Hôm ấy, khi vừa đến cổng trạm y tế xã, chị Vi Thị Loan, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) chạy ngược về phía cổng đón mọi người báo tin vui: "Người Đan Lai có bác sĩ rồi đấy". Hình như chưa thỏa mãn với thông tin ấy, chị Loan liền kéo tay mọi người đi dọc trạm xá, đến căn phòng của bác sĩ Vinh tự hào giới thiệu: "Đây là bác sĩ La Văn Vinh, 38 tuổi. Bác sĩ đa khoa đầu tiên của người Đan Lai".
Chị Loan giới thiệu với cảm xúc vui mừng giống như cảm nhận của mọi người khi đến thăm Trạm Y tế xã Môn Sơn xa xôi hẻo lánh. Bởi câu chuyện từ trước tới nay, người Đan Lai có bác sĩ đa khoa là chuyện người dân chưa bao giờ nghĩ đến sau khi tộc người này rời khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra các điểm tái định cư Tân Sơn, Cửa Rào ngay tại trung tâm xã Môn Sơn và khu tái định cư Thạch Sơn, Bá Hạ ở xã Thạch Ngàn.
Trong căn phòng gọn gàng, sạch sẽ, BS Vinh choàng ống nghe trước ngực, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Dường như đoán được suy nghĩ của mọi người về câu chuyện vì sao một người Đan Lai từ trong hang cùng núi hẻm trên thượng nguồn sông Giăng lại trở thành một bác sĩ đa khoa, BS Vinh chia sẻ với chất giọng mộc mạc: "Hồi nhỏ đi học, tôi bị ốm phải đến điều trị tại trạm xá xã Môn Sơn. Chính sự chăm sóc bệnh tình của những người thầy thuốc tại đây in sâu trong tâm trí thơ bé của tôi về hình ảnh người thầy thuốc tận tình, chu đáo bất kể ngày đêm. Lớn lên, những ngày tháng cuối cấp THPT, tôi thầm nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ như những thầy thuốc đó".
Không riêng gì người Đan Lai, cộng đồng các dân tộc anh em ở khu vực miền núi này luôn tự hào về BS Vinh và luôn mong muốn sẽ có thêm nhiều bác sĩ nữa cho cộng đồng của mình. "Hiện tại tôi là bác sĩ thứ nhất của người Đan Lai. Hi vọng những năm sau sẽ có thêm bác sĩ thứ hai, thứ ba cũng là người Đan Lai. Tôi tin, đời sống xã hội phát triển sẽ tác động tích cực đến nhận thức của bà con dân bản Cò Phạt, Khe Khặng, Khe Búng", BS Vinh tự tin nói.
Vị bác sĩ nhắc lại câu chuyện vì sao mọi người trong bản sinh ra và lớn lên chỉ biết lên rừng kiếm cái ăn để sinh sống qua ngày, trong khi mình lại trở thành bác sĩ. BS Vinh trầm ngâm nhìn ra con đường đất đỏ nối từ đập Phà Lài ngược lên thượng nguồn sông Giăng và cụm bản rồi kể câu chuyện bố mẹ đưa mình ra trung tâm xã Môn Sơn để trọ học ở nhà bà con năm mới vào lớp 1.
"Hồi đó, bên cạnh con sông Giăng chảy xiết chỉ có một đường mòn độc đạo rậm rịt cây rừng từ đập Phà Lài, len lỏi, ngược lên vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát và cụm bản của người Đan Lai. Từ bản Cò Phạt, tôi được bố mẹ dẫn đi nhưng phải mất hơn một ngày mới ra đến trung tâm xã. Hôm ấy, mới đi hơn nửa chặng đường thì trời tối, cả nhà phải "hạ trại" ngủ dưới mé rừng. Đêm khuya, một cơn lốc bất ngờ vụt qua, cuốn bay mái lán che bằng cành cây rừng. Cha con, mẹ con chỉ biết ngồi dựa vào nhau. Gió rừng buốt thấu xương", BS Vinh nhớ lại một cảnh tượng đi học cách đây 30 năm.
Theo BS Vinh, do đường sá đi lại khó khăn nên đây là rào cản đầu tiên trong quãng đời đi học của mình. Cũng vì trải qua gian khổ, vất vả đã hun đúc lên ý chí học hành của chàng thanh niên người Đan Lai ngày nào.
"Khi ra đến trung tâm xã thấy như mình đến một thế giới khác dù lúc đó còn bao khó khăn. Trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ đến việc học để thoát nghèo khổ, thoát khỏi rừng núi âm u và heo hút. Chỉ có học mới giúp người bản thân mình giúp đỡ được đồng bào mình...", anh Vinh chia sẻ.
Năm 2006, La Văn Vinh đỗ vào Trường Trung cấp y tế Nghệ An. Không ngờ chặng đường mới này của đời sinh viên lại tiếp tục cam go bởi những tháng đi học với chiếc túi đựng vài ba bộ quần áo cũ rách.
