Video toàn cảnh tuyến đường Láng trước khi được đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng để mở rộng:
Ngắm toàn cảnh tuyến đường sắp được đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại tuyến đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) vào chiều 9/5, giao thông toàn tuyến (đặc biệt là tại các nút giao) ùn ứ kéo dài, mật độ phương tiện rất lớn ở cả 2 chiều.
Theo quan sát, để vượt qua được các nút giao tại Trần Duy Hưng - Láng - Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ - Lê Văn Lương hay phố Chùa Láng, người dân mất trung bình từ 2 - 3 lượt tín hiệu đèn, cá biệt có nhiều tài xế phải đếm 4 lượt đèn đỏ mới có thể di chuyển qua.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố nghiên cứu phương án tiền khả thi dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Trong đó phần đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 đoạn dưới thấp (đường Láng) là hơn 17.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, đường Láng từ chiều rộng mỗi bên 10,5m hiện nay, khi cải tạo xong sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị.
Giữa dòng người đang chen chúc trên đường Láng chiều 9/5, nhiều tài xế chia sẻ với PV về cảnh ùn tắc như hiện tại vẫn có thể tiếp diễn dù đường Láng có rộng gấp đôi trong thời gian tới. Lý do phổ biến nhất được đưa ra là ý thức khi tham gia giao thông của 1 bộ phận người dân chưa cao.
'Với mật độ phương tiện ở mức cao như hiện tại (và sẽ tiếp tục tăng trong tương tai) thì chỉ cần 3, 4 người không tuân thủ giao thông (vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ phương tiện sai quy định,...) cũng khiến toàn tuyến bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các nút giao, lúc đó thì đường có rộng gấp 2, gấp 3 cũng không cứu được', anh Ngọc Trường (trú tại quận Đống Đa) bày tỏ quan điểm.
Cùng ý kiến với anh Trường, chị Huyền Trang (nhân viên văn phòng trên phố Yên Lãng, Đống Đa) cho biết: "Bản thân tôi rất phấn khởi khi nghe tin đường Láng sắp được mở rộng. Tuy nhiên trên thực tế nhiều tuyến đường tại Hà Nội đã từng được mở rộng nhưng sau 1 thời gian lại đâu vào đấy. Để đường xá phương tiện lưu thông ổn định không chỉ cần đường rộng mà cần ý thức tuân thủ luật giao thông và phương án phân luồng hợp lý, hạn chế xung đột tại các nút giao, lối rẽ, điểm quay đầu".
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, đường Láng hiện chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Hình ảnh người/xe chen chúc vào mỗi khung giờ cao điểm trên đường Láng:
Liên quan đến việc tuyến đường Láng sắp được mở rộng, Ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho biết: "Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Láng cả phía trên và phái dưới giúp khép kín Vành đai 2, giao thông nội thành Hà Nội sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không thể khẳng định việc mở rộng đường sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc".
Theo ông Bằng, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, cơ sở hạ tầng chỉ là 1 trong số đó (bao gồm mật độ phương tiện, ý thức tham gia giao thông của người dân, các xung đột giao thông do hướng di chuyển,...). Như vậy, song song với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, các đơn vị, cơ quan chức năng cần có các giải pháp xây dựng văn hóa giao thông, giảm phương tiện cá nhân trong khu vực nội thành...
Dự án mở rộng đường Láng (cả trên cao và dưới thấp) nhằm mục đích hoàn thiện toàn tuyến Vành đai 2 đoạn qua nội thành Hà Nội.
Toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km, quy mô mặt cắt 50-72,5m; là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín. Hiện nay, tuyến đường Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32km trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Xem thêm video được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất ngày 9/5: Nắng nóng ở Nam Bộ có khả năng kéo dài trong những ngày tới.