gia tăng so với những ngày thường.
Theo các bác sĩ, phần lớn các ca bệnh liên quan đến nắng nóng, một số trường hợp đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu. Bệnh nhân say nắng, say nóng thường gặp vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm và hay xảy ra với những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy.
Một số trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu do nắng nóng... cũng phải nhập viện cấp cứu. Trẻ nhỏ chủ yếu cấp cứu vì sốt.
Bệnh nhân cấp cứu tại BV Thanh Nhàn.
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, vào các đợt nắng nóng gay gắt, khoa tiếp nhận không ít trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.
Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.
Chú ý bù nước, không để điều hòa quá lạnh
Theo Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn, nắng nóng tác động nhiều tới sức khỏe người dân. Trong đó, người già và trẻ nhỏ bị tác động nhiều nhất. Đây cũng là hai đối tượng vào cấp cứu nhiều nhất 3 hôm nay.
Bác sĩ Giang cho biết, thời tiết nắng nóng không phải nguyên nhân gây ra đột quỵ, mà là yếu tố thuận lợi khiến những người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim... xảy ra tai biến. Do đó, những người này cần cẩn trọng khi thời tiết quá nóng.
Bác sĩ cảnh báo nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè, người dân cần lưu ý tránh thời gian cao điểm 12h-16h, đồng thời chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc.
Để điều hòa quá lạnh dễ khiến trẻ nhỏ bị ốm, cha mẹ hãy lưu ý.
Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa - khoa Nhi, BV Thanh Nhàn thông tin, từ hôm qua, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng do thời tiết nắng nóng, chủ yếu các trẻ nhỏ sốt cao 39-40 độ, sốt virus, viêm phế quản.
Bác sĩ khuyến cáo bố mẹ chú ý không bật điều hòa quá lạnh khiến trẻ dễ bị ốm, không để nhiệt độ quá chênh lệch với ngoài trời và bổ sung đủ nước cho trẻ.
Để phòng các bệnh lý nguy hiểm do thời tiết nắng nóng, đặc biệt những ngày gần đây khi nhiệt độ cao kỷ lục, các bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế ra đường làm việc vào thời gian có ánh nắng cường độ mạnh từ 10h-14h. Khi đi nắng, người dân cần phải dùng mũ rộng vành, áo dài, khẩu trang; dùng kem chống nắng đúng cách.
"Một điểm lưu ý là người dân cần mặc quần áo có chất liệu thấm hút mồ hôi, không mặc những chất liệu thô cứng khiến thân nhiệt tăng cao, dễ mắc bệnh" - bác sĩ Trà Giang khuyến cáo.
- Hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất (từ 11-15h hàng ngày).
- Luôn uống thật nhiều nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước.
- Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng khi phải ra ngoài đường.
- Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...
- Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.