"Ngày xuống thành phố nhập học, cả nhà xoay mãi mới được một ít tiền lẻ với ít cân gạo để tôi bám trụ giảng đường. Đi tìm phòng trọ, phải kiên trì lắm mới chọn được nơi ở rẻ tiền nhất trong ngõ hẻm, đỡ chi phí cho bố mẹ. Suốt 2 năm học, nhiều bữa bỏ ăn vì không dám xin tiền bố mẹ", BS Vinh kể.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, y sĩ Vinh tình nguyện về làm công tác y tế thôn bản tại bản Cò Phạt, bản Khe Búng quê nhà.
Trong khi bạn bè cùng lớp chọn những nơi công tác có điều kiện hơn thì y sĩ Vinh hướng về hai bản ở quê hương để công tác bởi anh thấu hiểu nếp sống lạc hậu vẫn còn đeo đẳng dân bản mình. Anh nghĩ mình sinh ra từ thôn bản bà con sẽ hiểu và làm theo cách điều trị khoa học.
Chính sự thấu hiểu này, y sĩ Vinh muốn bằng những việc làm cụ thể của mình trong khám chữa bệnh cho dân bản để thay đổi nhận thức về phòng, chữa bệnh sao cho đúng. Việc tiêm phòng cho trẻ phải đầy đủ, rồi việc vận động các sản phụ phải thường xuyên thăm khám, sinh nở tại trạm y tế xã hoặc trạm quân dân y của bộ đội Biên phòng đóng ngay cạnh bản. "Quan trọng hơn là cảnh báo, ngăn ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để nâng cao đời sống nhờ đó mới có sức khỏe tốt và nâng cao chất lượng dân số ở vùng sâu, vùng xa", BS Vinh kể.
Nhắc đến chuyện vận động các bà mẹ đi sinh ở các cơ sở y tế, BS Vinh nhớ lại có một sản phụ ở bản Cò Phạt quằn quại trong cơn nguy kịch vì ca sinh khó. Đó là khoảng thời gian cuối năm 2012. Lúc đó, một nhóm bà con dân bản Cò Phạt dùng võng khiêng một sản phụ đến trạm quân dân y cầu cứu. Người phụ nữ chuyển dạ gần một ngày nhưng chưa thể sinh hạ được dù bà đỡ trong bản đã làm nhiều cách.
"Sau khi vào bản thăm khám bệnh nhân, tôi cùng một đồng nghiệp ở trạm quân y nhận định thai lớn quá cỡ, nếu không đưa được đứa bé ra sẽ nguy hiếm đến tính mạng cả hai mẹ con. Ngay sau đó, chúng tôi quyết định cắt tầng sinh môn của sản phụ để đưa đứa bé ra ngoài. Ca sinh khó này đã thành công. Mẹ tròn, con vuông", BS Vinh nhớ lại.
Cũng từ việc xử lý ca sinh khó này, trong đầu anh Vinh luôn trăn trở phải bổ sung thêm kiến thức để xử lý những ca bệnh khó hơn cho người dân. "Thực tế tại thôn bản, có ca bệnh nặng đến mức mạng sống chỉ tồn tại trong khoảnh khắc điều trị. Nếu thầy thuốc không có nghề nghiệp vững sẽ không chiến thắng được khoảnh khắc ấy. Ý nghĩ này thôi thúc tôi tiếp tục đi học lớp liên thông lên đại học", BS Vinh nói.
Nhưng để học tiếp thì "tiền đâu" vẫn là câu hỏi "đầu tiên" khi phụ cấp của y sĩ Vinh và đồng lương của vợ chỉ đủ nuôi đứa con nhỏ. Vậy nhưng khi anh Vinh vừa mở lời sẽ xuống TP Vinh đi học được người vợ đồng ý ngay.
Tháng 10/2014, anh Vinh xuống thành phố đi tìm một căn nhà trọ ở con hẻm cuối đường với giá chỉ 450 ngàn/tháng. Chủ nhà trọ biết anh là người Đan Lai đi học làm bác sĩ nên thương tình giảm tiền thuê trọ và miễn phí tiền nước. Để có thêm tiền trang trải, cứ cuối tuần, anh Vinh lại ra sông Lam quăng chài, lưới để có cá bán. Đêm đêm ra cánh đồng gần vùng ven thành phố bắt ếch nhập cho thương lái.
"Mỗi cân ếch cũng được hơn 100.000 đồng. Sau 6 năm nỗ lực, ngày cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa nước mắt tôi cứ chực trào ra. Lúc đó tôi chỉ mong về Đan Lai thật nhanh để khoe với mọi người", BS Vinh kể.
Bây giờ thì BS La Văn Vinh đã có bốn năm thực hiện ước mơ từng đeo đuổi trở thành bác sĩ. Trong bốn năm đó, khi có ca bệnh nặng chưa kịp chuyển ra tuyến y tế của xã, huyện thì BS Vinh kịp thời "cơ động" để cấp cứu ngay.
"Bà con Đan Lai vẫn chưa thực sự đổi mới trong nhận thức về việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, mỗi tháng một đợt, tôi và cán bộ y tế trung tâm "lặn lội" vào cụm bản để thăm khám định kỳ, tạo nếp sống mới về y tế cộng đồng cho bà con. Nếu lúc cần sự trợ giúp của y tế, mong bà con gọi điện thoại, chúng tôi sẵn sàng tư vấn trực tiếp hoặc vào tận nơi để điều trị", BS Vinh nói.
Người bệnh tim mạch nên tập thể dục thế nào? Dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý | SKĐS